Hà Nội

Mái ấm tình thương của những người bán vé số dạo

18-08-2013 11:00 | Thời sự
google news

Trong con hẻm nhỏ ấy từ hơn 8 năm nay là nơi trú ngụ của 25 người bán vé số dạo thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Người chủ của ngôi nhà là một người đàn ông đã ngoài 40, hơn nửa đời lao động, ông thuê căn nhà này để mọi người cùng chung sống, tránh mưa nắng.

Trong con hẻm nhỏ ấy từ hơn 8 năm nay là nơi trú ngụ của 25 người bán vé số dạo thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Người chủ của ngôi nhà là một người đàn ông đã ngoài 40, hơn nửa đời lao động, ông thuê căn nhà này để mọi người cùng chung sống, tránh mưa nắng. Trong căn nhà chứa đựng số phận của hàng chục con người, dù khác nhau về sóng gió và khó khăn, nhưng họ đều là những người đã một đời phiêu dạt vì miếng cơm manh áo mưu sinh.

Mái ấm tình thương của những người bán vé số dạo 1
 Một cặp vợ chồng hành nghề bán vé số dạo trong mái ấm tình thương.

Những mái đầu bạc một đời phiêu bạt

Trong căn nhà cũ kĩ số 9, hẻm Sao Biển, đường Đặng Tất (phường Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa) ấy, có những con người đến từ mọi nơi: Phú Yên, Sài Gòn, khu vực Tây Nguyên... Bất kì ai trong số họ mỗi ngày đều đi bộ không dưới 10km, người sang hơn một chút sẽ có chiếc xe đạp để đi. Loại xe đạp sang nhất mà họ có trông cũng đã cũ kĩ và nặng nề lắm rồi. Buổi chiều cũng là khi họ trở về nhà đoàn tụ như một gia đình, bên những hũ gạo đựng trong các thùng dầu ăn loại 5 lít. Khi nghe nói nơi đây có mái nhà tình thương, người nọ truyền tai người kia, cuối cùng họ tìm đến đây để ở, cũng là cách thức để họ tiết kiệm tiền để kiếm sống thêm. Phần lớn trong số họ ở lại luôn trong hẻm Sao Biển để tiết kiệm chi phí đi lại. Họ chia nhau từng mét vuông sàn nhà để ngủ, có lúc khó khăn, họ ngủ cả trên võng và ghế bố. Nơi đây có những cụ già đã ngoài 80 tuổi, mưu sinh kiếm sống, cuộc đời họ như ngọn đèn trước bão lớn, có thể tắt bất kì lúc nào.

Theo lời chỉ đường của người dân địa phương, tôi lặng lẽ tiến vào khu vực nơi họ sinh sống. Thực ra, không thể gọi là một căn nhà, vì có căn nhà nào mà chứa đựng trong lòng nó đến hơn 20 người không cùng huyết thống kia chứ? Đó chính xác là một khu vực nhỏ với hàng chục con người ăn chung ở chung. Trong khu vực ấy, mỗi con người có một góc riêng, giường ngủ đôi khi chỉ từ những mảnh bìa cactông ghép lại trải trên nền gạch. Mỗi người chia nhau một mảnh nhỏ của căn nhà ấy. Những cặp vợ chồng thì được ưu tiên ở trong phòng kín hơn, cùng với những người con của họ. Với mọi người thì đó là chốn nương thân không dễ gì có được ở cái thời “thóc cao gạo kém” này.

Trời đang ngày giông bão, lang thang theo những người bán vé số dạo, tôi cùng ngồi nghỉ ngơi và nghe họ kể chuyện đời mình. Theo lời kể, họ đã từng lang thang kiếm sống nhiều nơi khác trước khi đến Nha Trang, nhưng cuộc sống ở những nơi ấy, mà cụ thể là Sài thành xô bồ, đầy ức chế và có nhiều điều phức tạp, hơn nữa làm chẳng đủ ăn nên họ đành trở về quê hương. Nhưng ở quê hương, họ không cách gì có thể kiếm sống được. Hầu hết các thành viên trong nhà đều đã từng bị giật hoặc bị người xấu ăn cắp vé số. Cách đây không lâu, bà Bùi Thị Nhị (78 tuổi) đã từng bị một đám thanh niên mới lớn, thiếu giáo dục giật mất 100 tờ vé số có tổng trị giá lên đến 1 triệu đồng. Giờ đây, nhớ lại, bà vẫn còn tiếc số vé mình đã bị mất, tuổi già lang thang, có lẽ những kẻ cướp lấy vé số của bà cũng cùng đường lắm rồi. Có rất nhiều thủ thuật mà người ta thường dùng để lấy vé số của người bán. Bà Nhị nói về những thủ đoạn đó như sau: “Vé số vốn mỏng, họ tranh thủ lúc ta không để ý thì lập tức chỉ cần nới tay cuộn tròn nhiều tờ lại đưa vào túi rồi chỉ trả tiền 1 tờ, mình sơ ý là mất liền 7 – 8 tờ ngay ấy. Hoặc người bán đang đi trên đường, cầm vé số trên tay, tụi du thủ du thực phóng xe nhanh, rồ ga rồi giật vé số mà lao đi. Khổ cho cái thân già này lắm!”. Quả thực, những tờ vé số nếu trúng giải sẽ có giá trị giải thưởng rất cao, nhưng thường thì những kẻ giật hoặc cướp vé “sẽ chẳng bao giờ có đứa nào được giải”, đó cũng là kết luận của người trong nhà về việc bị cướp vé số.

Người lớn tuổi đặc biệt không kém trong ngôi nhà của những người bán vé số lang thang tại hẻm Sao Biển chính là bác Hà Tấn, một người vốn gốc Phú Nhuận, Sài Gòn. Ông vốn có gia đình hạnh phúc, nhưng đó đã là chuyện của thời điểm trước năm 1983. Bác Tấn đã li dị vợ và ở vậy cho đến nay, cái nghèo là nguyên nhân chủ yếu để ông không đi thêm một lần nữa. Nhiều người nghĩ rằng: chắc chỉ có người ta vào TP. Hồ Chí Minh kiếm sống chứ mấy ai đi ngược lại để ra Nha Trang bao giờ, nhưng thực tế không phải như vậy, dòng đời đã xô đẩy không theo quy luật nào rất nhiều những số phận như bác Tấn. Trước đây, những người cao tuổi như bác Tấn đã làm đủ mọi nghề từ đánh cá đến phụ hồ, nhưng nay tuổi tác đã lớn, những công việc đó đã không còn phù hợp, họ buộc phải rời đi để kiếm sống bằng việc bán vé số. Một đời phiêu dạt, cụ Phan Nam, năm nay đã 80 tuổi, vốn ở Hòa Tân Đông, Đông Hòa, Phú Yên, không vợ, không con tâm sự: “Tôi làm đủ mọi nghề, nhiều lý do khiến tôi không có vợ con, phần vì chiến tranh, phần vì thời thế khó khăn sau khi giải phóng và đổi mới kinh tế, tôi thấy sống một mình vẫn hay!”. Cụ Nam có thể xem là bậc lão niên lớn tuổi nhất ở đây. Cuộc đời cụ trải qua bao sóng gió cũng như những khó khăn mà cụ gặp phải bởi sự thay đổi thời cuộc, đôi mắt cụ giờ đây đã nhạt nhòa, phần vì kí ức phần vì tuổi già, cơ thể đã ngày càng đi về cuối đường đời. Cũng như cụ Nam, có rất nhiều người khác đành phải rời bỏ quê hương, trong khi nhà cửa vẫn để nguyên ở đó. Họ đến Nha Trang để làm ăn, kiếm sống, bỏ lại cha mẹ già và các con nhỏ. “Dẫu rất đau khổ nhưng chúng tôi vẫn phải làm như vậy, cuộc sống không thể tránh khỏi điều đó, chúng tôi vẫn phải làm ăn để nuôi gia đình, tôi tin họ hiểu được điều đó!”, một phụ nữ lớn tuổi vừa đếm chồng vé số dày cộm vừa nói lên suy nghĩ của mình về việc họ đi tha hương.

Được biết, người bán vé số tại Nha Trang chủ yếu là người Phú Yên, do điều kiện địa lý thuận lợi cũng như chi phí đi lại, cộng thêm việc tiền ăn ở thấp hơn so với những trung tâm công nghiệp hàng đầu đất nước, nên họ lựa chọn Nha Trang để mưu sinh. Họ lựa chọn nghề bán vé số vì họ chủ yếu là người không có bằng cấp hoặc không còn sức lao động để làm việc khác nữa. Nghề bán vé số thực ra cũng chẳng hề nhàn nhã như nhiều người vẫn nghĩ. Người ta thấy người bán vé số đi xe máy, nhưng thực ra đó là người ở đại lý lớn thôi, họ đi xe máy để giao vé số cho chúng tôi - những người bán rong hoặc các đại lý nhỏ hơn. Quả thực, nếu người bình thường, không quen mới vào nghề đi bộ hơn 10km/ngày có lẽ chẳng mấy ai chịu nổi, nhưng với họ, những con người đã xác định ý chí kiếm sống bằng tất cả những nghề có thể, chỉ cần lương thiện thì lại là chuyện nhỏ nhặt.

Mái ấm tình thương của những người bán vé số dạo 2
 Anh Diệu, chủ mái ấm của người bán vé số.

Ông chủ mái ấm tình thương

Anh Lê Huỳnh Diệu là chủ của mái ấm này, gia đình anh cũng ở ngay trong căn nhà. Hơn 8 năm về trước, anh từ Phú Yên vào Nha Trang làm ăn sinh sống, được sự chỉ dẫn của người quen cũng như bước đường cùng mưu sinh, anh tìm đến với nghề này. Ngày ngày, nhận bán vé số từ các đại lý và dần dần bản thân mình cũng trở thành một đại lý. Vé số Khánh Hòa có liên kết với 24 nơi khác, do vậy, vé được bán tuần tự theo các tỉnh, ví dụ: thứ 2 bán vé số Phú Yên, thứ  3 bán vé số Bình Định, rồi đến Khánh Hòa và các tỉnh khác... Nhiều người nghĩ rằng bán vé số chắc lời lớn lắm nên họ mới rời nhà đi như vậy, nhưng thực tế thì cũng còn tùy vào cơ may và thời vận. Anh Diệu cho biết: “Những người bán vé số thế này 1 tờ chỉ 10 ngàn đồng, lời lỗ đâu bao nhiêu, người nhiều thì bán được 40 tờ/ngày, người ít thì chỉ được 20 tờ. Nếu mà tính thành tiền thì khoảng 60 - 70 ngàn/ngày thôi. Làm một phép tính đơn giản, họ ăn trưa ở ngoài mỗi đĩa cơm trung bình từ 15-20 ngàn đồng, rõ ràng mỗi ngày họ mang về một số tiền quá nhỏ với nhiều người, nhưng lại là quá lớn với họ. Họ đi bộ bất kể nắng mưa, đi mỗi ngày không dưới 10km, đi khắp thành phố, đến mọi ngõ ngách, mời gọi tất cả mọi người mua vé số. Thấy cuộc sống của họ khổ cực quá, tôi đưa về đây cùng sống, cùng chia vui sẻ buồn với nhau!”.

Có thể nói, dù không phải là người Nha Trang, nhưng họ am hiểu không ít chuyện độc đáo mà ngay cả những người sống lâu năm trong thành phố cũng không hề hay biết. Họ có lẽ không còn nhớ rõ mình đi mòn bao nhiêu đôi dép rồi nữa, bởi họ đi cả ngày, đi cả đêm, cứ đi và đi. Đêm, phố biển vào guồng nghỉ ngơi, nhà nhà ra đường dạo phố, ăn vặt và vui vẻ trên những tuyến phố phường. Những cặp đôi trên bãi biển Trần Phú, Nha Trang có lẽ chẳng ai còn xa lạ với những cụ già chậm rãi bước đi trên bãi biển, bóng hình họ trải dài dưới ánh đèn đường vàng leo lắt. Cuộc sống về đêm mang theo bao điều phức tạp, từ những tụ điểm hút chích đến gái làng chơi và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Những điều này đe dọa khá lớn số phận vốn chẳng mấy hồng son của người bán vé số dạo, họ vốn khổ, nhưng có những kẻ làm họ còn khổ hơn.

Chính quyền địa phương biết rõ, căn nhà mà anh Lê Huỳnh Diệu thuê có nhiều người bán vé số dạo đến cùng thuê ở, họ cũng đã kiểm tra và tìm hiểu kĩ càng công việc để đảm bảo an ninh. Chính quyền phường Vĩnh Hải cũng tiến hành chu cấp cho những đứa trẻ nhân lúc nghỉ hè đi theo gia đình vào Nha Trang bán vé số 5kg gạo cho mỗi 2 em nhỏ. Dù số gạo không nhiều nhưng theo ông Hà Tấn và mọi người thì như thế là chính quyền đã quan tâm đến những số phận như họ rồi và họ rất cảm ơn vì điều đó.         

Bài và ảnh: Diên Khánh


Ý kiến của bạn
Tags: