Mái ấm – nơi cưu mang 22 trẻ khuyết tật, cơ nhỡ của 8 nữ tu
Ngôi nhà cấp 4 nằm ở xóm 7, phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) nhiều năm qua trở thành mái ấm của trẻ em cơ nhỡ, người khuyết tật, tâm thần, thiểu năng trí tuệ. Ngôi nhà có tên "Mái ấm Thiên Ân", do 8 nữ tu Cộng đoàn bác ái Xuân An phụ trách.
Sơ Nguyễn Thị Bình, người phụ trách mái ấm chia sẻ, mái ấm chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009. Đến nay, mái ấm đã tiếp nhận 22 người với nhiều số phận khác nhau. Hầu hết các trường hợp sinh sống tại mái ấm đều là nữ giới với độ tuổi khác nhau. Phần đa họ bị thiểu năng trí tuệ, một số bị bại não, tự kỷ, tâm thần... Mỗi người vào mái ấm trong hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng mang nỗi bất hạnh về bệnh tật, thiếu thốn tình cảm của người thân.
Nhắc đến mái ấm này, sơ Bình nói thêm, vào năm 2009, các sơ nhận được tin có 1 trẻ bị thiểu năng trí tuệ bị bỏ rơi trên địa bàn không ai chăm sóc. Nghe vậy, các sơ tìm đến ngay và mong muốn sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc em bé này. Đó là trẻ đầu tiên mà mái ấm tiếp nhận.
Cũng như trẻ đầu, trẻ thứ 2 các sơ tiếp nhận cũng là trẻ bị bệnh thiểu năng không ai chăm sóc. Tình thương với những con người có số phận không may mắn trong xã hội của các nữ tu ngày càng lan rộng khi các trường hợp tâm thần, khuyết tật ở nhiều tỉnh thành đều được nhận về mái ấm chăm sóc, nuôi dưỡng.
Nữ tu Nguyễn Thị Nữ chia sẻ thêm, chăm sóc những trẻ này vất vả trăm bề nhưng không vì thế mà chúng tôi buông bỏ. Vừa nói, nữ tu vừa lau dọn lại căn phòng nơi cậu bé 14 tuổi bị thiểu năng ném bát cháo mới nấu xuống đất.
Cậu bé này có hoàn cảnh rất đặc biệt khi người mẹ vì cuộc sống mưu sinh nên bỏ con cho bà nuôi. Bà ngoại một phần vì hoàn cảnh, phần khác vì thấy cháu không được bình thường nên đã gửi vào mái ấm. Một thời gian sau, khi nghe tin cháu bình thường trở lại bà đã đến mái ấm nhận lại cháu. Nhưng chỉ sau một ngày đưa về quê thì người thân lại dẫn cháu bé quay lại Mái ấm Thiên Ân nhờ các nữ tu chăm sóc. Từ đó đến nay, gia đình không lần nào ghé thăm em nữa.
Cách đó không xa là nơi hai đứa trẻ bị bại não nằm. Dù đã 14 - 15 tuổi nhưng các em như những đứa trẻ lên ba, chỉ nằm một chỗ. Mọi ăn uống, sinh hoạt đều do các nữ tu đảm nhận. Mỗi bữa ăn đối với những đứa trẻ bị bại não vô cùng vất vả. Các nữ tu phải xay nhuyễn cháo rồi đút từng thìa một. Chị Nữ kể, có hôm đang đút cháo, em phun hết ra người các nữ tu... Vì thế, mỗi lần đến giờ cơm của các em thì vất vả vô cùng.
Tình thương của các nữ tu
Nữ tu Nguyễn Bị Bình chia sẻ, hầu hết các trường hợp trong mái ấm không có khả năng tự sinh hoạt nên việc quản lý, chăm sóc các cháu, các chị phải thức trắng đêm là thường xuyên. Có những cháu cứ động trời là lên cơn đập phá đồ đạc. Thậm chí, sau khi đi vệ sinh còn ném cả chất bẩn khắp nhà. Những lúc như vậy, các nữ tu chỉ biết âm thầm lau dọn, bởi việc nhắc nhở khi họ đang lên cơn tâm thần chẳng có tác dụng gì.
"Chăm sóc người khuyết tật, đặc biệt bị thần kinh là điều không hề dễ dàng. Chúng tôi phải làm những việc nhỏ nhất từ ăn uống, tắm rửa đến vệ sinh cá nhân. Nhiều người không quen, chỉ vào thăm một lát rồi ra về còn chúng tôi nghĩ đến số phận bất hạnh của các cháu nên muốn hy sinh để giúp đỡ phần nào", nữ tu tâm sự.
Do tự thành lập để nuôi các trẻ em có số phận bất hạnh nên kinh phí hoạt động của mái ấm đều do các nữ tu bỏ ra. Nhắc đến việc này, sơ Bình cho biết: "Trước đây có nhà hảo tâm cho một chiếc máy lọc để lọc nước sạch cho các trẻ tại đây. Nhưng vì nước lọc ra quá nhiều nên chúng tôi hỏi ý kiến các nhà hảo tâm là cho đóng chai để bán ra ngoài mong có thêm đồng tiền để hỗ trợ thêm cho các em. Nghe vậy, các nhà hảo tâm đồng ý ngay".
Số tiền bán nước cũng chả thấm tháp để hỗ trợ thêm cho 22 số phận ở mái ấm. Các sơ bàn nhau mở lớp nuôi dạy trẻ để có tiền hỗ trợ thêm cho những mảnh đời bất hạnh. Theo tính toán sơ bộ, mỗi tháng mái ấm phải chi ra gần 30 triệu đồng để lo thức ăn, đồ uống, bỉm mặc... cho các hoàn cảnh bị khuyết tật. Đó là chưa kể đến những phát sinh khác của những con người nay ốm, mai đau, khi bình thường, lúc lên cơn điên lại đập phá đồ đạc.
Hầu hết các trường hợp trong mái ấm đều nhận được trợ cấp của nhà nước. Tuy nhiên, chỉ ít trường hợp gia đình gửi khoản tiền đó vào mái ấm để lấy kinh phí chăm sóc cơm nước, thuốc men. Còn phần đa các gia đình không gửi khoản trợ cấp cho người khuyết tật khiến gánh nặng của mái ấm càng lớn.
Việc chăm sóc những mảnh đời bị tâm thần, thiểu năng trí tuệ rất vất vả, khó khăn nên để duy trì, 2 nữ tu sẽ được phân công chăm sóc, quản lý mái ấm 1 ngày, 1 đêm. Khoảng 10 nữ tu sẽ liên tục được giao nhiệm vụ luân phiên nhau để quản lý những người khuyết tật.
"Hầu hết các nữ tu đang ngày đêm chăm sóc những người bị tâm thần ở đây có độ tuổi còn rất trẻ chỉ từ 20 đến gần 40 tuổi. Nhưng với tấm lòng yêu trẻ, thương người, họ đã trở thành những bà mẹ của các mảnh đời bất hạnh", sơ Bình tâm sự.
Chương trình vinh sanh vì sự phát triển dược liệu Việt | SKĐS