Khi những bông hoa đậu biếc nở trong khu vườn của Mái ấm Thánh Tâm

09-09-2023 07:18 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Tháng 9, những bông hoa đậu biếc nở tím cả khu vườn của Mái ấm Thánh Tâm. Trong khu vườn ấy, mấy đứa trẻ được các sơ hướng dẫn hái hoa và chỉ cách phơi hoa… Nơi đây là mái ấm - nơi hồi sinh những mảnh đời bất hạnh.

Mái ấm Thánh Tâm - nơi hồi sinh những mảnh đời bất hạnh

Cách trung tâm Thủ đô chừng 60 km, Mái ấm Thánh Tâm nằm trong khu vực đất của Nhà thờ Giáo xứ Xuy Xá, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội. 12 đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn; 16 trẻ khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng; 3 người lớn gần 50 tuổi mắc bệnh trầm cảm, thần kinh và 2 cụ già không còn nơi nương tựa đang được nuôi dưỡng và chăm sóc ở đây.

Cách đây 15 năm, sơ Nguyễn Thị Ngát đã cùng với những nữ tu sĩ khác quyết tâm tiếp nhận và nuôi dưỡng các em nhỏ bị khuyết tật, bị bỏ rơi tại địa phương trong một căn nhà cấp bốn rộng khoảng 40 m2. Dần dần, mái ấm có thêm khuôn viên rộng hơn, ngoài dãy phòng ngủ còn có sân chơi cho các bé, cùng với khu nhà bếp và vườn trồng rau.

Khi những bông hoa đậu biếc nở trong khu vườn của Mái ấm Thánh Tâm - Ảnh 2.

Sơ Nguyễn Thị Ngát cùng các con ở mái âm đi dã ngoại.

Câu chuyện về Mái ấm, về những mảnh đời bất hạnh được các sơ kể lại khiến mỗi người đều phải lắng lại, xót xa và khâm phục tấm lòng của các nữ tu nơi này. Nếu như chăm sóc các em bé mồ côi vất vả một thì việc nuôi dưỡng trẻ khuyết tật còn cần phải nỗ lực gấp mười lần. Sáng nào các sơ cũng dậy từ 4h sáng, sau khi đọc kinh cầu nguyện xong là các sơ bắt đầu một ngày bận rộn với mái ấm, từ việc chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp, lau chùi, sắp xếp cho công việc thường ngày cho đến dạy học cho nhưng em không thể đến trường. Đến đêm khuya, khi các con đã ngủ say thì các sơ mới được đặt lưng xuống nằm. Nhiều đêm, các sơ chỉ được ngủ hai đến ba tiếng vì tiếng la hét, tiếng khóc của những em bé tật nguyền hoặc tiếng gọi của những em không thể tự phục vụ bản thân. 

Mỗi đứa trẻ đều được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ từ tình thương không giới hạn của các nữ tu sĩ, những đứa trẻ mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi được nhận nuôi ở Mái ấm Thánh Tâm lớn lên xinh xắn và khỏe mạnh, được cắp sách tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Không chỉ lo cơm ăn, áo mặc, các sơ còn thay nhau dạy chữ, day đàn, dạy hát, dạy các ứng xử, cách sống và đạo lý làm người cho các con mỗi ngày.

Chưa từng làm mẹ, làm bà, có người còn mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng những nữ tu sĩ ấy đã thành thục tất cả mọi công việc chăm sóc người khác, trở thành những người thân, là mẹ, là bà, là thầy, là bạn, là chỗ dựa không thể thiếu của các mảnh đời bất hạnh của Mái ấm Thánh Tâm.

Mặc dù đang mang trọng bệnh nhưng chưa một ngày sơ Ngát thôi trăn trở về các con. Là người gắn bó lâu nhất với mái ấm, sơ Ngát nhớ như in từng hoàn cảnh, quê quán, từng mảnh đời kém may mắn trong ngôi nhà chung Thánh Tâm. Sơ Ngát kể về những điều tưởng như sẽ rất khó khăn với người khác nhưng các sơ vẫn luôn bình tĩnh chăm sóc, kiên nhẫn và không bao giờ lớn tiếng, nặng lời hoặc đòn roi gây thương tích cho các con khi có con thường xuyên lên cơn động kinh hoặc lên cơn hoảng loạn, đập phá đồ đạc, la hét.

Ðều tình nguyện gắn bó cả cuộc đời mình, dành hết tâm huyết và tình thương để lo cho các con ở đây từng bữa ăn, giấc ngủ, trên gương mặt các sơ chưa từng gợn lên sự khó chịu hay nản lòng. Chứng kiến những em bé khuyết tật thường có những hành động và hình hài không bình thường, ai cũng hiểu rằng, phải có được tình yêu thương như với những người chung dòng máu các sơ mới có thể chăm sóc tận tâm đến thế.

Những bông hoa đậu biếc nở rộ

Hiện nay, Mái ấm Thánh Tâm có 3 trẻ sơ sinh, 2 trẻ đang độ tuổi mầm non, 7 em đang tuổi đi học, 1em đang là sinh viên đại học, 2 em đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Chúng đều là trẻ mồ côi được các sơ nuôi dưỡng từ khi mới 1, 2 tháng tuổi và 8 - 9 tuổi.

Khi những bông hoa đậu biếc nở trong khu vườn của Mái ấm Thánh Tâm - Ảnh 4.

Các con "làm điệu" bên giàn đậu biếc ở Mái ấm.

Vương Thị Thu Hương được sơ Ngát nuôi ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, do mẹ của em bị khuyết tật và ung thư di căn."Khi sinh ra, con chỉ nặng 2 kg, chúng tôi đưa về mái ấm nuôi dạy, nay con đã học lớp 3 và học rất giỏi", sơ Ngát hạnh phúc chia sẻ. 

Hay như bé Hải Tâm hiện nay đã vào lớp 2 cũng được nhận vào nuôi dưỡng ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Sự khôn lớn của những em bé như Hải Tâm, Thanh Tâm từ lúc tập bò, tập đi đều được các sơ quay, chụp lại. "Cứ mỗi khi xem lại những hình ảnh khôn lớn mỗi ngày của các con, tôi hạnh phúc lắm", sơ Bích hào hứng kể.

Khi còn rất nhỏ, Nguyễn Ðức Thành không may bị bỏng toàn thân trong một hội trại. Ðến khi mới học lớp 3, Thành lại mất cả cha lẫn mẹ, không còn người thân, các sơ ở Mái ấm đã đón em về nuôi và nhờ cậy sự giúp đỡ của rất nhiều ân nhân để phẫu thuật chỉnh hình cho Thành, giúp em bớt tự ti, mặc cảm. Thành chăm học, học giỏi và hiện đã tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học - Trường Đại học Thái Nguyên. Thành đã có thời gian vừa học vừa làm ở Israel theo chương trình học liên kết của nhà trường. Những lúc trở về mái ấm, Thành lại giúp các sơ chăm sóc các em.

Còn cô bé Nguyễn Thị Thu đến với mái ấm khi mới học lớp 6. Bố mất, mẹ bị điện giật tử vong (mẹ của Thu cũng là con nuôi) cho nên khi ông bà nuôi mất đi, Thu hoàn toàn không còn người thân và may mắn được các sơ nhận về nuôi ở Mái ấm Thánh Tâm. Nỗ lực và hiểu hoàn cảnh bản thân, Thu đã cố gắng học tập để trở thành người có ích. Hiện em đã tốt nghiệp Khoa Thiết kế đồ họa - Trường Sư phạm nhạc họa Trung ương và đã đi làm. Em mong muốn làm được nhiều điều có ích cho mái ấm, để đền đáp những gì mà các sơ đã dành cho em.

Minh Tâm, cậu bé được "để lại" ngay trước cửa mái ấm vào một buổi sáng cách đây chưa đến một năm. Sơ Ngát đón bé vào và cùng các sơ xin làm giấy khai sinh cho bé. Giờ cậu bé đã chập chững biết đi và rất hay cười.

Bé Hoa Tâm được gửi vào mái ấm trong một hoàn cảnh thật trớ trêu. Con bị bỏ rơi ngoài bãi rác, tận một xóm nghèo ở Hà Tĩnh. Không có hậu môn, các sơ phải đưa bé đi khám và phẫu thuật ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua 3 cuộc phẫu thuật, đến giờ sức khoẻ của con đã ổn định hơn và nụ cười luôn thường trực trên môi.

Mỗi hoàn cảnh, mỗi mảnh đời của mỗi đứa trẻ ở đây đều là những câu chuyện xót xa. Lan (sinh năm 2008) và Đức Anh (sinh năm 2006), hai đứa trẻ cùng bị Down nhưng rất thích hát và vô cùng nhạy cảm. Vào mái ấm từ khi còn rất nhỏ, đến giờ dù cao lớn nhưng các con lại không thể tự chăm sóc bản thân, việc gì cũng đến tay các sơ.

Theo Đạo - Giữ Đạo - Sống Đạo

Bộn bề công việc nhưng sĩ số trung bình các nữ tu sĩ ở mái ấm chỉ dao động từ 5 - 6 người đảm trách mọi việc. Vì sơ Nguyễn Thị Ngát mang nhiều trọng bệnh cho nên hai năm nay bề trên đã giao trách nhiệm phụ trách mái ấm cho sơ Nguyễn Thị Bích (sinh năm 1984). Dù nhỏ bé nhưng sơ Bích tiếp quản và chăm lo cho mái ấm cũng rất khéo léo và chu đáo.

Khi những bông hoa đậu biếc nở trong khu vườn của Mái ấm Thánh Tâm - Ảnh 5.

Sơ Nguyễn Thị Bích và bé Bông (năm nay vào lớp 1).

Khi 18 tuổi, độ tuổi nhiều hoài bão và ước mơ nhất, Nguyễn Thị Bích đã chọn con đường trở thành tu sĩ, chỉ giản dị bằng một lý do: "Nếu xây dựng gia đình là sẽ chỉ có thể làm cho bản thân hạnh phúc. Nhưng tôi muốn có một cuộc sống ý nghĩa hơn, rộng lớn hơn, sống một đời yêu thương - phục vụ". Làm việc ở Mái ấm Thánh Tâm từ năm 2009, từ những ngày đầu, cũng như các sơ khác, sơ Bích phải học cách chăm sóc những em bé, nhất là đối với trẻ khuyết tật. Sơ Bích kể rằng những ngày đầu tiên làm việc ở đây, có khi cả tháng ăn cơm không thấy ngon, cảm giác sợ hãi và lo lắng luôn thường trực. "Nhưng bây giờ thì những điều ấy đã không còn nữa. Thay vào đó, chúng tôi đều muốn tự tay chăm sóc các con, lo lắng và dạy bảo chúng mỗi ngày", sơ Bích cho biết.

Trước đây, Mái ấm Thánh Tâm chỉ có nguồn thu từ ao sen với thu nhập trung bình khoảng 80 triệu đồng/năm từ việc bán hạt sen, làm trà sen... Nhưng 3 năm trước, Nhà thờ đã thu lại để xây dựng công viên cho Giáo xứ Xuy Xá. Nguồn thu nhập duy nhất không còn, các sơ cuốc đất trồng rau, nuôi thêm gà để cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho các con. Không còn hồ sen để tăng thêm nguồn thu thì lại trồng hoa đậu biếc và cây cỏ ngọt để làm trà. Nguồn thu từ hoa đậu biếc tuy không bằng thu nhập từ hồ sen nhưng cũng có thêm kinh phí nuôi các con. Mặc dù vẫn có các nhà hảo tâm và ân nhân tặng quà cho mái ấm nhưng các sơ phải luôn cố gắng chăm sóc các con bằng nguồn thực phẩm tự cung tự cấp.

Dẫu còn nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng trong câu chuyện của những "người mẹ" ấy vẫn luôn là sự vui vẻ, là niềm vui khi bày tỏ Mái ấm Thánh Tâm vẫn rộng mở để tiếp tục đón nhận những mảnh đời mồ côi, bất hạnh, không nơi nương tựa. "Linh đạo của chúng tôi là quan tâm, chăm sóc những người bất hạnh, mồ côi, khuyết tật, các cụ già neo đơn, những mảnh đời bất hạnh, cho nên cách đây 15 năm, từ sự giúp đỡ của nhà dòng và nhiều ân nhân, cha Giuse Nguyễn Minh Hoàng đã cùng với các sơ xây dựng nên Mái ấm Thánh Tâm. Chúng tôi đã thật sự tìm thấy ý nghĩa cuộc sống dưới mái nhà này", sơ Bích cười thật tươi nói với chúng tôi.

Sau 4 năm, Mái ấm Thánh Tâm đã được chuyển sang nhà mới được xây dựng khang trang 2 tầng trên mảnh đất mà Nhà thờ cấp. Mặc dù có rất nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ nhưngcòn nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, chắp vá và thiếu thốn nhiều thiết bị. Các con đã có chỗ ở tốt hơn, có chỗ học hành, được phân khu rõ ràng và không bị nóng bức nữa, được sử dụng nước sạch. Giờ đây, điều mong mỏi hơn nữa của các sơ là sẽ có thêm sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để các con có điều kiện được đi học, sau này trở thành những con người có ích.

Cậu bé mồ côi Nguyễn Ðức Thành năm xưa giờ đã tốt nghiệp và luôn tu dưỡng để trở thành một công dân tốt. Em cũng quyết tâm tìm việc làm ở một công ty dược để có thể có thu nhập hỗ trợ mái ấm. "Khi em học lớp 9, em từng bỏ học đi chơi điện tử. Thiếu suy nghĩ như thế nhưng các sơ chỉ đến đón về và phân tích phải trái cho em hiểu. Ánh mắt buồn của sơ ngày hôm đó ám ảnh em đến tận sau này. Em sẽ cố gắng có một công việc ổn định để có thể giúp được phần nào cho mái ấm", Ðức Thành chia sẻ suy nghĩ về những ân nhân bằng ánh mắt biết ơn.

Trong ngôi nhà bình yên ấy, mỗi ngày, các sơ đều chăm sóc các em bằng tình thương của những người mẹ, hết lòng và nhẫn nhịn vô cùng. Không dễ gì có thể làm những việc ấy nếu các sơ không có tình thương còn hơn cả những người sinh ra những đứa trẻ ấy. Chính những tấm lòng ấm áp và bao dung đó đã phá bỏ rào cản của lo lắng tuổi trẻ, giúp các sơ vững vàng vượt qua khó khăn để bao năm qua, ngày ngày chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 30 mảnh đời bất hạnh ở Mái ấm Thánh Tâm.

Mùa thu, những cây đậu biếc nở rộ hoa dịu dàng. Sắc hoa xanh tím mát lành đầy nữ tính đem lại cảm giác bình an, tinh khiết như chính tấm lòng của những nữ tu sĩ nơi Giáo xứ Xuy Xá. Mái tóc buộc gọn gàng, sơ Bích cùng các con vừa khéo léo phơi hoa, vừa hát khe khẽ khúc hát thánh ca… 

Ngày mai, khi những bông đậu biếc nở, lũ trẻ sẽ theo tiếng trống trường đến lớp, và mỗi chiều ngôi nhà ấy lại rộn rã tiếng cười.

Mái ấm của những mảnh đời bất hạnhMái ấm của những mảnh đời bất hạnh

SKĐS - Chùa Yên Ninh (còn gọi là Ðông Trang Tự) nằm khiêm nhường trên cánh đồng rộng lớn của xã Ninh An (Hoa Lư - Ninh Bình). Ngôi chùa đơn sơ này là mái ấm cưu mang những mảnh đời bất hạnh, đùm bọc rất nhiều trẻ lang thang cơ nhỡ.


Chương trình thiện nguyện “Tết ấm vùng cao” tặng quà cho 10 trạm y tế của huyện Hoàng Su Phì.


Ngọc Định - Trang Ngô
Ý kiến của bạn