Hà Nội

Mái ấm đặc biệt của trẻ bất hạnh ở Tây Nguyên

09-09-2023 15:26 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Bằng tình thương yêu vô bờ bến, những nữ tu ở Mái ấm Tín Thác từng ngày nuôi nấng và xoa dịu nỗi đau tinh thần của hàng trăm thân phận bất hạnh thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau để các em lớn lên, thành người có ích cho xã hội...

Dành trọn yêu thương nuôi dưỡng những cuộc đời

Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ ở xã Lộc Thanh (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng), gần 15 năm nay, Mái ấm Tín Thác (thuộc Dòng mến thánh giá Đà Lạt) là ngôi nhà đặc biệt của những đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng mẹ. Cơ duyên để mái ấm này hình thành xuất phát từ lòng nhân ái của một nữ tu, đó là sơ Nguyễn Thị Hường.

Mái ấm đặc biệt của trẻ bất hạnh ở Tây Nguyên - Ảnh 1.

Các sơ ở Mái ấm Tín Thác luôn dành trọn yêu thương cho trẻ bất hạnh.

Đó là vào một ngày trời đầy gió của hơn 15 năm trước, đang đi trên đường, sơ Hường phát hiện trên vỉa hè có một thùng giấy phát ra tiếng động. Mở thùng ra, sơ Hường giật thót thấy trong thùng là đứa trẻ sơ sinh toàn thân tím tái, đang thở thoi thóp, cơ thể chỉ to hơn bắp tay. Không chần chừ, sơ liền đưa đứa trẻ về chăm sóc và đặt tên là Phúc Ân.

Bằng sự chăm chút, yêu thương, nhiều đêm nữ tu dỗ dành đến mệt rồi ngủ thiếp đi theo Ân. Chẳng mấy chốc Phúc Ân khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường. Biết hành động nhân ái của sơ Hường, những ngày sau đó, nhiều người vì hoàn cảnh không thể nuôi con, đẻ xong đều cầu cứu đến sơ, có người sinh con ra thấy bệnh tật, què quặt… cũng bỏ lại cho sơ nuôi.

Mái ấm đặc biệt của trẻ bất hạnh ở Tây Nguyên - Ảnh 3.

Từng bữa ăn của trẻ bất hạnh trong mái ấm đều được các nữ tu lo chu đáo.

Nhiều đêm mưa gió, có tiếng gọi cửa ra thấy họ thả xuống chiếc túi nhỏ, đứa trẻ khóc rỉ rả, lại có người thấy trẻ bị vứt bỏ ở đâu đó thông báo, sơ đến đưa về. Đối diện với mỗi tình huống, hoàn cảnh, nước mắt sơ Hường lại tuôn rơi. Năm 2009, sơ quyết định lập nên Mái ấm Tín Thác để tiếp nhận, nơi dưỡng tất cả những đứa trẻ bị vứt bỏ.

Sau Phúc Ân, hàng chục đứa trẻ khác liên tiếp được sơ Hường "nhặt" đem về mái ấm và đặt tên là: Hồng Ân, Thiên Ân, Khánh Ân, Đức Ân, Gia Ân, Trọng Ân… Khi đặt lại cho các em những cái tên này, sơ Hường hy vọng rồi cuộc đời các em sẽ nhận được nhiều ân huệ, sự ấm áp, bao bọc của cộng đồng, những tấm lòng tốt trong xã hội.

Thấu cảm tấm lòng của sơ Hường, nhiều nữ tu khác cùng một số tình nguyện viên sắn tay vào cùng chăm lo cho các em nhỏ. Lòng nhân ái cứ thế ngày càng lan tỏa rộng ra...

Mái ấm đặc biệt của trẻ bất hạnh ở Tây Nguyên - Ảnh 4.

Trong Mái ấm Tín Thác, các em được chăm chút như đang ở trong ngôi nhà lớn đầy ấm áp.

Rồi, năm nối năm, Mái ấm Tín Thác thành ngôi nhà ngày càng ấm áp, giúp hồi sinh những phận đời, nhất là những đứa trẻ vùng sâu. Không phân biệt dân tộc hay tôn giáo nào, các sơ đều xem tất cả như ruột thịt của mình. Giữa nhọc nhằn, sương gió, các sơ trong mái ấm luôn động viên nhau hãy dành trọn yêu thương cho những "thiên thần bé nhỏ" thiếu hơi ấm người sinh thành.

Từ năm 2017 đến nay, số trẻ trong mái ấm luôn dao động từ 35 đến 70 em. Có thời điểm nhiều em quá nhỏ đổ bệnh, liên tục quấy khóc, các sơ hầu như không có đêm nào được giấc ngủ ngon.

Điều khó khăn nhất với các sơ ở Mái ấm Tín Thác là cách chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng rồi qua bao đêm trắng vừa làm cha, làm mẹ, làm thầy rồi làm cả "bác sĩ" gia đình, khó khăn nào các sơ cũng vượt qua.

Đoàn kết, san sẻ như một gia đình lớn

Khi các lớp trẻ thiệt thòi lớn lên, cơ sở mái ấm ngày càng khang trang thêm cũng là lúc sơ Hường yếu dần đi. Bước qua tuổi 70, hiện nhiều công việc ở mái ấm do các nữ tu khác chung tay gánh vác nhưng từ đáy lòng mình, sơ Hường vẫn luôn tràn ngập sự lo toan cho các số phận không may mắn.

Bà bộc bạch, các em thiệt thòi từ bé nên mình phải yêu thương, gần gũi nhiều hơn để các em không mặc cảm. Hiện nay, Mái ấm Tín Thác đang nuôi dưỡng 64 trẻ mồi côi, trong đó, em nhỏ nhất gần 2 tháng tuổi, lớn nhất 10 tuổi, có 5 em bị các bệnh như não úng thủy, bại não, phổi…

Mái ấm đặc biệt của trẻ bất hạnh ở Tây Nguyên - Ảnh 5.

Mỗi thân phận đều được các sơ trong mái ấm xem như "thiên thần".

Điển hình như cháu Thiên Ân vì mắc bệnh bại não mà bị người thân vứt bỏ bên lề đường, cháu Thanh Nở bị bỏ trước cổng mái ấm… Phát hiện, các sơ liền tức tốc đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị... sau đó về nhà làm theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.

"Chỉ cần còn hơi thở thì dù tật nguyền nặng đến đâu, bệnh tật nhiều thế nào thì cũng nhận nuôi, ngày đêm chạy chữa cho các em". Đó là tâm niệm, cũng là ý nghĩ luôn thường trực trong trái tim và khối óc của các sơ cùng các tình nguyện viên của mái ấm.

Mái ấm hiện có 12 sơ và 6 tình nguyên viên xuyên ngày đêm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Dẫu còn muôn vàn khó khăn nhưng hàng ngày vừa chăm sóc, các sơ còn dạy dỗ và động viên trẻ mồ côi trong mái ấm hãy làm quen với con chữ để tương lai thành người có ích cho xã hội. Thế nên, hiện đang có 40 em theo học các trường trên địa bàn Lâm Đồng.

Sơ Phương, một trong những người dốc hết yêu thương, sức lực dành cho Mái ấm Tín Thác chia sẻ, điều đầu tiên và cũng đáng quý nhất với các em nhỏ ở đây là luôn đoàn kết, thương yêu lẫn nhau. Cháu lớn thì nhường nhịn cháu nhỏ, điều này được các sơ bảo ban hàng ngày. Đặc biệt, dẫu số phận có nhiều éo le nhưng em nào lớn lên cũng tin vào những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.

Mái ấm đặc biệt của trẻ bất hạnh ở Tây Nguyên - Ảnh 6.

Không biết người sinh thành ra mình là ai nhưng các em trong mái ấm luôn bao bọc, yêu thương nhau.

Có thời gian dài gắn bó với mái ấm, sơ Cúc cũng từng nhiều lần trải lòng: Ở đây như một gia đình lớn tiếp sức cho các em thiệt thòi, không chỉ lớn lên về thể chất mà còn có tâm hồn nhân hậu, biết đùm bọc nhau.

Nhìn các sơ đút cháo, cho bú sữa, làm vệ sinh, thay tã cho những "đứa em" của mình, Phúc Ân và nhiều trẻ mồ côi khác trong mái ấm thổ lộ: Chúng em luôn ghi nhớ sâu sắc lòng bác ái và tấm lòng ấm áp, cao cả của các sơ. Dù không biết quê quán mình ở đâu, không nhớ ai là người đẻ ra mình, nhưng mỗi đứa trẻ ở đây lớn lên không than trách thân phận hay bi quan cuộc sống, bởi bên cạnh đã có các sơ dìu dắt.

Cảm kích với sự hy sinh của các sơ, nhiều mạnh thường quân, những tấm lòng với sự yêu thương rộng mở cũng thường xuyên đến động viên, vỗ về, trao những món quà là nhu yếu phẩm thiết yếu, đồ dùng học tập… cho trẻ mồ côi của mái ấm.

Một số mạnh thường quân thường xuyên đến Mái ấm Tín Thác chung một ước mong, những ngày tháng tươi sáng sẽ đến với các em mồ côi, những cơn đau vì bệnh tật của một số em được xoa dịu.

Ở Mái ấm Tín Thác, những thân phận bất hạnh luôn được các sơ chăm sóc, dạy dỗ chu đáo.



Đông Hưng-Thanh Lê
Ý kiến của bạn