Hà Nội

Mái ấm của những trẻ bị bỏ rơi, phận người neo đơn

29-09-2022 17:10 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - Đến Mỹ Đức, Hà Nội, hỏi về mái ấm của những trẻ bị bỏ rơi, phận người neo đơn, ai nấy đều nhắc đến Mái ấm Thánh Tâm – nơi đang nuôi dưỡng 30 số phận éo le gồm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người tàn tật, cụ già neo đơn, mẹ bầu không nơi nương tựa…

Đến với Mái ấm Thánh Tâm (ở xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức) sau một trận mưa rào nên khu vườn Mái ấm như tươi tốt hơn. Khu vườn nhỏ với đủ các loại rau trái là nguồn lương thực nuôi dưỡng hơn 30 phận người ở đây.

photo-1664444317994

Mái ấm Thánh Tâm – nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 30 số phận éo le là người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già neo đơn và trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Mái ấm Thánh Tâm – nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 30 trường hợp khó khăn, éo le là những cụ già neo đơn, mẹ bầu không nơi nương tựa, người khuyết tật. Ở đó có những em nhỏ chân tay co quắp phải ngồi xe lăn, có những em phải bò lê và có cả những bé sơ sinh chưa đầy 5 tháng tuổi.

photo-1664444321112

Ở mái ấm Thánh Tâm, những bé sơ sinh nhỏ tuổi nhất là chưa đầy 5 tháng tuổi, đến 8 tháng, 11 tháng… Ở đây, các bé luôn thiếu sữa mẹ.

Những đứa trẻ khát sữa mẹ ở đây cũng khôn lớn mỗi ngày do có sự chăm sóc của những người nguyện mang trên mình sứ mệnh phục vụ hết mình cho các hoàn cảnh éo le. Đó là 6 nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái (hội dòng phục vụ những người nghèo khó, những người kém may mắn nhất trong xã hội).

Dưới chiếc nón vàng ruộm nhuốm màu thời gian, sơ Teresa Nguyễn Thị Bích tất tả dưới cơn mưa trở về mái ấm, trên tay là bó rau xanh vừa hái trong khu vườn, chị nói: "Về nhanh, đến giờ cho các con uống sữa rồi".

Sơ Teresa Nguyễn Thị Bích là người kế nghiệm chăm sóc, quản trị mái ấm Thánh Tâm và các con mà Sơ Bích nhắc đến ở đây là những bé sơ sinh chỉ vài tháng tuổi, đến chạm ngưỡng đôi mươi. Trong số những người này, có những người thiểu năng trí tuệ được đưa vào đây giờ đã nhanh nhẹn hơn, có những người tâm thần hoặc người già khó tính, sau khi được chăm sóc cũng trở nên nhẹ nhàng đến lạ. Hoặc cả những em mồ côi được mái ấm nuôi dưỡng, nay cũng đã trưởng thành.

photo-1664444323939

Bước vào mái ấm Thánh Tâm là hình ảnh những bé lớn chăm bé nhỏ hơn, đầy ắp tình yêu thương.

Sơ Teresa Nguyễn Thị Bích cho biết, 6 nữ tu ở đây, mỗi người một nhiệm vụ. Người thì chăm sóc trẻ sơ sinh 5 tháng tuổi đến 5 tuổi, người thì chăm lo cho những em mồ côi đang tuổi đến trường, người chăm bẵm bữa cơm cho các sơ, người già neo đơn, người thì chăm sóc trẻ khuyết tật. Ai rảnh tay sẽ phân chia nhau làm vườn, canh tác rau xanh để lo sinh hoạt cho toàn mái ấm.

Không chỉ là mái ấm của những mảnh đời khó khăn, tàn tật, mái ấm còn là nơi tạm lánh của những cô gái lỡ mang thai ngoài ý muốn. Vừa chia sẻ, sơ Teresa Nguyễn Thị Bích hướng mắt về phía chị H.N – một người phụ nữ đến từ TP Hồ Chí Minh đang mang thai ngoài ý muốn vừa đặt chân đến mái ấm chưa đầy 2 tháng.

"Cô ấy đang mang thai con trai tháng thứ tư, chồng vũ phu đến nỗi không thể chịu đựng được nên đã liên hệ đến với mái ấm. Ngày cô ấy dắt con đầu 3 tháng tuổi từ TP Hồ Chí Minh ra, trên người không một đồng. Do quá khó khăn nên mái ấm đã thanh toán tiền tàu, xe cho cô ấy di chuyển ra Hà Nội".

photo-1664444326355

Dù số phận éo le nhưng những phận người ở đây luôn tràn ngập nụ cười trên môi.

photo-1664444328618

Dù chỉ có 6 người chăm sóc đến 30 hoàn cảnh nhưng không gian nhỏ của mái ấm luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương.

Sơ Bích cho biết thêm, sau Tết Nguyên đán vừa qua, cơ sở vừa nhận thêm 3 trẻ sơ sinh, trong đó có bé 16 tháng tuổi bị não úng thủy, đã trải qua phẫu thuật và đang được chăm sóc đặt biệt. Một em bé khác đã được 11 tháng tuổi và một em sơ sinh khác nay đã được 8 tháng tuổi bị mẹ bỏ ngay cổng mái ấm khi chưa rụng rốn. Trong đó có một bé được gia đình hiếm muốn nhận nuôi nhưng phát hiện bé không có hậu môn nên đã gọi các Sơ đến nhận về chăm sóc.

Theo Sơ Bích, dù chỉ có 6 người chăm sóc đến 30 hoàn cảnh nhưng không gian nhỏ của mái ấm luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương. Bởi ngoài sự hỗ trợ của các "Mạnh Thường Quân" về vật chất còn có sự đồng hành, chung tay, hỗ trợ của chính quyền địa phương và người dân xung quanh mái ấm.

Ngoài sự quan tâm, chung tay ấy, để thêm nguồn tranh trải sinh hoạt và gây dựng mái ấm, các sơ đã mượn một căn phòng của nhà xứ để làm nơi sản xuất nước tinh khiết bán cho bà con khu vực với giá rẻ. Cùng với đó là canh tác và cho ra sản phẩm hoa đậu biếc sấy khô. Sơ Bích tin tưởng, cùng sự chăm sóc, lo lắng của các "mẹ", những số phận éo le ở mái ấm sẽ no đủ hơn.

Người Đà Nẵng nhường phòng trọ, tạo chỗ ở, hỗ trợ đồ ăn cho bà con tránh bão NoruNgười Đà Nẵng nhường phòng trọ, tạo chỗ ở, hỗ trợ đồ ăn cho bà con tránh bão Noru

SKĐS - Giữa tâm bão Noru, người dân Đà Nẵng xích lại gần nhau hơn bằng những lời nói, hành động vô cùng ấm áp.

Bảo Minh
Ý kiến của bạn