Gần đây, nhiều người có xu hướng bổ sung magnesium (magiê) bằng thuốc hay các thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, tác dụng của magiê như thế nào và việc bổ sung ra sao là điều cần lưu ý.
Vai trò của magiê trong cơ thể
Các nhà khoa học Mỹ, Hà Lan đều có nhận xét chung là ăn đầy đủ calci và magnesium thì giảm nguy cơ tăng áp lực động mạch. Gần đây, một công trình nghiên cứu của Thụy Điển cho biết: Người dùng nước uống có chứa đầy đủ magnesium có nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 35%, nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim giảm 20% so với người uống nước không có magiê.
Magnesium giúp điều hoà các hoạt động thần kinh và hệ cơ. Thiếu nó sẽ bị đau đầu, co cứng cơ, rối loạn các hoạt động cơ. Vì lý do này từ rất lâu người ta đã dùng magnesium chữa chứng đau đầu, an thần, chống các stress. Gần đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức cho hay dùng magnesium (với liều 600mg/ngày) làm giảm hẳn tần suất bệnh đau nửa đầu. Tương tự, cũng từ rất lâu người ta dùng magnesium (dưới dạng sulfat) chống tiền sản giật, từ đó ngăn ngừa đẻ non, giảm tỷ lệ tử vong trong sinh đẻ. Ngày nay, magnesium còn được dùng chống đau bụng kinh, điều hoà kinh nguyệt, chống táo bón.
Sự có mặt của magnesium cần thiết cho sự biến dưỡng của calci, phospho, natri, kali (và một số vitamin nhóm B). Vì lẽ này mà magnesium giúp cho hệ xương, răng khoẻ mạnh và ngăn không cho calci lắng đọng thành sỏi thận, sỏi mật, gai cột sống. Magnesium góp phần quan trong việc chuyển hoá glucid, lipid thành năng lượng. Do đó giúp chống mệt mỏi, suy nhược.
Dùng magiê như thế nào?
Cuộc sống ngày càng sung túc và lao động cật lực, người ta nạp vào cơ thể nhiều thức ăn giàu năng lượng lipid, protid, glucid nên càng cần nhiều hơn magnesium trong vai trò là chất biến dưỡng. Việc dùng nhiều rượu bia làm giảm vai trò này, đẩy magnesium ra khỏi cơ thể sớm làm tăng thêm sự thiếu hụt nó. Nhu cầu magnesium mỗi ngày của nam là 300mg, của nữ là 350mg.
Sự rối loạn điện giải do mất cân bằng magiê (magnesium), kali, natri, calci tác động xấu đến hoạt động tim mạch, gây nên các bệnh tăng huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim. Thông qua việc điều chỉnh lại rối loạn điện giải mà chữa các bệnh trên là một liệu pháp có thể áp dụng chung cho mọi người bệnh. Magnesium tham gia vào các chuyển hoá protid, lipid, glucid, điều tiết các chức năng hoạt động của cơ tim, đảm bảo cho cơ tim co bóp bình thường. Magnesium đối kháng với calci làm giãn mạch máu. Do làm giãn mạch trong đó có động mạch vành mà magnesium được dùng trong bệnh đau thắt ngực, một hậu quả của xơ vữa động mạch với biến cố cuối cùng là nhồi máu cơ tim, đột qụy. |
Khi dùng magnesium cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Calci, phospho làm giảm hấp thu magnesium tại ruột non vì thế không được dùng kết hợp. Khi vừa thiếu calci vừa thiếu magnesium (chẳng hạn như người mãn kinh) thì phải bù magnesium trước, bù calci sau.
- Magnesium và vitamin B6 cùng tham gia vào các enzym chuyển hoá nên thường phối hợp với nhau. Khi dùng các sản phẩm phối hợp này cần lưu ý không dùng đồng thời với thuốc chữa Parkinson levodopa vì vitamin B6 ức chế thuốc này.
- Magnesium và kali đều có tác dụng trên tim và thường được phối hợp với nhau. Khi dùng sản phẩm phối hợp này cần có ý kiến thầy thuốc, tuân thủ liều lượng vì quá liều, hai thành phần của thuốc đều gây nguy hiểm.
Trong thời gian dùng magnesium, nếu cần thiết phải dùng tetracylin thì phải dùng cách xa hai thuốc này trong khoảng thời gian ít nhất là 3 giờ để tránh các tương tác bất lợi.
Người già dùng nhiều magnesium sẽ làm tăng magnesium máu, nếu không điều trị tích cực sẽ gây buồn nôn, nôn ói thậm chí dẫn đến tử vong. FDA cảnh báo rằng: Do không có các bệnh án đầy đủ về việc người già dùng các loại thuốc chứa nhiều magnesium (như thuốc kháng acid, thuốc ngủ, thuốc giảm đau...), nên các chuyên gia y tế ít nghĩ đến ngộ độc magnesium ở người già. Để tránh sự ngộ độc này, các chuyên gia y tế cần khuyên người già cần cẩn thận khi dùng các thuốc chứa nhiều magnesium, đảm bảo cho việc dùng thuốc khỏi vượt quá mức cần thiết.
Magnesium trong thức ăn thực vật cao hơn động vật, trong lương thực và đậu cao hơn rau, trong rau lá xanh đậm cao hơn rau lá nhạt màu. Tính trong 100g thức ăn thì lượng magnesium (tính bằng mg) lần lượt là: nhân quả bàng: 600; hạt vừng đen: 347; lạc nhân: 306; đậu nành: 279; hạt vừng trắng: 220; đậu xanh: 200; đậu trắng: 145; rau ngót: 129; gạo lức: 112; rau dền cơm: 105. Thay đổi các loại thức ăn một cách khôn ngoan sẽ có đủ lượng magnesium cần thiết: một đĩa rau xà lách (lá nhạt) chỉ cho 4mg nhưng nếu thay bằng rau diếp (lá xanh đậm) thì có 8mg. Chỉ ăn một vốc nhỏ hạt điều có 50-80mg trong khi để có được số magnesium tương đương cần ăn 80g gạo lức. Ngay cả người thiếu magnesium thì nếu ăn đủ thức ăn cũng đảm bảo ít nhất 50% nhu cầu và chỉ cần bổ sung bằng thuốc 50% nhu cầu còn lại.
DS. Bùi Văn Uy