Magiê (Mg) cùng với canxi (Ca) và photpho (P) là những thành phần chính cấu tạo nên xương của cơ thể. Trong cơ thể chúng ta trung bình có khoảng 25g Mg, nhưng lượng Mg ở trong xương chiếm đến 60%. Ngoài ra, Mg còn có những vai trò quan trọng sau đây trong cơ thể:
- Là đồng yếu tố (cofactor) của hơn 300 enzyme trong cơ thể. Các enzyme này đóng vai trò hoạt hóa các phản ứng hóa học xảy ra trong cơ thể. Sự có mặt của Mg trong vai trò xúc tác giúp các enzyme này thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Oxy hóa các acid béo trong cơ thể.
- Hoạt hóa các amino acid.
- Tổng hợp và phân chia AND.
- Là chất dẫn truyền thần kinh, có vai trò thư giãn cơ và các tế bào thần kinh.
- Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Phối hợp tác động với vitamin B6 và các khoáng chất khác.
Mg có nhiều trong rau quả xanh, các loại ngũ cốc, quả hạch, đậu... Nhu cầu hàng ngày của Mg trong cơ thể là 300 - 400mg.
Khi cơ thể không được cung cấp đầy đủ Mg trong một thời gian dài, sẽ gây ra rối loạn nhịp tim, run cơ, co giật, trầm cảm...
Và khi lượng Mg cũng như các chất khoáng khác (natri, kali...) trong cơ thể bị thiếu hụt, là một trong những nguyên nhân chính gây nên chứng chuột rút (Cramp).
Chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) là tình trạng các cơ co thắt gây đau đớn, thường xảy ra đột ngột, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Các nguyên nhân gây ra chuột rút gồm có:
- Do làm việc nặng nhọc hay tập luyện quá sức trong thể thao, gây sản sinh acid lactic và sự thiếu oxy trong các cơ.
- Tình trạng chèn ép các dây thần kinh ở vùng thắt lưng.
- Sự thiếu hụt các khoáng chất trong cơ thể như: Mg, kali... và vitamin B6.
- Khi cơ thể mất nước do ra mồ hôi nhiều hay sử dụng các thuốc lợi tiểu trong thời gian dài.
- Tình trạng mệt mỏi, căng thẳng hay gặp nhiệt độ lạnh của cơ thể là những yếu tố thuận lợi phát sinh chứng chuột rút.
Người bị chuột rút cần phải được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo đầy đủ các khoáng chất (đặc biệt là Mg) và các vitamin.
DS. MAI XUÂN DŨNG