Điều tra trên 39.000 phụ nữ cho thấy những người có chế độ ăn giàu Mg nhất đã giảm 11% nguy cơ phát bệnh đái tháo đường 6 năm sau đó. Riêng phụ nữ dư cân, ảnh hưởng của Mg còn lớn hơn với nguy cơ phát bệnh đái tháo đường giảm trên 20%. Trong 2 nghiên cứu khác trên 85.000 phụ nữ và 42.000 nam giới trong khoảng thời gian 12-18 năm, nhóm ăn nhiều Mg nhất giảm được 30% nguy cơ bị bệnh đái tháo đường so với nhóm ăn ít.
Những cuộc nghiên cứu sâu hơn trong phòng thí nghiệm gợi ý magiê ảnh hưởng đến tác động của insulin trong cơ thể. Khi thiếu magiê, tình trạng kháng insulin trở nên xấu đi dẫn tới nguy cơ bị bệnh đái tháo đường.
Cung cấp đủ magiê còn có thể làm giảm nguy cơ bị loãng xương và giúp điều hòa huyết áp; giảm nguy cơ đe dọa đối với sức khỏe của các bệnh hàng đầu như tim và đột quỵ.
Để đạt được hiệu quả nêu trên, lượng thức ăn phải cung cấp magiê hằng ngày cần bảo đảm 320 mg magiê đối với phụ nữ trưởng thành và 420 mg magiê cho nam giới trưởng thành. Những người bị đổ nhiều mồ hôi, tiêu chảy, nôn mửa dài ngày, nghiện rượu rất dễ thiếu magiê. Khi khẩu phần ăn bị thiếu magiê lâu ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng như stress, nhạy cảm thần kinh, dễ bực bội, rối loạn vận mạch, run, phụ nữ có thai dễ bị tiền sản giật, sản giật đe dọa tính mạng mẹ và con...
Các loại ngũ cốc, đậu đỗ, rau lá có màu lục đậm chứa nhiều magiê. 100 g các món sau chứa trên 100 mg Mg: quả bàng (600 mg), gạo lứt (110 mg), đậu nành (279 mg), đậu xanh (200 mg), mè trắng (220 mg), mè đen (347 mg), rau dền (106 mg), rau răm (138 mg), rau ngót (129 mg), nấm mèo (211 mg), đậu phộng (306 mg), đậu trắng (145 mg), tía tô (123 mg), hạt dưa (112 mg).
Những người dùng rượu bia, tập thể thao cường độ cao, phụ nữ dùng thuốc tránh thai... nên bổ sung magiê bằng các loại rau đậu kể trên, đồng thời cũng để phòng nguy cơ bị đái tháo đường.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn