Một hình thức tội phạm mới về môi trường được nhiều tổ chức mafia theo đuổi. Chúng có những mục tiêu khai thác cụ thể như gỗ quý, nguồn khoáng sản, động vật... Bên cạnh đó, nhu cầu cũng ngày càng lớn do bộ phận người giàu châu Á ngày càng nhiều, luôn tìm kiếm hàng xa xỉ, đồ vật quý hiếm, vật mang lại may mắn hay những phương thuốc thần diệu.
Năm 2014 có 1.215 con tê giác bị giết hại tại Nam Phi, như vậy mỗi ngày có 3 con bị giết. Trên thị trường Mỹ, mỗi cân bột sừng tê giác được bán với giá cắt cổ 70.000 đô-la, đắt gấp 2,5 lần một cân cocaine. Sừng tê giác được người châu Á săn lùng vì họ tin rằng loại sừng này chứa kératine, một chất có trong tóc, móng tay hay móng chân chữa được bách bệnh, thậm chí cả ung thư. Gần đây, bọn tội phạm đã nhắm tới cá ngựa vì theo số thông tin lan tràn trên internet, thịt cá ngựa chữa được bệnh AIDS.
Chính vì lợi nhuận khổng lồ trên mà doanh thu của thị trường buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã lên tới 19 tỉ đô-la vào năm 2013. Tội ác sinh thái không chỉ là cỗ máy kiếm tiền mà còn đe dọa tới an ninh của các cộng đồng và toàn khu vực. Ví dụ như việc buôn bán ngà voi, hay kim cương từng tài trợ cho nhiều nhóm vũ trang tại châu Phi. Sự phát triển trên được giải thích bởi “lợi nhuận cao mà rủi ro ít”.
MN (Theo Le Monde)