“Made in China” và câu chuyện dùng hàng nội địa

01-04-2012 07:25 | Quốc tế
google news

Tại Pháp, Ðức, Mỹ, muốn chứng tỏ lòng yêu nước bằng cách mua sản phẩm hoàn toàn sản xuất trong nội địa không hề dễ dàng. Ngược lại, ở Trung Quốc thì không có việc gì dễ hơn thế.

Tại Pháp, Ðức, Mỹ, muốn chứng tỏ lòng yêu nước bằng cách mua sản phẩm hoàn toàn sản xuất trong nội địa không hề dễ dàng. Ngược lại, ở Trung Quốc thì không có việc gì dễ hơn thế.

Ngày nay, cứ 3 người Pháp thì có 2 người cho biết sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua hàng Pháp, so với 5 năm trước, tỉ lệ này chưa được một nửa, nhưng với điều kiện là không phải trả đắt hơn quá 5%. Nhưng việc nhận ra được các món hàng made in France không phải dễ dàng, vì hiện chưa có tiêu chuẩn thống nhất, trừ các loại pho mát và rượu vang có giấy chứng nhận xuất xứ. Đối với hàng nội thất vốn nhập khẩu đến 2/3, muốn mua hàng Pháp chỉ có cách hoặc mua hàng giá rẻ được bán trong các đại siêu thị để về tự lắp ráp, hoặc mua hàng thật cao cấp. Hàng điện tử gia dụng còn nhiều nhãn hiệu có nhà máy tại Pháp và một nửa giá trị tăng thêm là từ trong nước.
 
Nhưng nếu muốn mặc quần áo made in France thì người tiêu dùng có nguy cơ gần như phải khỏa thân vì 95% quần áo bày bán tại Pháp được sản xuất tại nước ngoài. Không thể nào tìm được một chiếc quần jean hoặc bộ đồ vest nam sản xuất tại Pháp. Thiết bị điện thì không có sự chọn lựa nào khác ngoài hàng từ châu Á. Về xe cộ, chỉ có xe gắn máy hiệu Peugeot còn lắp ráp trong nước, xe hơi thì phải mua những kiểu xe nhỏ của Peugeot, Citroen, Renault, các loại xe lớn đều được lắp ráp ở Trung Âu hay Thổ Nhĩ Kỳ vì giá thành sản xuất chênh đến 1.300 euro. Tuy nhiên, điều an ủi là động cơ, hộp số, bộ truyền động đều là hàng Pháp.

Tại Đức, tiêu chí để được xem là hàng Đức là giai đoạn chuyển đổi quan trọng nhất được thực hiện tại đây, có nghĩa là một sản phẩm sản xuất 90% tại nước ngoài vẫn có thể được xem là made in Germany. Hiện có một số trang web giúp người tiêu dùng nhận ra các nhãn hiệu giữ ít nhất phân nửa sản xuất tại Đức. Về trang phục, các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Puma, Hugo Boss đều đã dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài từ lâu. Giày dép thì còn vài hiệu làm tại Đức nhưng đa số dành cho người trên 50 tuổi. Về thực phẩm, hoặc là mua thịt giá rẻ hoặc phải mua loại bio rất đắt tiền. Hàng điện tử gia dụng có hiệu Miele nhưng giá đắt gấp đôi. Xe hơi nổi tiếng Porsche Cayenne thì tuy động cơ sản xuất tại Leipzig nhưng lắp ráp tại Slovakia.

Tại Hoa Kỳ, các nhãn hiệu nổi tiếng nhất thường được sản xuất tại nước ngoài. Quần jean Levis may tại Pakistan, giày Converse sản xuất tại Việt Nam, áo thun Trường đại học New York bày bán trong cửa hàng chính thức có xuất xứ từ Cộng hòa Dominica. Không thể nào gian dối, vì theo luật thì quần áo phải hoàn toàn hay hầu như toàn bộ sản xuất tại Mỹ mới được trưng nhãn hiệu made in USA. Tuy vậy, Tập đoàn Nike tuy làm việc với 900 nhà sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, nhưng vẫn thu dụng 23.000 lao động tại Mỹ cho hiệu Nike air dành cho trẻ em. Chỉ có lĩnh vực xe hơi là lạc quan: kiểu xe Chevrolet Sonic từ nay được sản xuất tại Mỹ thay vì Hàn Quốc, góp phần giúp công nghiệp Hoa Kỳ tăng trưởng.

 Ôtô sản xuất tại Trung Quốc.

Trung Quốc - Công xưởng của thế giới

Ngược lại với các nước phát triển, ở Trung Quốc, hầu như tất cả các mặt hàng tiêu dùng đều made in China, kể cả các món hàng xa xỉ. Trên 30% hàng dệt may xuất khẩu trên thế giới là của Trung Quốc, thực phẩm thì hoàn toàn nội địa, đồ gỗ và điện tử gia dụng đa số là hàng trong nước. Các món hàng đắt tiền như iPhone của Apple tuy vẽ kiểu từ California nhưng lắp ráp ở Thẩm Quyến, xe hơi Audi thiết kế tại Đức nhưng quy định của Bắc Kinh buộc phải liên doanh với một đối tác Trung Quốc nên được lắp ráp tại Trường Xuân.

Trung Quốc được biết đến như “công xưởng” lớn nhất thế giới của các dòng sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng toàn cầu. Hàng hóa made in China (sản xuất tại Trung Quốc) đang tràn ngập khắp nơi, song có lẽ chưa bao giờ các sản phẩm made in China lại đối mặt với nguy cơ và thách thức khá nghiêm trọng trước thái độ của người tiêu dùng toàn cầu như hiện nay. Đứng trước thách thức trên, Trung Quốc đã áp dụng các giải pháp quyết liệt để lấy lại lòng tin đối với thương hiệu quốc gia.

Để ngăn chặn hiện tượng các công ty nước ngoài chạy theo lợi nhuận, hạ thấp chất lượng gây thiệt hại cho made in China lẫn người tiêu dùng, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng quản lý phần sản xuất nội địa bằng hệ thống 2.000 bộ luật liên quan từ Trung ương đến địa phương.

Chính phủ cũng đã chi gần 9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ USD) để tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra và phát hiện kịp thời các vấn đề trong quản lý chất lượng. Trung Quốc cũng đã cộng tác với các cơ quan liên quan của Mỹ và Liên minh châu Âu về an toàn sản phẩm.

Bên cạnh chiến lược nắm chắc lại chất lượng sản phẩm, tạo dựng lại uy tín cho sản phẩm, Chính phủ Trung Quốc còn đẩy mạnh thực hiện bài trừ tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật ở nước này. Chính phủ Trung Quốc gọi đây là “cuộc chiến tranh đặc biệt” để cứu vãn uy tín của hàng hóa made in China.

 Quỳnh Diệp(Theo Le Monde, Chinadaily)


Ý kiến của bạn