Macron – Putin: 14 ngày và 14 năm

30-05-2017 10:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Năm 1985, khi V. Putin nhận nhiệm vụ tình báo viên ở Dresden, CHDC Đức cũ, thì Emmanuel Macron chỉ là một chú bé học tiểu học.

Cuộc đời cũng khó có ai học được chữ ngờ, một ngày tay tình báo lão luyện, sành sỏi trên chính trường lại nhanh chóng đến gặp “chú nhóc” ngay khi nhận được lời mời.

Với TT V.Putin nói riêng và chính sách đối ngoại Nga nói chung, nước Pháp luôn luôn là một đối tác cực kỳ quan trọng – thậm chí có thể nói cả yếu tố văn hóa thì nước Nga cũng luôn luôn hướng về nước Pháp. Ngữ pháp Nga hiện đại được xây dựng trên cơ sở ngữ pháp tiếng Pháp bởi nhà bác học Nga vĩ đại Lomonosov. Sự giao thoa văn hóa từ học hỏi của người Nga đến tác động trở lại văn hóa Pháp, đã đem lại cho hai nước có mối quan hệ thật đặc biệt.

Cách đây 300 năm, vị Sa hoàng ngỗ ngược của nước Nga, một pháo thủ, một thợ đóng tàu… đã hướng tới nước Pháp để chọn cho đất nước mình một hình mẫu để phát triển, từ hình thái chính trị đến lối sống của giới quý tộc… Giờ đây, nhân dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử này, cũng đem lại cho TT V.Putin cơ hội để bắt tay vị tân Tổng thống chưa được khám phá của nước Pháp.

Hãy nhìn lại xuất phát điểm của cuộc gặp gỡ: Ông V.Putin đến nước Pháp với vị thế của một vị Tổng thống đang gặp khó khăn – thậm chí còn là một người chơi bài vừa thua một ván bài quyết định trong chiến lược đối ngoại Nga – châu Âu. Theo dõi những gì diễn ra, người ta không nghi ngờ rằng TT V.Putin đã đặt cược vào xu thế cực hữu ở châu Âu trong cuộc bầu cử vừa qua ở nước Pháp. Hơn nữa, còn có nhiều cáo buộc đối với Putin, một mặt là việc có thể Nga tài trợ cho bà Le Pen trong chiến dịch tranh cử, mặt khác là đứng sau một loạt những hành động “truyền thông bôi nhọ” dành cho ứng cử viên Macron.

Logic mà nói, nếu đúng lộ trình, bà Le Pen thắng cử và thúc đẩy quá trình “Franxit” [1] đồng nghĩa với việc lệnh trừng phạt mà châu Âu đang áp đặt lên Nga sau những sự kiện như sáp nhập Crimea và nội chiến ở Đông Ucraina, không có căn cứ để tiếp tục được duy trì. Với Nga, Pháp luôn luôn là “khâu yếu” trong Liên minh châu Âu nói riêng và thế giới Phương Tây nói chung, vì yếu tố lịch sử thân mật giữa hai nước trên đây đã đề cập một phần, một phần nữa là đường lối độc lập của nước này với châu Âu và Phương Tây được xây dựng từ thời Tổng thống Charles De Gaule và được kế tục bởi Francois Mitterand.

Nước Anh thì đi một nhẽ – bởi quan hệ truyền thống đặc thù của nước này với Hoa Kỳ, nhưng một trong hai nước hoặc Pháp, hoặc Đức rời Liên minh, Liên minh sẽ tan vỡ chắc chắn. Cho đến nay thái độ cứng rắn của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel chưa hé cho Putin một chút ánh sáng cuối đường hầm nào, thì việc đặt cược vào “cửa” Pháp, là lựa chọn khôn ngoan.

Một tay chơi lão luyện không thể bỏ cơ hội – như người Việt Nam thường nói “30 chưa phải là Tết” – TT V.Putin cũng không dại gì bỏ qua cơ hội để đánh tiếp những ván bài tiếp theo, cái gì kết thúc cứ để cho nó kết thúc, các tay chơi chưa ai đứng dậy và đây, một tay chơi mới tinh ngồi vào bàn. Cơ hội không bao giờ đóng lại cho bất cứ ai, hơn ai hết ông V.Putin hiểu điều đó.

Về phần mình, TT E. Macron cũng tỏ ra sành sỏi và thông minh không kém khi bỏ qua ngay những thông tin về chuyện “truyền thông bôi nhọ,” cờ đến tay thì phải phất, không thể vì những chuyện đã qua mà không bước vào con đường tương lai được.

Đến nay, những gì về TT E. Macron chưa thể cho giới phân tích những dữ kiện đầy đủ để hệ thống hóa thành “chính sách Macron” được, đặc biệt về đối ngoại – mà chỉ phân tích trên những gì ông thể hiện khi tranh cử. Với đường lối tỏ ra độc lập nhưng cũng rất khôn ngoan “biết người biết ta” của mình, chúng ta không có căn cứ để cho rằng ông Macron sẽ lựa chọn một đường lối quá độc lập với châu Âu – với toàn thế giới Phương Tây, đặc biệt với Hoa Kỳ và Anh thì có thể (độc lập hơn.)

Dư luận thế giới do đó được chứng kiến màn bắt tay kiểu “đọ sức” giữa hai tân Tổng thống, một “trẻ mà có vẻ chín chắn” (Macron) và một “già mà có vẻ thất thường” (Trump.) Nếu hỏi ý kiến cá nhân, tôi sẽ không đắn đo mà dự đoán, chính sách của ông Macron với Hoa Kỳ sẽ là độc lập một cách có tính toán. Đáp lại yêu cầu của ông D.Trump là “các thành viên NATO (ngoài Hoa Kỳ) sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn” (về tài chính) thì nước Pháp của ông Macron sẽ đáp ứng, cũng đồng nghĩa với việc nước Pháp sẽ có vai trò lớn hơn trong NATO.

Phân tích điều này để thấy, có thể nước Pháp sẽ tăng cường vai trò quân sự của mình ở nước ngoài, trước mắt trong khuôn khổ của NATO. “Hồ sơ Syria” của Putin, không nằm ngoài lộ trình này – từ góc độ nhìn của Phương Tây về những cáo buộc chính quyền Bashar al-Assad vẫn sử dụng vũ khí hóa học để tàn sát dân chúng và các lực lượng đối lập. Chưa biết Macron sẽ hành động ra sao trước “hồ sơ” này, nhưng có thể dự đoán Pháp sẽ can dự nhiều hơn vào Syria – Pháp cũng là một nước mới là nạn nhân của khủng bố và Syria thì cũng đang là một trong những chiến trường chính của cuộc chiến chống khủng bố.

Nhưng, một khi đã giữ cái nhìn chung của Phương Tây về “Hồ sơ Syria” thì có lẽ nào ông Macron lại có cái nhìn khác về “Hồ sơ Ucraina” – nhất là khi nước này (Ucraina) đang hướng rất mạnh về Phương Tây, không giấu diếm mong muốn và xây dựng lộ trình gia nhập Liên minh châu Âu? Nếu với mạch logic như vậy thì chỉ thiếu cớ để gia tăng lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, chứ chẳng có lý do gì để giảm hay dỡ bỏ nó đi. Tất cả phụ thuộc vào tình hình chiến sự Đông Ucraina và thái độ của Nga đối với các cuộc đối thoại hòa bình cho Ucraina.

Đơn giản vì, Phương Tây chưa thể gạt bỏ khỏi đầu nhãn quan về “một chính sách có tính xâm lược” của Nga, hay của TT V.Putin. Nhưng một người thông minh như Ê E.Macron không thể không hiểu là đối đầu, chẳng mang lại điều gì hay ho, thậm chí nếu có một đối thủ nào đó, việc đối đầu chỉ làm cho đối thủ đó mạnh lên. Hợp tác, có khi lại làm cho đối thủ tự suy yếu đi.

TT E. Macron mới chỉ nhậm chức được có 14 ngày tính đến ngày gặp TT V.Putin ở Versailles trong khi ông Putin nếu chỉ tính thời gian ngồi trên ghế Tổng thống, đã bước sang năm thứ 14. “Mười bốn ngày so mười bốn năm” – con số so sánh thật thú vị – nhưng có một điều chúng ta thấy khá rõ, họ không có ý định đối đầu nhau. Không phải vì ông Putin là cựu cán bộ tình báo mà ông Macron sợ, cũng không phải vì Pháp là một thế lực có thể đe dọa được Nga. Không thể so sánh được, vì TT V.Putin không phải chính trị gia đúng nghĩa “kiểu Phương Tây” và TT E.Macron thì lại chẳng bao giờ đạt được vị thế của tay chơi “nội công thâm hậu” đậm chất Á – Âu của ông Putin.

Đơn giản là còn quá sớm để bình luận – TT V.Putin thì còn đang muốn thăm dò để quyết định những nước bài tiếp theo còn TT E.Macron thì đang trong “giai đoạn hình dung” để hình thành nên chính sách đối ngoại của chính quyền mình trong tương lai. Việc của chúng ta là hãy chờ, và xem…

[1] Nhái “Brexit” ở nước Anh, quá trình vận động cho nước này rời Liên minh châu Âu.


Phúc Lai
Ý kiến của bạn