Mạch nguồn bất tận trong phim tài liệu

26-07-2019 07:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong điện ảnh Việt, dù ở thời điểm nào thì phim tài liệu về người lính qua thời trận mạc hoặc đã anh dũng hy sinh nơi sa trường vẫn luôn là đề tài được quan tâm.

Vì vậy, nhiều thước phim tài liệu về người thương binh, anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nền độc lập, hòa bình của Tổ quốc vẫn được sản xuất như một sự tri ân cũng như giáo dục các thế hệ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Không thực hiện để cạnh tranh thị trường như các thể loại khác, dù mục tiêu chính là phục vụ công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần yêu nước, tự hào truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc nhưng phim tài liệu về đề tài thương binh - liệt sĩ vẫn có sức hấp dẫn và giá trị riêng có bởi những thước phim, câu chuyện lay động lòng người. Khán giả nước nhà vào tháng 7 hàng năm vẫn được thưởng thức nhiều bộ phim chất lượng về đề tài này trên nhiều kênh sóng truyền hình hoặc đợt phim kỷ niệm Ngày  Thương binh - Liệt sĩ 27/7 trên toàn quốc. Được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên các phim tài liệu đều có đích đến là đem lại cảm xúc thiêng liêng cho người xem. Những năm gần đây, bên cạnh những tác phẩm kinh điển đã có, không ít phim tài liệu về người thương binh, anh hùng liệt sĩ đã ra đời được khán giả yêu mến và đánh giá cao.

Cảnh trong phim tài liệu Ngày về.

Trong số này phải kể đến phim tài liệu Sống và kể lại của đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm được trao Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20. Với thời lượng 50 phút, Sống và kể lại được ghi hình tại nhiều địa danh đã đi vào lịch sử tại Quảng Trị như Thành cổ, sông Thạch Hãn, nhà thờ Long Hưng, chốt thép Long Quang..., mang tới cho khán giả câu chuyện về 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ phim tái hiện phần nào câu chuyện ký ức trong thời bình của những người lính năm xưa. Mặc dù trong Sống và kể lại, khán giả dễ dàng nhận ra dấu ấn chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh sâu sắc đối với mỗi cựu binh có mặt tại cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị, song không chỉ dừng ở đó, hơn cả những nỗi bi thương, khán giả theo dõi bộ phim tài liệu này còn cảm thấu thêm một thông điệp quan trọng khác: sự trân trọng đối với cuộc sống hòa bình mà mình đang có. Qua chia sẻ của những nhân chứng lịch sử từ cả hai bên chiến tuyến, Sống và kể lại mang tới khán giả những góc nhìn đa chiều và chân thực về cuộc chiến ác liệt kéo dài 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, để thêm tự hào, trân trọng những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Bên cạnh đó, bộ phim tài liệu Ngày về (giải Cánh diều Vàng 2018, biên kịch Nguyễn Đức Thực, đạo diễn Phạm Thanh Hùng) cũng từng làm ám ảnh người xem. Ngày về nói về những số phận, hoàn cảnh của những thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) và Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình). Đi qua chiến tranh, những người lính năm xưa chưa được trở về đoàn tụ cùng gia đình do tình trạng sức khỏe không đảm bảo, ngày ngày họ vẫn lặng lẽ sống trong ký ức của chiến tranh và chiến đấu với bệnh tật trong tình cảm, sự chăm sóc, sẻ chia của các y, bác sĩ, gia đình và đồng đội. Dù vậy, các thương bệnh binh trong bộ phim luôn mang khát vọng được bình phục để trở về nhà. Ngày về là phim tài liệu được đánh giá với cách thể hiện chân thực, xúc động, vừa làm toát lên những cống hiến, hy sinh của các thương bệnh binh, vừa thể hiện nỗi đau, sự mất mát do chiến tranh để lại, qua đó, phần nào cho thấy những vất vả, khó khăn của các y, bác sĩ tại các Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh này.

Ngoài ra, không ít phim tài liệu được thực hiện gần đây cũng chạm đến trái tim khán giả. Đó là phim tài liệu Ta còn gửi lửa trong than (đạo diễn Phan Minh Sơn) nói về ông Lâm Văn Bảng - cựu tù binh trong nhà tù Mỹ Ngụy ở Phú Quốc - đã cất công lặn lội từ Bắc vào Nam sưu tầm, thu thập những kỷ vật về đồng đội cùng bị tù đày để lập ra bảo tàng tư nhân duy nhất ở Việt Nam về các cựu tù binh. Bảo tàng góp phần lưu giữ những bằng chứng làm xúc động lòng người về sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ “gan vàng dạ thép”. Trong khi đó, phim tài liệu K10 (đạo diễn Vương Khánh Luông) kể về những người lính tiểu đoàn 10 đặc công Quảng Trị (1964 - 1976) đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đơn vị của họ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tầng sâu bình yên (đạo diễn Phạm Hồng Thắng) lại là phim tài liệu kể về câu chuyện những người cựu chiến binh hàng chục năm lặn lội tìm lại đồng đội đã hy sinh để đón các liệt sĩ về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Ngoài ra còn có phim tài liệu Ba tôi (đạo diễn Đoàn Hồng Lê) tri ân đại tá - liệt sĩ Trương Hồng Anh, sư đoàn trưởng sư đoàn 2 quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia (1984). Bộ phim tài liệu này là một câu chuyện kể đầy sống động về cuộc chiến đầy khốc liệt. Và trong tâm tưởng của người còn sống, là nhân chứng là người thân của những người đã khuất, phim tái hiện một cách mạnh mẽ, nhân văn, can trường về một quá khứ bi tráng, đẫm nước mắt và vô cùng lãng mạn của tình yêu người lính tình nguyện Việt Nam.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn