Hà Nội

Mạch năng lượng len lỏi giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới

28-02-2024 17:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Điện lưới Quốc gia về với đồng bào vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bà con vui mừng và tự tin vào những dự định mới để phát triển bản làng.

Người Arem (thuộc dân tộc Chứt) sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vui mừng bởi sau nhiều năm dài chờ đợi, những bản nghèo của xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã có điện lưới Quốc gia. 

Ngay sát đó là xã biên giới Thượng Trạch, do nguồn vốn hạn chế, các bản làng cách xa nhau, địa hình phức tạp nên hiện chỉ cấp điện tại trung tâm xã. Dự kiến khoảng tháng 4 năm nay, 318 hộ đồng bào Ma Coong tại 8 bản làng xa xôi của xã này sẽ được hưởng lợi từ lưới điện Quốc gia.

Mạch năng lượng len lỏi giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới- Ảnh 1.

Xã Tân Trạch nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đưa điện lưới về bản làng vùng biên

Theo lãnh đạo điện lực Quảng Bình, Công trình cấp điện cho bà con xã Tân Trạch, Thượng Trạch được hoàn thành với 6 trạm biến áp, gần 45km đường dây trung thế, trong đó có 27,5km đi ngầm qua vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và 17,4km đường dây trên cao.

Hiện toàn bộ bản 39, xã Tân Trạch đã sử dụng điện lưới. Tại xã Thượng Trạch, việc đưa điện đến từng nhà dân tại 8 bản khu vực gần trung tâm sẽ hoàn thiện vào tháng 4 năm nay, 10 bản ở xa sẽ được triển khai cấp điện từ các nguồn đầu tư công giai đoạn 2025-2030.

Mạch năng lượng len lỏi giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới- Ảnh 2.

Điện lưới về với vùng trung tâm xã biên giới Thượng Trạch.

Khó khăn lớn nhất của việc đưa điện lưới về 2 xã Thượng Trạch và Tân Trạch chính là địa hình phức tạp, giao thông đi lại cách trở. Đường điện lưới này cũng hết sức đặc thù, đi qua vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, do vậy phải tính toán và đảm bảo tuyệt đối yếu tố môi trường, an toàn cho di sản thiên nhiên thế giới.

Cùng với đó, Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Quảng Bình trích quỹ phúc lợi hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ hệ thống điện sau công tơ, lắp đặt thiết bị trong nhà cho toàn bộ bà con ở xã Tân Trạch.

Mạch năng lượng len lỏi giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới- Ảnh 3.

Công nhân điện lực hướng dẫn bà con cách sử dụng điện an toàn đến từng hộ gia đình.

Công nhân điện lực cũng tổ chức hướng dẫn bà con làm thủ tục cấp điện, hỗ trợ kỹ thuật đấu nối sau công tơ và cách sử dụng điện an toàn đến từng hộ gia đình.

Động lực thúc đẩy bản làng phát triển

"Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, người dân các thôn, bản quây quần trong khuôn viên của xã để cùng tổ chức tất niên, chúc mừng năm mới. Hoạt động này góp phần gắn kết tình cảm của dân bản với cán bộ, bộ đội biên phòng", ông Đinh Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ.

Theo ông Đinh Cu, trước khi có điện lưới, hoạt động của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Nhiều máy móc, thiết bị phụ thuộc vào điện mặt trời, máy phát điện. Nếu không nắng, thiết bị có trục trặc thì hoạt động hành chính sẽ bị gián đoạn.

Mạch năng lượng len lỏi giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới- Ảnh 4.

Trước đó xã Tân Trạch, Thượng Trạch dựa vào nguồn điện từ hệ thống điện mặt trời, máy phát.

"Với sự ổn định của điện lưới quốc gia, máy móc, trang thiết bị để thực hiện các thủ tục hành chính hoạt động ổn định, thuận lợi cho cán bộ, nhân dân. Việc cập nhật và trao đổi thông tin cũng hiệu quả hơn rất nhiều so với trước", Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết thêm.

Điện lưới về, bản làng vùng biên có điều kiện và động lực để phát triển sản xuất, cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Nhiều gia đình, hợp tác xã sắm sửa các trang thiết bị sẵn sàng cho những kế hoạch phát triển đời sống, kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Nguyễn Trường Chinh, địa bàn xã hiện có sản phẩm măng khô OCOP 3 sao. Khi điện lưới về với đồng bào 8 bản trong tháng 4 tới, việc phát triển các sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng sẽ trở nên khả thi hơn. Bên cạnh măng rừng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch cho sản phẩm nếp than, các sản phẩm mây tre đan, tiểu thủ công nghiệp, tạo sinh kế cho bà con đồng bào.

Mạch năng lượng len lỏi giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới- Ảnh 5.

Dòng điện đến với từng nhà của dân bản.

"Địa bàn xã Thượng Trạch giàu nguồn lợi từ các sản phẩm nông sản của núi rừng, trong đó tiêu biểu là măng rừng. Hiện nay, sản phẩm OCOP 3 sao chỉ có thể được giữ ở dạng măng khô. Nhưng với việc có điện lưới, các đơn vị thu mua có thể phát triển thêm khâu chế biến, đầu tư tủ lạnh để bảo quản măng tươi hoặc măng chua", Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết.

Để sẵn sàng cho việc đóng, cấp điện tại các bản, chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cho bà con việc sử dụng điện an toàn, mang lại hiệu quả cao.

Điện lưới ngoài việc phục vụ sản xuất, xã tân Trạch và Thượng Trạch cũng có điều kiện để phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đa dạng hóa đời sống tinh thần cho nhân dân.

Mạch năng lượng len lỏi giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới- Ảnh 6.

Dòng điện lưới thắp sáng bản làng dưới tán rừng Trường Sơn.

"Tôi công tác tại đây cũng gần 6 năm và đã mong mỏi ngày điện lưới về bản cũng ngần ấy thời gian. Nguồn điện không ổn định nên một số trang thiết bị cũng khó duy trì vận hành. Nay có điện lưới thì công tác khám, chữa bệnh cũng đỡ vất vả đi nhiều, có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của bà con mình", BS. Phan Văn Huệ, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch cho biết.

Xã biên giới có trường, trạm khang trang nhưng chưa có điện lưới Xã biên giới có trường, trạm khang trang nhưng chưa có điện lưới

SKĐS - Cái khó của việc phát triển kinh tế, văn hoá của bà con đồng bào Ma coong, Arem nơi xã biên Thượng Trạch , tỉnh Quảng Bình nằm ở việc thiếu đi điều kiện thiết yếu.


Đan Thanh
Ý kiến của bạn