Những rối loạn chuyển hóa lipid này, nếu không được điều trị kịp thời, sẽ phát sinh ra những mảng xơ vữa động mạch và dẫn đến các biến chứng tắc động mạch. Các động mạch hay bị tắc nhất thường: động mạch vành tim, động mạch não, động mạch ngoại vi…
Bệnh mạch vành
Bệnh nhân bị ĐTĐ dễ bị mắc bệnh mạch vành 2 - 3 lần hơn so với người bình thường. Số người tử vong do bệnh mạch vành ở người ĐTĐ cũng cao hơn người bình thường 2 lần. Tổn thương trên mạch vành ở bệnh nhân ĐTĐ cũng rải rác hơn và ảnh hưởng đến các nhánh nhỏ của động mạch vành nhiều hơn nên việc điều trị, nhất là nong mạch vành và điều trị ngoại khoa làm cầu nối động mạch cũng khó khăn hơn rất nhiều.
Bệnh nhân bị ĐTĐ dễ bị mắc bệnh mạch vành 2 - 3 lần hơn so với người bình thường
Các biểu hiện chính của bệnh: cơn đau thắt ngực, gặp khi bệnh nhân làm việc gắng sức và nhồi máu cơ tim. Có những trường hợp, bệnh nhân không hề biết có bệnh ĐTĐ và chỉ khi bị cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim, các khám nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng mới cho thấy bệnh ĐTĐ đã có từ lâu.
Với bệnh nhân ĐTĐ, tiên lượng của bệnh lý mạch vành rất xấu, hơn cả những bệnh không bị ĐTĐ vì: thông thường bệnh nhân ĐTĐ thường có suy tim, suy thận kèm theo, bệnh nhân có thể bị nhiễm toan chuyển hóa ngay sau khi bị nhồi máu cơ tim. Do đó, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi sử dụng insulin trên bệnh nhân có suy thận.
Để phòng ngừa biến chứng mạch vành cho bệnh nhân ĐTĐ phải bảo đảm các nguyên tắc sau: kiểm soát đường trong máu thật chặt chẽ và thường xuyên bằng thuốc hạ đường huyết uống hoặc tiêm, điều trị có hệ thống các rối loạn chuyển hóa chất béo đi kèm và ngừng hút thuốc lá, giảm cân nặng…
Tai biến mạch máu não
Bệnh nhân ĐTĐ có thể bị tai biến mạch máu não, tỉ lệ cũng cao hơn người bình thuờng khoảng 2 lần. Diễn biến của tai biến mạch máu não có thể từ từ, tiến triển dần dần hoặc đột ngột mê và liệt nửa người ngay.
Tổn thương hay gặp nhất là hẹp hoặc tắc động mạch cảnh do những mảng xơ vữa đi kèm. Bệnh nhân thường có những biểu hiện của thiếu máu não trước khi bị tai biến như: hay quên, chóng mặt, tri giác không được tốt… Khi có nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho người bệnh đi làm siêu âm Doppler mạch máu vùng cổ, vì đây là xét nghiệm tốt nhất có hiệu quả cao trong đánh giá các tổn thương của mạch máu ở vùng này, để từ đó có hướng điều trị thích hợp. Có thể phòng ngừa bằng sử dụng thuốc Asprin liều thấp từ 80 - 160mg một ngày.
Bệnh mạch máu ngoại vi
Các nghiên cứu ở các quần thể dân cư khác nhau đều cho thấy: có sự liên quan mật thiết giữa bệnh ĐTĐ và chứng xơ vữa động mạch. Trước kia, các nhà bệnh lý học thường quan niệm: ở bệnh nhân ĐTĐ chỉ có tổn thương của các động mạch nhỏ vùng ngoại vi, tuy nhiên ngày nay với sự tiến bộ của khoa chẩn đoán hình ảnh. Các quan niệm trên đã dần được thay đổi: các mạch máu lớn ngoại vi như động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch khoeo… cũng bị tổn thương bởi các mảng xơ vữa động mạch. Hậu quả là xuất hiện tình trạng thiếu máu nuôi các chi, đặc biệt là hai chi dưới. Ở những bệnh nhân bị ĐTĐ tỉ lệ hoại tử chi tăng từ 8 - 150 lần so với những người bình thường. Cả hai giới nam và nữ đều bị biến chứng như nhau và có tới 25% bệnh nhân ĐTĐ bị các biến chứng này.
Kiểm soát đường trong máu thật chặt chẽ và thường xuyên bằng thuốc hạ đường huyết
Các triệu chứng của bệnh rất giống với bệnh viêm tắc động mạch do xơ vữa động mạch như: đau cách hồi (bệnh nhân bị đau bắp chân khi đi lại nhiều, đau sẽ giảm đi khi bệnh nhân ngồi nghỉ), đau chân ở tư thế nằm, chân lạnh và tím ở các ngón, teo cơ, cuối cùng là hoại tử khô và hoại thư ướt khi có nhiễm trùng.
Bệnh nhân được chẩn đoán chính xác bằng chụp động mạch có cản quang với kỹ thuật số. Có rất nhiều khả năng sẽ xảy ra: tắc hoàn toàn các động mạch chi dưới, hẹp một phần động mạch, đoạn hẹp có thể ngắn, nhưng thông thường khá dài và lan tỏa. Chính vì vậy việc điều trị nối ghép mạch máu cho bệnh nhân bị biến chứng động mạch ngoại vi trong bệnh ĐTĐ rất khó thực hiện và có thực hiện được đi nữa thì tỉ lệ thành công cũng không cao.
Các phương pháp điều trị cơ bản vẫn là: kiểm soát tốt đường huyết, bỏ thuốc lá, điều trị những rối loạn trong chuyển hóa lipid, có chế độ ăn thích hợp… Bệnh ĐTĐ là một bệnh mạn tính, không có chuyện chữa khỏi hoàn toàn bệnh mà chỉ có chặn đứng bệnh bằng chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý, các thuốc kiểm soát đường huyết sử dụng mỗi ngày và cần phải theo dõi, nhằm phát hiện sớm những biến chứng về mạch máu để có thể có được phương thức điều trị tốt nhất.