Hà Nội

Mách chị em 5 cách bảo vệ làn da trước ô nhiễm môi trường

03-01-2020 09:36 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Mới bước vào những ngày đầu năm 2020 nhưng chất lượng không khí khu vực Bắc Bộ và Hà Nội đã ở tình trạng xấu, dự báo tình trạng ô nhiễm bụi mịn vẫn tiếp tục kéo dài. Trước đó, trong năm 2019 tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tình trạng ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm bụi mịn xảy ra khá thường xuyên. Riêng tại Hà Nội đã có khoảng 5 đến 6 đợt ô nhiễm không khí ở mức xấu và rất xấu.

Ô nhiễm không khí gây tổn hại nhiều đến làn da. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có tính chất lâu dài, lặp đi lặp lại sẽ gây lão hoá da, các bệnh lý viêm như vảy nến, viêm da cơ địa, mày đay, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm nang lông, mụn trứng cá và nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư da.

Theo đó, các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), hầu hết các điểm quan trắc ở phía Bắc đều ở màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe và một vài điểm màu tím - mức  rất có hại cho sức khỏe.Dự báo trong 3 ngày đầu năm 2020, tình trạng ô nhiễm bụi mịn ở phía Bắc vẫn ở ngưỡng đỏ, thời gian ô nhiễm kéo dài trong ngày.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh chỉ số chất lượng không khí trong khoảng một tháng gần đây nằm ở mức báo động, gây nguy hại cho sức khỏe. Ngoài ra, nguồn nước từ các kênh rạch, sông hồ, giếng khoan cũng bị ô nhiễm trầm trọng do các hóa chất từ các nhà máy thải ra hoặc từ nước thải sinh hoạt của con người.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 4 triệu người chết mỗi năm bởi vì tình trạng ô nhiễm không khí. Hơn 80% dân số đang sinh sống ở những nơi có chất lượng không khí không an toàn cho sức khỏe. Sự gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung và làn da nói riêng. Những thành phần có trong không khí ô nhiễm như tia cực tím, hydrocarbon thơm đa vòng, hợp chất hữu cơ bay hơi, các oxid, bụi mịn, ozone và khói thuốc lá sẽ tạo ra stress oxy hoá làm tổn thương da. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có tính chất lâu dài, lặp đi lặp lại gây lão hoá da, các bệnh lý viêm như vảy nến, viêm da cơ địa, mày đay, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm nang lông, mụn trứng cá và nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư da.

Dưới đây là những khuyến cáo của các bác sĩ Da liễu BV Da liễu Tp. Hồ Chí Minh giúp chị em bảo vệ làn da trước tác động của ô nhiễm môi trường.

Chống nắng khi ra ngoài trời

Tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời không chỉ khiến làn da bị đen sạm, cháy nắng mà còn gây lão hóa thậm chí ung thư da. Để chống lại tia cực tím, khi ra ngoài trời bạn cần bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và phổ rộng chống cả tia UVA và UVB. Nếu có tắm biển hoặc hồ bơi thì chọn loại kem có thêm tính chống nước. Bôi lặp lại mỗi 2 giờ nếu tiếp xúc ánh nắng nhiều.

Mang khẩu trang, mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài trời. Khẩu trang chọn loại vải cotton, dày. Nếu trời nắng thì cần chọn vải tối màu (đen, xanh đen, nâu, tím) vì những màu này có khả năng chống tia cực tím tốt hơn màu sáng.

Làm sạch da mặt

Sử dụng nước tẩy trang để loại bỏ kem trang điểm và bụi bẩn trên da mặt mỗi ngày. Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, có chỉ số pH gần bằng với chỉ số pH sinh lý của da.

Cung cấp độ ẩm cho da

Tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm da sẽ nhanh lão hóa. Vì vậy, làn da cần được dưỡng ẩm để luôn khỏe mạnh, láng mịn và tươi trẻ dài lâu. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, dưỡng ẩm chứa chất chống oxy hoá như vitamin C, E… Đây đều là những thành phần cẩn thiết để bảo vệ da khỏi những tổn thương.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Chăm sóc, bảo vệ da từ bên ngoài thôi chưa đủ. Để da khỏe, đẹp bạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý và giờ giấc sinh hoạt khoa học. Uống nhiều nước (2-3 lít/ngày), tăng cường bổ sung vitamin cho làn da bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Điều trị kịp thời các tổn thương về da

Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường về da thì cần đến khám bác sĩ da liễu sớm để điều trị kịp thời và tránh để lại di chứng.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn