Mách cha mẹ cách dạy trẻ giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh khi ở trường

25-02-2020 16:11 | Đời sống
google news

SKĐS - Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) đang diễn biến khó đoán định ở nhiều nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Việc học sinh trở lại trường học là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, các bậc phụ huynh nên trang bị cho con em mình một số kỹ năng để bảo vệ sức khỏe của bản thân trong tình hình dịch bệnh.

Trẻ bị nhiễm bệnh do đâu?

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (COVID-19)  đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, để phòng ngừa dịch bệnh, 22 triệu học sinh ở 63 tỉnh thành trên cả nước đã phải nghỉ học.

Ảnh minh hoạ

Việc cho học sinh nghỉ học phòng ngừa dịch bệnh  là cần thiết nhưng để  đảm bảo kế hoạch học tập, học sinh sẽ phải trở lại trường, đây  là điều đang được các cơ quan chức năng tính đến.  Trường  học là nơi tập trung hàng nghìn học sinh từ khắp mọi nơi đến để học tập, vui chơi. Với những trẻ còn nhỏ chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh, nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trong khi đó,  khi học sinh tiểu học, trung học cơ sở tới trường,  các bậc phụ huynh còn  phải đưa đón con em,  điều này đã dẫn đến  số người tập trung tại một địa điểm sẽ tăng cao. Đây chính là nguy cơ lây  lan dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, ở các trường học, bất cứ  bề mặt nào như các vật dụng, đồ chơi, đồ dùng cho trẻ, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ghế ngồi, xe ô tô đưa đón, …. đều có thể trở thành các vật trung gian truyền bệnh. Ở các thành phố lớn, mỗi lớp học có từ  50-60 học sinh, mật độ cao, việc tiếp xúc va chạm lớn, do  học sinh thường mải chơi, hiếu động, nên  nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp, giọt bắn càng tăng.

Chăm sóc trẻ thế nào để phòng bệnh truyền nhiễm?

Hiện nay đang là  thời điểm giao mùa từ xuân sang hạ, bên cạnh dịch bệnh COVID-19 mà nhiều cha mẹ lo lắng, còn có  các loại bệnh truyền nhiễm thường trực đe dọa sức khỏe của trẻ như viêm họng, cúm, tay chân miệng, tiêu chảy… Muốn trẻ không bị mắc các loại  bệnh truyền nhiễm, các bậc làm cha làm mẹ cần chủ động giữ gìn vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho trẻ với những cách thức sau:

-  Giữ ấm cơ thể trẻ  khi ở nhà cũng như đi ngoài đường.

-  Cho trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên.

-  Cho bé ăn chín, uống sôi,  ăn đa dạng các loại thực phẩm, đủ dinh dưỡng, tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ.


Ảnh minh hoạ

Trang bị cho trẻ kỹ năng gì trong mùa dịch?

Trong  thời gian dài nghỉ học, các bậc phụ huynh có thể trang bị cho con em mình một số kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trẻ phòng ngừa dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19. Người lớn cần dạy cho trẻ biết rằng đây là các kỹ năng không chỉ bảo vệ sức khỏe của trẻ  mà còn để bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh.  Tùy theo lứa tuổi của trẻ, hãy dạy cho trẻ những điều dưới đây:

Ảnh minh hoạ

- Vệ sinh cơ thể hàng ngày, không dùng tay dụi mắt, ngoáy mũi, cho tay vào miệng. Hàng ngày vệ sinh họng miệng (súc họng, xịt họng) bằng nước sát khuẩn. Vệ sinh mũi  bằng nước xịt mũi kháng virus.

- Dạy trẻ cách rửa tay đúng và thường xuyên. Nên rửa tay bằng xà phòng cả khi  ở nhà lẫn ở trường, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi.  Rửa  tay xong phải lau tay bằng giấy hoặc khăn lau riêng, tuyệt đối không dùng chung khăn mặt, khăn lau tay.

- Không khạc nhổ bừa bãi, che  mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải, giấy hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định.

- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay, gối, chăn... kể cả ở nhà cũng như ở trường

-Nếu sử dụng khẩu trang, khi dùng  xong, cần hướng dẫn trẻ bỏ vào thùng rác có nắp đậy, tuyệt đối không vứt ra ngoài môi trường. Dùng khẩu trang vải phải được giặt hàng ngày.

- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho, hoặc có các bệnh hô hấp…

-Nếu bản thân hoặc những người xung quanh có biểu hiện ho, sốt, khó thở…. trẻ có thể báo cho người lớn, thầy cô giáo hoặc người có trách nhiệm biết.




PV
Ý kiến của bạn