Theo các nghiên cứu, đa số người mù do glôcôm hiện nay sống ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt hoặc khó tiếp cận tới các dịch vụ đó. Có tới 47% số người bệnh glôcôm ở châu Á. Tại Việt Nam gặp chủ yếu glôcôm góc đóng, tuy nhiên trong những năm gần đây glôcôm góc mở đang có xu hướng gia tăng hơn, đặc biệt là glôcôm do dùng thuốc corticosteroid kéo dài.
Ở mắt khỏe mạnh, luôn có có sự cân bằng áp suất giữa dịch mắt tiết ra và dịch mắt thoát đi. Tuy nhiên, khi lượng dịch mắt thoát đi không đủ so với dịch mắt tiết ra, sự mất cân bằng sẽ gây ra tăng áp suất ở mắt (tăng nhãn áp).
Đối tượng nào dễ mắc glôcôm?
Glôcôm thường liên quan đến tình trạng sức khỏe toàn thân, tình trạng căng thẳng. Bệnh thường xuất hiện ở các đối tượng sau:
- Người lớn tuổi (tầm 40 tuổi), đặc biệt là phụ nữ.
- Người mắc bệnh tiểu đường, hoặc các bệnh viêm nhiễm ở mắt.
- Những người từng bị chấn thương tại vùng đầu hoặc mắt.
- Người có tiền sử bệnh glôcôm trong gia đình.
- Người có tiền sử dùng thuốc corticoid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt,… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm.
Biểu hiện sớm của bệnh glôcôm
Bệnh glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Trong đó, glôcôm chủ yếu được chia làm 2 thể bệnh chính là glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn sớm của 2 thể bệnh này, triệu chứng biểu hiện không rõ ràng và thường bị bỏ qua.
- Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện lâm sàng cấp tính nên người bệnh thường đi khám chữa ngay để thoát khỏi cơn đau nhức mắt.
- Glôcôm góc mở là hình thái bệnh mạn tính, không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất âm ỉ, mờ nhạt. Có đến 50% người bệnh glôcôm góc mở và góc đóng mạn tính không biết mình bị bệnh glôcôm. Chỉ đến khi thị lực giảm sút trầm trọng mới phát hiện bệnh thì đã quá muộn.
- Đối với glôcôm cấp thường có biểu hiện: Người bệnh nhức đầu hay nhức mắt đột ngột; mắt đỏ, nhìn lóa, ấn vào nhãn cầu thấy cứng như hòn bi, con ngươi bên mắt đau giãn to hơn bên mắt thường; người bệnh có thể nôn. Với thể glôcôm cấp, nếu không được chữa trị sớm sẽ gây mù trong vòng vài ba ngày, vì thế nếu thấy có dấu hiệu kể trên, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
- Với thể glôcôm mạn tính, các triệu chứng rất dễ nhận thấy như: áp lực trong mắt tăng từ từ, thường không nhức mắt, nhìn mờ dần, bắt đầu mờ khi nhìn sang bên cạnh và thường người bệnh không cảm thấy mình nhìn kém đi.
Khi có một hay cùng một lúc xuất hiện các triệu chứng như: mờ mắt, đau nhức mắt, đau đầu.. bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để kiểm tra, chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ cho đo thị lực, nhãn áp, khám thần kinh thị giác, soi góc tiền phòng và cho làm các chẩn đoán hình ảnh như đo thị trường, chụp hình ảnh đánh giá lớp sợi thần kinh… để xác định có những tổn thương do glôcôm hay không.
Dự phòng bệnh glôcôm
Hiện không có phương pháp nào phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên nếu được chuẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm và ngăn chặn tổn thương thần kinh thị giác.- Từ 40 tuổi trở lên và những bệnh nhân có yếu tố di truyền như có ba mẹ hay ông bà bị glôcôm thì nên khám kiểm tra nhãn áp thường quy.
- Glôcôm góc mở không thể phòng ngừa, nhưng nếu được chuẩn đoán và sớm điều trị có thể ngăn ngừa suy giảm thị lực.
- Glôcôm góc đóng, có khả năng phòng ngừa. Điều trị dự phòng bằng laser được thực hiện trong giai đoạn đầu của bệnh (khi mắt có góc đóng, nhưng vẫn chưa phát triển thành bệnh tăng nhãn áp) sẽ giúp ngăn ngừa mù lòa.
- Thường xuyên đi khám mắt 1 đến 2 lần trong một năm để phát hiện những dấu hiệu bệnh glôcôm và các bệnh về mắt khác.
- Không được lạm dụng thuốc có chứa corticoid nhất là những thuốc tra tại mắt vì có thể dẫn đến mù lòa do bị glôcôm, đục thể thủy tinh, loét giác mạc. Nếu phải điều trị corticoid toàn thân trong một số bệnh lý khác cần phải được theo dõi chặt chẽ nhãn áp để phát hiện kịp thời những biến chứng do thuốc gây ra.
- Những người bị mắc bệnh đái đường, bệnh cao huyết áp cần thiết được điều trị đúng để đường huyết, hoặc huyết áp ổn định ở mức bình thường, mặt khác phải được kiểm tra đáy mắt định kỳ nhằm phát hiện tình trạng võng mạc thiếu máu do những bệnh này gây ra để điều trị laser dự phòng glôcôm tân mạch.
- Những người được chẩn đoán bị đục thể thủy tinh cần theo dõi và mổ đúng thời điểm để tránh những biến chứng do đục thể thủy tinh giai đoạn cuối gây ra.
- Hướng dẫn cho người dân biết cách sơ cứu bỏng hóa chất, chấn thương. Điều trị đúng, tích cực những trường hợp bỏng hoặc chấn thương tránh biến chứng dính mống mắt.
Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao dễ mắc bệnh cũng cần đi khám mắt định kỳ mỗi năm một lần để được phát hiện sớm bệnh glôcôm.
Tóm lại: Bệnh glôcôm là bệnh gây giảm thị lực vĩnh viễn, do đó việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (khi thần kinh thị giác chưa bị tổn thương nhiều) sẽ giúp bệnh nhân bảo tồn được thị lực tốt hơn.