Zona thần kinh ngày càng có xu hướng gia tăng qua mỗi năm. Hơn nữa số người trẻ mắc bệnh ngày càng nhiều do suy giảm miễn dịch với nhiều nguyên nhân như chế độ ăn uống sinh hoạt không khoa học, stress, dùng thuốc ức chế miễn dịch… Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, virus Varicella-zoster có cơ hội thuận lợi để tái kích hoạt và phát triển gây bệnh. Đây là loại virus khi đi vào cơ thể có thể phát triển và gây bệnh thủy đậu. Sau đó virus này tồn tại trong cơ thể ở các hạch giao cảm sống và tái hoạt động gây ra bệnh zona thần kinh.
Zona thần kinh có nguy hiểm không?
Bệnh zona thần kinh không phải là bệnh truyền nhiễm nên tỷ lệ lây lan khá thấp, đây là bệnh lý do nhiễm khuẩn gây ra. Với những trường hợp nhẹ, bệnh có thể khỏi và không để lại biến chứng gì. Zona thần kinh là bệnh lý biểu hiện ở ngoài da nhưng lại có gốc rễ bên trong. Nếu phát hiện muộn hoặc không điều trị đúng cách bệnh zona thần kinh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Biến chứng ở ngoài da gây viêm nhiễm. Nếu tổn thương lan rộng ra các vùng da khác không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn tới biến chứng đau sau zona, những cơn đau này kéo dài cả tháng thậm chí cả đời.
- Biến chứng bên trong: zona ở mắt gây viêm giác mạc, viêm kết mạc, loét giác mạc… có thể dẫn tới mù lòa; gây đau tai hoặc loét trong tai; xuất huyết; viêm phổi; viêm gan; viêm màng não….
Khi biến chứng đau zona kéo dài có thể gây ra tình trạng rối loạn thần kinh hoặc liệt.
Dấu hiệu nhận biết zona thần kinh
Zona thần kinh là bệnh lý dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da như: viêm da kích ứng do kiến ba khoang, thủy đậu…
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh zona thần kinh:
- Ban đầu người bệnh có dấu hiệu đau mỏi theo dây thần kinh có thể kèm theo sốt nhẹ. Tình trạng này có thể diễn ra trong vòng 2-3 ngày.
- Sau khi đau mỏi sẽ có biểu hiện cảm thấy nóng rát và bắt đầu phát ban dưới dạng các mụn nước hoặc bọng nước hình tròn/ bầu dục mọc thành từng dải trên nền da đỏ trong vòng khoảng một tuần đến 10 ngày. Các mụn nước, bọng nước thường chứa nhiều dịch, xuất hiện ở một bên cơ thể so với đường giữa và hay gặp ở phần eo, cổ, một bên mặt, ngực… Đây là giai đoạn người bệnh cảm thấy khó chịu nhất.
- Tiếp đến mụn nước sẽ dần khô lại, đóng vẩy và bong ra.
Thời gian tính từ lúc ủ bệnh đến khi khỏi hẳn có thể rơi vào khoảng 20- 24 ngày. Ngay khi có dấu hiệu người bệnh cần nên đến cơ sở y tế bởi khi được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể nhanh hồi phục cũng như hạn chế các biến chứng.
Những lưu ý khi mắc zona thần kinh
- Người bệnh có thể tắm tuy nhiên cần lựa chọn nơi kín gió, tắm bằng nước ấm và hạn chế chà sát mạnh lên vùng có tổn thương. Trong trường hợp mụn nước bị vỡ ra cần bôi thuốc sát trùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được sử dụng các phương pháp dân gian như tắm lá, nhai đỗ xanh đắp lên vết thương…
- Các tổn thương do zona thần kinh ít để lại sẹo và tỷ lệ tái phát cũng rất thấp. Trong khi mắc bệnh, người bệnh cần hạn chế việc gãi lên vùng da ngứa hoặc làm vỡ các mụn nước. Trong trường hợp ngứa nhiều thì cần báo với bác sĩ để sử dụng thuốc kháng histamin.
- Người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, mặc quần áo rộng. Trong chế độ ăn uống hàng ngày nên tăng cường thực phẩm chứa vitamin C, B12 và hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng và những đồ ăn có nguy cơ hình thành sẹo như đồ nếp, rau muống, thịt bò…
- Bị zona thần kinh bôi thuốc gì? Một số loại thuốc được dùng trong điều trị zona thần kinh là: thuốc mỡ kháng sinh, xanh methylene và dung dịch Eosine để sát khuẩn…
Xem thêm video được quan tâm:
Lưu ý khi điều trị zona thần kinh tránh biến chứng nguy hiểm | SKĐS