Mắc tiểu đường nhiều năm, vẫn khỏe

16-04-2019 08:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở tuổi 81, bị bệnh tiểu đường nhưng GS.TS. Gunter Giesenfeld - Chủ tịch Hội hữu nghị Đức-Việt vẫn sống vui vẻ, làm nhiều việc, đi khắp nơi trên thế giới và mùa xuân năm 2019 còn bay chuyến bay dài từ Đức tới Việt Nam (lần đến Việt Nam thứ 21 của ông) để dự hội nghị văn học quốc tế và tiếp tục dự án mới - dịch tác phẩm văn học Việt Nam.

Với một số nhà văn, chí sĩ có tiếng của Việt Nam thì GS.TS. Gunter  Giesenfeld từ lâu đã là người bạn lớn thân thiết. Ông đã dành hơn nửa cuộc đời mình để tìm hiểu, nghiên cứu sâu và quảng bá văn học Việt Nam ở Đức cũng như thế giới. Ông cũng từng nhận 3 huy chương do Chính phủ Việt Nam trao tặng vì đóng góp vào sự nghiệp thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Đức và Việt Nam.

Ăn ít hơn, nhẹ nhõm hơn

Ánh mắt thông minh, đôi khi có phần tinh quái, tóc bạc như cước, dáng rất cao, gầy, chậm rãi đúng tuổi của mình nhưng trí óc và tư duy thì nhanh và sắc sảo như một người còn trẻ. Đó là ấn tượng ban đầu của tôi về GS.TS. Gunter  Giesenfeld - Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức-Việt.

GS.TS. Gunter Giesenfeld tại Hội thảo văn học “Văn học Việt Nam - Sức sống của một dân tộc yêu hòa bình”.

GS.TS. Gunter Giesenfeld tại Hội thảo văn học “Văn học Việt Nam - Sức sống của một dân tộc yêu hòa bình”.

Khi ngồi ăn cùng ông, tôi thấy ông chỉ ăn vừa phải. Bàn tiệc có tới gần hai chục món khác nhau nhưng mỗi món ông chỉ đụng đũa một lần, dù ông khen ngon. Tôi hỏi nếu ngon thì sao ông không thử thêm một gắp nữa, ông bảo mình bị bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Tuy nhiên, căn bệnh không cản trở ông trong công việc và cuộc sống, chỉ có một thay đổi nho nhỏ, đó là ông ăn ít hơn so với trước kia.

“Tôi đã ăn rất nhiều trong phần lớn cuộc đời mình và cảm thấy đã đủ, bây giờ, với căn bệnh này, việc ăn ít đi hóa ra lại hay, bởi tôi thấy người mình nhẹ nhõm hơn, đi lại nhanh nhẹn, dạ dày cũng thoải mái vì không phải làm việc quá nhiều”, Gunter Giesenfeld mỉm cười nói.

Trong thời gian ông tham gia “Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV” và “Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III” diễn ra tháng 2/2019 tại Hà Nội, tôi thoạt đầu có cảm nhận ông khá khó tính nhưng cũng thật hài hước. Ông vẫn tuân thủ mọi chương trình đặt ra theo lịch hoặc mới được thông báo của Ban Tổ chức, nhưng bên cạnh đó, sẵn sàng nhận xét, phê phán khi nhìn ra bất cứ lỗi nhỏ nào. Cũng phải thôi, với một người Đức, mà sự chặt chẽ, chính xác và nghiêm túc trong mọi quy trình đã trở thành tính cách dân tộc và lại sống qua 8 thập kỷ rồi thì bất cứ một cái liếc mắt nào ở đây cũng có thể đọc đầy ra những lỗi xã hội. Nhưng lỗi không có nghĩa là bực bội, người đàn ông Đức này phẩy tay cho rằng, có lỗi thì lại có thêm việc để làm, có chuyện để nói, có ý tưởng để viết.

Cả tôi và ông đều nhìn thấy khía cạnh thú vị về sự khác biệt cũng như lỗi tất yếu khi một người Đức, với “thiết kế” phom người và tính cách phù hợp xã hội Đức, sẽ gặp phải khi tới Việt Nam. Lên xe bus thiết kế cho người Việt Nam, ông gặp “lỗi” vì cao tới gần 1m90, ngồi thì gò bó và khi đứng lên thì bị va đầu vào giá để đồ. Sợ ông lại “phê bình”, tôi bèn đổ tại ông cao quá, ông đùa lại với tôi, không phải ông cao, mà thực ra là ông bị dài quá! Khi ông phàn nàn việc mình bị bất ngờ “bỏ bom” vụ tham luận trong một hội thảo vì vẫn đáp ứng kịp vì có chuẩn bị trước, tôi tìm cách chữa, rằng chúng tôi đã để mọi việc diễn ra “tự nhiên”, đối với việc ông từng cho rằng văn học của chúng tôi có sự “sắp đặt” sau đổi mới, ông chỉ cười và giơ tay lên trời. Ông cũng kể cho tôi một kế hoạch mang thói quen “kế hoạch nghiêm ngặt tới từng giây” của người Đức. Đó là sau khi “Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV” và “Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III” kết thúc, ông còn lưu lại Việt Nam thêm 1 tuần và trong quãng thời gian 1 tuần đó, ông đã cùng Chi hội hữu nghị Đức Việt tại Hà Nội sắp xếp lịch làm việc sít sao, gặp gỡ những văn sĩ, trí thức nào, tham gia sự kiện nào và thực địa những đâu... Ông cho biết, căn phòng thuê tại Khách sạn Quân đội trên phố Phạm Ngũ Lão trở thành trụ sở làm việc tạm thời của ông, nơi có máy tính để ông làm việc, kết nối với mọi văn sĩ khắp nơi, với vợ ông ở Đức và có điện thoại bàn để ông gọi cho bạn hữu Việt Nam. Ông cho biết mình không dùng mạng xã hội. Theo cái nhìn riêng của ông thì các mạng xã hội chỉ sử dụng thông tin của người dùng vào mục đích thương mại của họ và sớm hay muộn thì người dùng đều bị lợi dụng mà thôi.

Chỉ một thời gian ngắn tiếp xúc với ông nhưng tôi cũng gom được cho mình bài học quý về kế hoạch và kỷ luật cũng như làm việc nhóm. Trước nay, tôi nghĩ việc sáng tác là ngẫu hứng, nương theo cảm xúc, cộng với tài năng. Chính vì lẽ ấy mà tác phẩm sinh ra được đến đâu hay đến đó. GS.TS. Gunter Giesenfeld cũng là một nhà văn, một dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà làm phim với khối lượng công việc khổng lồ, lại toàn thuộc thể loại sáng tạo thì cho rằng mình không thể làm nổi nhiều việc đa dạng như thế nếu không tuân theo kỷ luật, kế hoạch nghiêm túc nhất với thời gian sít sao nhất. Tôi sẽ nhớ mãi cái nhìn quan tâm, châm biếm mà đầy nhân văn của ông với đất nước và con người xứ sở mình.

Một cách tuyệt vời thể hiện tình cảm với Việt Nam

Lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1976, kể từ đó tới nay, GS.TS. Gunter Giesenfeld đã tới Việt Nam hơn 20 lần. Trung bình cứ 2 năm ông tới Việt Nam 1 lần. Khi thì thực địa nghiên cứu, khi làm phim về tướng Giáp, làm phim về Việt Nam sau chiến tranh, lúc gặp gỡ các nhà văn, chính trị gia hoặc tham gia các sự kiện văn học quan trọng của Việt Nam, các sự kiện hữu nghị ĐứcViệt... và lần nào ông cũng có thu hoạch ý nghĩa.

Ông từng dịch sang tiếng Đức các tác phẩm văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư... Những cuộc gặp gỡ lịch sử với các giới văn sĩ, trí thức Việt Nam của ông như mối tương tác đem lại cái nhìn xuyên suốt lịch sử Việt Nam cũng như kho tư liệu quý để đem đến mối nhân duyên lạ khi ông cùng ông Nguyễn Khắc Viện phối hợp thực hiện công trình lớn, cuốn sách về lịch sử văn học Việt Nam có tựa đề “Việt Nam - lịch sử dài”. Bên cạnh đó, năm 2000, ông với cương vị Chủ tịch Hội hữu nghị Đức - Việt đã mời đoàn các nhà văn nổi tiếng của Việt Nam sang Đức thuyết trình về các tác phẩm của mình. Đoàn đã có 20 cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với bạn đọc tại 15 tỉnh, thành phố tại Đức. Ông cũng trực tiếp kết nối thường xuyên với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam để chọn dịch và đăng tác phẩm của họ lên tạp chí Vietnam Kurier xuất bản tại Đức. Nhờ đó, bạn đọc Đức được đọc tác phẩm, biết đến nền văn học Việt Nam đương đại, các nhà văn Việt Nam và hơn hết là văn hóa, lối sống Việt Nam. Có thể nhận thấy rằng, trong hơn 40 năm qua, kể từ lần đầu tiên GS.TS. Gunter  Giesenfeld đến Việt Nam và thương mến con người, đất nước này, ông đã có một cách tuyệt vời để thể hiện tình cảm của mình: đó là thúc đẩy việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam với bạn đọc Đức nói riêng và bạn đọc biết tiếng Đức nói chung trên toàn thế giới.

Nếu cứ nói về dịch văn học Việt Nam thì GS.TS. Gunter Giesenfeld có thể kể mãi không hết dự định cũng như những câu chuyện nảy sinh trong quá trình làm công việc đầy ý nghĩa này để giới thiệu văn học Việt Nam với bạn đọc Đức. Trong công việc, ông là người không tuổi. Và có lẽ sức khỏe cũng từ công việc mà ra. Chẳng thế mà 81 tuổi, vừa trải qua chặng bay tới hơn 12 tiếng không ngủ, vừa xuống sân bay Việt Nam, ông đã lập tức tới thẳng hội nghị, tham dự các sự kiện tới tận đêm khuya mà không một lời than mệt.

GS.TS. Gunter Giesenfeld là một nhà văn, dịch giả nổi tiếng của Đức. Ông đã sang Việt Nam lần đầu vào năm 1976 và dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Đức, xuất bản ở Đức, trong đó có tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư...


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn