Mặc Tết chơi xuân

29-01-2017 09:30 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Tôi nhớ cái Tết năm tôi lên tám, khi ấy tôi sống ở làng Canh, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Sáng mồng Một, tôi vừa thức giấc thấy trời đã sáng bạch.

Tôi nhớ cái Tết năm tôi lên tám, khi ấy tôi sống ở làng Canh, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Sáng mồng Một, tôi vừa thức giấc thấy trời đã sáng bạch. Tiếng đầu tiên tôi nghe thấy là tiếng guốc reo vang trên đường xóm lát gạch nghiêng trước nhà. Tôi cứ nằm nguyên trong giường mà ngạc nhiên thích thú. Tết có khác. Ngày thường giờ này cả làng đã dậy từ lâu. Tôi cũng đã ngồi học bài trên ngưỡng cửa. Mà trên đường làm gì có tiếng guốc. Làng tôi có mấy ai đi guốc. Sáng nay cả làng yên tĩnh, lại là guốc trẻ con đi nên nhà tôi cách đường cả một thửa vườn mà tiếng guốc vẫn vang giòn đến thế. Sau này đọc hồi ký bà Hằng Phương, bà kể hồi bé được mẹ mua cho đôi guốc sơn hoa diện Tết, mẹ dặn đến Tết mới được đi, đi trước thì Tết không có guốc mới đâu. Cô bé chỉ ôm guốc chơi, lúc nào thèm guốc quá thì leo lên giường xỏ chân bước thử. Bước dưới đất sợ lấm guốc. Ngày trước, Tết là đích đến của bao nhiêu thứ. Bộ cánh này mặc Tết vừa đẹp. Thế là cháu bà có cái áo mặc Tết. Tôi thường nghe người lớn trong nhà nói vậy. Quần áo ngày Tết đối với lũ trẻ con nhà quê chúng tôi thường xắn tay, xắn gấu. Tôi nhớ một năm nào sau ngày giải phóng Thủ đô, mẹ tôi mua cho em gái tôi một cái áo vét kiểu cán bộ. Em mặc rộng và dài. Mẹ tôi phải khâu chét thân áo lại, xắn gấu áo, xắn cánh tay khâu lược. Cái áo vẫn không hợp với em tôi. Năm đó nó mới lên tuổi 13, mà cái áo cán bộ may sẵn, cỡ nhỏ nhất thì em tôi mặc nó cũng như áo thụng. Mẹ tôi thì cứ khen vừa, khen đẹp. Em tôi thì nhởn nhơ, chả biết gì. Tôi nói nhỏ với mẹ: Sao mẹ mua áo cho em vừa dài lại vừa rộng. Mẹ nói: Phòng sang năm em lớn, áo này còn mặc được. Tết sang năm không biết có áo mới cho các con được không.

Hồi học tiểu học ở trường Hàng Vôi tôi được học thuộc lòng bài thơ:

Thủa bé tôi đeo chiếc khánh vàng

Quần đào xẻ đũng áo hàng lam

Từ thằng lỏi tung tăng ba màu vàng, đào, lam này tôi hình dung trẻ con hàng phố thật sướng. Ở quê, tôi chưa thấy đứa nào rực rỡ như vậy. Thơ Hồ Xuân Hương cách đây hai thế kỷ, khi tả cảnh chơi đu có nhắc tới màu quần hồng Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới. Nhưng đây là cặp đu biểu diễn, như văn công bây giờ, chứ thuở xưa trước cách mạng và ngay cả trong thời kháng chiến chống Pháp, các cô gái quê ngày Tết chỉ nền nã trong màu thâm (đen) của váy của quần, còn áo thường màu nâu non cho áo cánh, áo dài tứ thân thắt vạt thì màu nâu già, tươi tắn nhất có lẽ chỉ cái thắt lưng xanh: Khỏi lũy tre làng tôi đã thấy/bắt đầu là chiếc thắt lưng xanh (Nguyễn Bính). Xem tranh lụa Nguyễn Phan Chánh thấy ngay chứng tích cái hồn quê y phục của một thời đã không còn nữa.

Y phục tân thời ở thành phố thì đổi thay nhiều mốt lắm. Nhà văn tài năng Vũ Trọng Phụng, 27 tuổi đời đã làm xong sự nghiệp, đã dành hẳn một chương trong tiểu thuyết Số đỏ để giễu áo quần thời Âu hóa. Những thứ dị hợm ấy chỉ một số đua đòi. Thời nào chả thế, chẳng nói làm gì. Có điều cũng phải thấy bà con ta, vốn quen đất lề quê thói, cứ lấy chuẩn làng mình mà bình người thiên hạ, nhiều khi cũng khe khắt: Tân thời chẳng đáng là bao/Năm xu đôi guốc một hào đôi hoa. Một đôi hoa tai mà giá trị chỉ bằng hai đôi guốc thì là đồ rởm, vàng Mỹ ký rồi. Lại nữa: Đổi đời khăn áo lòng thòng/Đổi răng trắng lại đổi lòng đen đi. Muốn công kích bộ răng trắng, nhưng không tìm ra tội gì của nó thì nhân màu trắng mà lấy màu đen buộc tội cho lòng người. Công kích cũng cao siêu nhưng bây giờ thì răng trắng toàn thắng. Giúp vào sự hoàn thiện y phục phụ nữ thị thành là vai trò cái áo dài. Xuất phát từ cái áo tứ thân truyền thống, ở tuổi tôi thời thanh niên còn thấy các cô hàng hoa, các cô bán cốm mặc loại áo này. Họa sĩ Cát Tường cải tiến tứ thân thành áo dài hiện đại, vạt trước vạt sau. Nhiều cải tiến lặt vặt khác chạy quanh cái áo dài này. Chiều dài khi cao khi thấp di động từ dưới gối cho đến mắt cá chân, vạt rộng vạt hẹp, cổ cao cổ thấp rồi không cổ, cổ mở đến ngực. Cái áo dài biến hóa theo thời, theo công việc làm ăn, theo phương tiện đi lại. Trước cách mạng, phụ nữ Hà Nội chạy sang hàng xóm vay bơ gạo cũng xỏ cái áo dài, mang theo cái quả đựng trầu cau sơn son, gạo vay cho vào quả bưng về trang trọng, không ai biết mình đi vay gạo. Ngày Tết áo dài luôn mặc trên người cả khi tiếp khách trong nhà. Cái áo dài nhiều biến hóa nó tung hoành suốt thế kỷ XX ngoằng sang cho đến nay. Những năm chiến tranh, áo dài nữ và complet nam hầu như biến khỏi phố xá.

Chưng diện ngày Tết đi liền với các thú chơi. Những thú chơi truyền thống đến nay cái còn cái mất. Trồng nêu, treo khánh ít vùng còn chơi. Nhưng mua mấy cái khánh đất nung già treo trước hiên, gặp gió lanh canh tiếng đục tiếng trong rất gợi kỷ niệm. Vẽ hình trên sân trên tường xua tà ma không mấy ai còn làm. Riêng cây đu làm bằng tre tươi thì nhiều vùng quê Bắc Bộ còn dựng và được thanh niên hào hứng  tham gia. Trò này đẹp lại là môn thể thao, nên giữ. Mươi năm gần đây nhiều thành phố phục hồi thú chơi chữ, chữ Nho (Nôm và Hán), lác đác có người viết quốc ngữ, phóng túng, tung hoành, rất sáng tạo. Ở Hà Nội, thành phố cho mở chợ chữ bên Hồ Văn trước Văn Miếu. Các “ông đồ” tân thời cũng áo the khăn xếp níu lại một thời xưa. Nhưng người thuê viết đã thấy giảm dần. Không mấy khi có câu đối hay. Người ta chỉ còn mua chữ lẻ. Năm ngoái chữ nhẫn được nhiều khách chọn. Tại sao lại khuyên nhau chữ nhẫn, nhiều ông luận thời thế tán rất vui. Cấm pháo, đỡ hẳn tai nạn cháy nổ, ô nhiễm môi trường, cụt tay, hỏng mắt, có khi chết người, chết nhiều người. Trò đốt pháo nảy sinh từ cái thời thôn xóm ta còn thưa vắng. Đêm giao thừa trời đen như mực và cả làng im ắng. Tiếng pháo, nhất là lúc giao thừa, như đánh thức cả làng xóm bừng dậy đón xuân. Mà thời xưa người ta chỉ dùng pháo nhỏ đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột (Tú Xương). Thời nay thì cái gì cũng thích khủng. Pháo mà khủng thì tai vạ nhiều. Bây giờ giao thừa thì ồn ào bao nhiêu thứ tiếng. Vùng nào cũng điện sáng tưng bừng, tiếng tivi, tiếng phát thanh, lại còn loa xã, loa phường, cần chi tiếng pháo. Có chăng người ta nhớ như nhớ một thói quen. Có nhiều trò chơi cổ truyền đã bị lối sống hôm nay vượt qua, chả nên phục hồi mà phục hồi cũng chả được. Như cái phiên chợ tình ở miền núi, nó không còn là nhu cầu của cuộc sống như ở cái thời phải đi bộ suốt ngày mới đến chợ. Người ta phải ngủ đêm để hôm sau họp chợ. Đêm ấy mới thành chợ tình. Nay xe máy phóng vù, xa lắm chỉ một vài giờ, cần gì phải ngủ đêm, hơn nữa có mobile, hò hẹn với nhau lúc nào chả được. Ngày xưa cứ phải đến phiên ả mới gặp anh, những câu giao duyên vì thế mà đắm đuối. Bây giờ khách du lịch Sa Pa muốn xem chợ tình thì người ta diễn. Diễn lười lắm, dăm bảy đôi ưỡn ẹo gọi là, hát nhép theo bài phát từ loa điện. Chơi Tết bây giờ nhiều trò mới. Người ta, nhất là ở thành phố bỏ hẳn việc đi chúc Tết dông dài nhà nọ sang nhà kia, chỉ còn những họp mặt gia đình ông bà con cháu. Người thành phố dành ngày nghỉ Tết đi du lịch, kinh tế khá thì đi nước ngoài, còn đi trong nước cũng nhiều tour hấp dẫn.

Nước ta đang ở thời “giáp hạt” của phong cách sống. Mặc Tết, chơi xuân nếp cũ nếp mới chen nhau. Khôn ngoan thì chọn thứ hợp với mình, không ù cạc theo số đông, nhưng cũng chả nên cực đoan trái khoáy, mua nhọc mệt, tốn phí sức khỏe, tiền nong.

22/12/2016


Nhà thơ Vũ Quần Phương
Ý kiến của bạn