Hà Nội

Mắc sán não từ món ăn khoái khẩu

08-08-2012 21:44 | Tin nóng y tế
google news

Đang khỏe mạnh yên lành, một ngày nào đó bạn biết mình có giun sán trong não, phổi, tim, gan, khớp... thì thật là khủng khiếp. Nhưng tiếc thay đó lại là sự thật mà nhiều người mắc phải.

(SKDS) - Đang khỏe mạnh yên lành, một ngày nào đó bạn biết mình có giun sán trong não, phổi, tim, gan, khớp... thì thật là khủng khiếp. Nhưng tiếc thay đó lại là sự thật mà nhiều người mắc phải. Mới đây, một trường hợp phát hiện u não trên phim chụp cắt lớp, sau khi hội chẩn kết luận bệnh nhân bị sán não và được điều trị nội khoa thành công. Con đường đưa giun sán vào các bộ phận quan trọng của cơ thể chúng ta là các món ăn khoái khẩu mà bạn đã thưởng thức trước đó nhiều năm như gỏi cá, thịt bò tái, cua nướng, rau sống... Biết ăn vào sẽ nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn làm ngơ...

Thịt lợn, trâu, bò đều có giun sán

Nhiều người rất ưa chuộng món thịt trâu bò nhúng giấm, phở tái... với ý nghĩ ăn vừa ngọt vừa bổ. Ngọt và bổ thì có lẽ đúng nhưng cần phải thêm điều kiện là phải đảm bảo có giun sán ở trong miếng thịt bò đó. Nhưng trâu bò ăn cỏ, ăn rơm và có giun sán trong thịt của chúng. Ngày xưa, do cha ông ta chưa biết là có giun sán trong thịt trâu bò nên mới ăn nhúng, tái. Ngày nay, dưới ánh sáng khoa học, chúng ta biết chắc chắn rằng có nhiều loại giun sán lẫn trong thịt trâu bò mà chúng ta vẫn ăn nhúng tái thì thật sự nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu cho thấy: giun sán từ thịt trâu bò tái có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt...
 
 Nguy cơ mắc các bệnh sán trong tim, gan, não... từ những món ăn khoái khẩu; hình ảnh nang sán lợn trong não bệnh nhân (ảnh nhỏ). Ảnh: Trần Minh
Đặc biệt, sán lá gan lớn, ký sinh chủ yếu ở động vặt ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu... đều có thể gây bệnh ở người nếu người ăn thịt nấu chưa chín kỹ. Hầu hết trâu, bò đều nhiễm sán lá gan lớn với tỷ lệ đến 98%. Bệnh sán lá gan lớn có diễn biến cấp tính, gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng do vỡ gan. Ấu trùng sán lá gan lớn có thể ra ngoài gan, sán non có thể cư trú ở não, đại tràng, dưới da, khớp... gây ra các triệu chứng phức tạp rất khó chẩn đoán.

Người cũng dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải thịt lợn, gan lợn không được nấu chín hoặc tiết canh. Khi nhiễm sán dây lợn sẽ mắc bệnh người gạo: ấu trùng  ở da và cơ gây ra bệnh người gạo với biểu hiện là các nang nhỏ bằng hạt đỗ, hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da. Nếu ấu trùng sán lợn vào não gây triệu chứng như một u não, tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, có thể bị liệt, thậm chí bị đột tử. Nang ấu trùng vào mắt nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thủy tinh thể... gây giảm thị lực hoặc bị mù; nang ấu trùng ở cơ tim có thể  làm tim đập nhanh, bệnh nhân dễ bị ngất.

 Chu trình gây bệnh của sán lá gan.

Theo Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng TW, chỉ tính riêng bệnh sán dây lợn, trung bình mỗi năm Viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân, trong đó 84% có tổn thương não với các triệu chứng động kinh, liệt, mù mắt, tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao. Nguyên nhân chính nhiễm giun sán là thói quen ăn uống chưa hợp vệ sinh, ăn gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, rau thủy sinh không nấu chín...

Cá gỏi, cá lẩu có nhiều giun sán

Một vài nghiên cứu cho thấy: bệnh sán lá gan nhỏ được phát hiện ở 24 tỉnh, thành trong nước, tập trung chủ yếu ở vùng dân có thói quen ăn gỏi cá nhiều. Nếu người dân có thói quen ăn cá không nấu kỹ như món lẩu tái, đặc biệt là gỏi cá rất dễ bị lây các bệnh giun sán từ cá như bệnh sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Khi lấy miếng cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm vẫn thấy 95% ấu trùng còn sống.
 
Các loại rau lá thường ăn kèm với món gỏi cá như: lá sung, dấp cá, rau húng, rau răm, hành, rau ngổ, đinh lăng… được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống. Phó giáo sư Nguyễn Văn Đề - Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự đã nghiên cứu trên 250 mẫu cá gồm cá chép, mè, trôi, trắm và rôphi cho biết: tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá trong cá ở Nam Định là 10%, Hòa Bình 3,2% và Hà Nội 2%.

Ăn cua nướng, sán vẫn sống để gây bệnh

Bệnh sán lá phổi có tỷ lệ mắc nhiều ở Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang... liên quan đến những người thích ăn cua nướng. Nghiên cứu của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương cho thấy: 100% cua có mang ấu trùng sán lá phổi. Trong khi nhiều người vẫn nghĩ rằng cua nướng là sán đã chết nên cứ yên tâm ăn mà không biết rằng sán vẫn còn sống và gây bệnh. Nghiên cứu cho thấy: cua đã nướng vàng vỏ nhưng xét nghiệm thấy 65% ấu trùng sán lá phổi vẫn còn sống; cua nướng cháy vỏ, tỷ lệ ấu trùng sán còn sống là 23%.

 Mắc bệnh người gạo do nhiễm sán lợn.

Rau sống liệu có ngon, giòn, mát như bạn nghĩ?

Rau sống người dân thường ăn có thể là loại rau trên cạn như xà lách, rau diếp, rau thơm các loại hoặc rau trồng dưới nước như rau muống, rau ngổ (ngò trâu), rau cần... Nhưng dù rau trồng trên cạn hay rau trồng dưới nước cũng đều nhiễm giun sán. Nghiên cứu cho thấy ấu trùng của sán lá gan lớn được tìm thấy trên một số loại rau thủy sinh như: ngổ, cải xoong, rau muống, rau cần. Các nhà nghiên cứu đã lấy gần 1.000 mẫu rau các loại ở Hà Nội, Nam Định để xét nghiệm thấy: tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun sán như giun đũa, giun móc, giun tóc...

Cách phòng bệnh hiệu quả

Mọi người nên biết rằng: thịt, cá, rau quả tươi sống đều bị nhiễm trứng giun sán có thể gây bệnh cho người. Vì vậy, không nên ăn thịt cá nhúng tái hay chưa nấu chín kỹ và rau sống các loại để phòng bệnh. Dù trong bữa ăn gia đình hay khi đi du lịch, chúng ta cần triệt để thực hiện ăn thức ăn đã nấu chín kỹ, uống nước đã đun sôi, tuyệt đối không ăn rau sống. Thịt lợn, trâu, bò dù tươi ngon đến đâu cũng nên nấu chín thật kỹ mới ăn. Tốt nhất là không ăn thịt tái sống, kể cả ăn thịt bò tái. Những nơi người dân có thói quen ăn cua nướng, cần tuyên truyền để mọi người biết tuy cua đã nướng chín nhưng sán gây bệnh trong cua vẫn còn sống và gây bệnh. Ở những vùng hay ăn cá gỏi, cũng cần tuyên truyền cho người dân hiểu, cá gỏi hay cá nấu chưa chín đều mang mầm bệnh giun sán truyền cho người ăn. 

ThS. Bùi Quỳnh Nga


Ý kiến của bạn