Hà Nội

Mắc những bệnh gì thì không đủ điều kiện sức khoẻ lái xe, máy bay, tàu hoả, tàu biển?

14-07-2023 13:42 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn và việc khám sức khỏe để phân loại đi học, làm việc và các công việc cần yêu cầu riêng về khám sức khỏe như: lái xe, lái máy bay, lái tàu hỏa và tàu biển... Hiện dự thảo đang lấy ý kiến nhân dân tại Cổng thông tin Chính phủ.

Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn và việc khám sức khỏe quy định tiêu chuẩn sức khỏe đối với khám sức khỏe để phân loại sức khỏe khi đi học, đi làm việc; khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên; nhân viên đường sắt, người lái máy bay và nhân viên hàng không; khám sức khỏe theo yêu cầu; khám sức khỏe người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam; người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các đối tượng khác;

Đối với khám sức khỏe định kỳ của các đối tượng trên theo quy định; Đối với khám sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp, công việc đặc thù.

Đồng thời, Thông tư này được áp dụng đối với các đối tượng đề nghị khám sức khỏe, các cở sở y tế thực hiện khám sức khỏe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo dự thảo mới nhất được đăng tải lấy ý kiến, Bộ Y tế có đưa ra các tiêu chuẩn sức khỏe lái xe ô tô các hạng; tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên đường sắt (gồm những người trực tiếp phục vụ chạy tàu; lái tàu, phụ lái tàu, trưởng tàu, nhân viên gác ghi…); tiêu chuẩn của thuyền viên làm việc trên tàu biển; tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên hàng không (lái máy bay; tiếp viên hàng không; người điều khiển tàu lượn, khinh khí cầu; kiểm soát viên không lưu…).

Mắc những bệnh gì thì không đủ điều kiện sức khoẻ lái xe, máy bay, tàu hoả, tàu biển? - Ảnh 1.

Có nhiều bệnh nếu mắc thì không đủ điều kiện lái máy bay. Ảnh minh hoạ

Về tiêu chuẩn sức khỏe của của nhân viên hàng không

Cụ thể trong lĩnh vực hàng không quy định 3 nhóm sau nếu mắc 1 số bệnh sẽ không đủ điều kiện làm việc gồm các nhóm: 

  • Lái tàu bay thương mại; lái tàu bay thuộc tổ lái nhiều thành viên; lái tàu bay vận tải hàng không và người dự tuyển vào học để thực hiện các công việc nêu trên; 
  • Tiếp viên hàng không; lái tàu bay tư nhân; cơ giới trên không; dẫn đường trên không; điều khiển tàu lượn; điều khiển khinh khí cầu và người dự tuyển vào học để thực hiện các công việc nêu trên; 
  • Kiểm soát viên không lưu và người dự tuyển vào học để thực hiện công việc của kiểm soát viên không lưu.

Theo đó, những bệnh nếu mắc sẽ không được làm việc trong lĩnh vực hàng không nêu trên gồm: Các hội chứng tâm thần; các rối loạn tâm thần do nhiễm độc cấp và mãn; bệnh nhân cách; không bình thường về trí tuệ và các quá trình tâm lí; nghiện rượu; phụ thuộc vào các chất kích thích.

Nhóm bệnh về thần kinh như: động kinh; chấn thương sọ não, cột sống; tổn thương thực thể hệ thần kinh gây bại liệt, teo cơ; các bệnh mạch máu não; rối loạn thần kinh chức năng; rối loạn tuần hoàn-thần kinh thực vật kiểu ngất hay trụy mạch; bệnh và tổn thương thần kinh ngoại biên.

Không có bất kì bất bình thường nào về chức năng thị giác và các tổ chức liên quan đến mắt. Không có quá trình bệnh lí cấp tính hay mạn tính, các di chứng do chấn thương hay phẫu thuật ảnh hưởng đến lao động bay và an toàn bay. Kiểm tra thị giác toàn diện phải được tiến hành 2 năm một lần đối với người lái tàu bay dưới 40 tuổi và 1 năm một lần đối với người lái tàu bay 40 tuổi trở lên.

Trong đó, dự thảo đưa quy định chung về sức khỏe với nhân viên hàng không: có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 18 và nhỏ hơn 30; chỉ số vòng ngực trung bình từ 50% trở lên so với chiều cao. 

Ngoài các tiêu chí chung cho nhân viên hàng không nêu trên, với các nhóm nghề nghiệp chuyên ngành, dự thảo đưa ra tiêu chuẩn cụ thể: người lái máy bay cần có chiều cao từ 1,65 m và cân nặng từ trên 52 kg (nam); nữ cao từ 1,58 m và cân nặng từ trên 50 kg. 

Với nhân viên hàng không làm việc trong các bộ phận công việc khác, nam giới cần cao từ 1,6 -1,62 m và cân nặng từ 52 - 53 kg; nữ giới cần có chiều cao từ 1,54 - 1,58 m và cân nặng từ 45 kg.

Theo tiêu chuẩn y tế về chỉ số khối cơ thể, khi BMI dưới 18 là người gầy, thiếu cân. Nếu chỉ số BMI lớn hơn 23 được coi là thừa cân. BMI từ trên 30 là béo phì độ 2.

Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe

Với sức khỏe lái xe, dự thảo của Bộ Y tế cũng đưa ra tiêu chí: Người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây thì không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng:

Người có một trong các tình trạng bệnh tật về tâm thần (rối loạn tâm thần cấp và mạn tính không điều khiển được hành vi), thần kinh (liệt vận động từ 2 chi), mắt (rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây); tim mạch (suy tim độ 3 trở lên) không đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng A1.

Mắc những bệnh gì thì không đủ điều kiện sức khoẻ lái xe, máy bay, tàu hoả, tàu biển? - Ảnh 2.

Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn và việc khám sức khỏe để phân loại đi học, làm việc và các công việc cần yêu cầu riêng về khám sức khỏe như: lái xe, lái máy bay, lái tàu hỏa và tàu biển... Ảnh: minh hoạ

Người không đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng B1 nếu có một trong các tình trạng bệnh, tật về tâm thần như: rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi nhưng chưa đủ 6 tháng; về thần kinh (động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng mà không dùng thuốc, chóng mặt do các bệnh lí); mắt (rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; song thị...); tai mũi họng (bị quáng gà; thính lực dưới 4 m...).

Người không đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E... nếu có một trong các vấn đề như: rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; thần kinh (động kinh, liệt vận động 1 chi trở lên); tim mạch (cơn đau thắt ngực do bệnh lí mạch vành, ghép tim, sau can thiệp tái thông mạch vành...).

Về danh mục các bệnh, tật không đủ điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam

Mắc bệnh lao chưa điều trị hoặc điều trị chưa ổn định; Bệnh viêm gan virus; Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS); nấm da các loại chưa điều trị khỏi; sốt rét các loại chưa điều trị khỏi; Ung thư các loại (Nếu bị U lành vùng môi, miệng mặt, phần mềm, da ảnh hưởng tới thẩm mỹ, không ảnh hưởng tới chức năng thì có thể xem xét trường hợp); Các loại rối loạn đông máu; Các rối loạn tâm thần khác do tổn thương và rối loạn chức năng não và do bệnh; Loạn tâm thần do nghiện rượu; Nghiện ma túy; ám ảnh, hoang tưởng...; Hội chứng Parkinson; Động kinh các thể;

Bệnh về mắt như: Viêm kết mạc dị ứng; Loét giác mạc; Sẹo và đục giác mạc; Bệnh Glôcôm; Viêm màng bồ đào...

Bệnh về tai mũi họng như: Dị dạng mũi họng gây rối loạn hô hấp và phát âm; Hội chứng tiền đình; Bệnh lý thanh quản gây rối loạn giọng hoặc khó thở...

Ngoài ra còn một số bệnh về tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp... nếu không đáp ứng yêu cầu cũng sẽ không đủ điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Bộ Y tế: 8 trường hợp mắc sốt xuất huyết xem xét chỉ định nhập việnBộ Y tế: 8 trường hợp mắc sốt xuất huyết xem xét chỉ định nhập viện

SKĐS - Theo Bộ Y tế, phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Thái Bình
Ý kiến của bạn