Bệnh nhân vào BVĐK Hà Đông trong tình trạng tỉnh, già yếu, nhiều bệnh nền. Qua khai thác tiền sử người nhà cho biết, bệnh nhân đẻ thường bốn lần, kèm nhiều bệnh nền như: tăng huyết áp, suy tim, rung nhĩ điều trị không thường xuyên.
Khoảng hai năm nay bệnh nhân xuất hiện khối sa vùng hậu môn, vì ngại đi khám mà để tình trạng ngày càng nặng đứng, ngồi hay nằm điều rất khó chịu. Đồng thời bệnh nhân bí đại tiểu tiện kéo dài, không đi lại được, người nhà phải hỗ trợ vệ sinh cá nhân nhưng cũng cực kỳ khó khăn.
Qua thăm khám, BSCKII Bùi Đức Duy – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, BVĐK Hà Đông nhận định đây là ca rất nặng về bệnh lý sa trực tràng. Trực tràng sa dài khoảng 15cm và bị sa đồng thời cả tử cung và bàng quang kèm nhiều bệnh lý, bệnh nhân lại lớn tuổi cần được phẫu thuật nội soi sớm. Tuy nhiên tiên lượng rất khó khăn, nhiều nguy cơ trong và sau phẫu thuật có thể xảy ra.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa (khoa Ngoại tiêu hóa, Khoa Gây mê hồi sức, khoa Tim mạch) để tiến hành chuẩn bị trước phẫu thuật nhằm đảm bảo cuộc phẫu thuật được tốt nhất cho bệnh nhân.
Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, kết hợp các phương pháp khâu treo trực tràng, tử cung, bàng quang vào ụ nhô đường bụng có sử dụng lưới nhân tạo.
Sau phẫu thuật bệnh nhân được theo dõi sát sao, điều trị hậu phẫu tiến triển tốt. Bệnh nhân được xuất viện 5 ngày sau phẫu thuật, trong sự phấn khởi của gia đình vì không còn khối sa, đại tiểu tiện tự chủ phục hồi dần, đi, đứng, nằm, ngồi thoải mái, vệ sinh cá nhân dễ dàng.
BSCKI Nguyễn Mạnh Tuấn, người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật cho hay: "Dù tính chất bệnh lý là lành tính nhưng đây là ca bệnh nặng, khối bị sa lớn kéo dài nhiều ngày, bệnh nhân cao tuổi kèm nhiều bệnh nền, khối sa bị xước do vệ sinh cá nhân không đúng cách… khả năng sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng hoặc nặng hơn nữa là hoại tử".
BS. Tuấn chia sẻ, bệnh lý sa trực tràng là bệnh lý rất thường gặp ở phụ nữ cao tuổi, bệnh ở vùng kín nên gây tâm lý ngại đi khám bệnh, bệnh nhân đến viện thường trong tình trạng muộn và đã có nhiều trường hợp biến chứng nặng nề như loét khối sa trực tràng, phải phẫu thuật cắt đoạn trực tràng.
Để phòng ngừa cần có chế độ ăn uống sinh hoạt tránh táo bón, đi vệ sinh đúng tư thế, không ngồi quá lâu, không rặn quá mạnh. Khi có biểu hiện sa khối hậu môn cần đến khám ngay ở các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.