Mắc hội chứng quai mù nên tập luyện thế nào?

14-02-2025 15:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Vậy đối với người mắc hội chứng quai mù nên tập thế nào để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh...

1. Lợi ích của tập thể dục đối với người mắc hội chứng quai mù

Hội chứng quai mù xảy ra khi một phần của ruột non bị bắc cầu khiến thức ăn không di chuyển hoặc di chuyển chậm qua phần ruột này trong quá trình tiêu hóa.

Những thực phẩm di chuyển chậm và các sản phẩm chất thải trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn. Kết quả là vi khuẩn phát triển quá mức, dẫn đến các triệu chứng như ăn không ngon, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy...

Người mắc hội chứng quai mù cần lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp, tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa như đầy bụng, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy. Việc tập luyện đúng cách ở người mắc hội chứng quai mù có thể mang lại những lợi ích như:

- Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Hoạt động thể chất giúp kích thích nhu động ruột, giảm nguy cơ đầy hơi, chướng bụng và cải thiện quá trình tiêu hóa.

- Tăng cường hệ miễn dịch: Giúp cơ thể chống lại vi khuẩn phát triển quá mức trong ruột.

- Duy trì khối lượng cơ và cân nặng: Những người bị hội chứng quai mù có nguy cơ sụt cân và mất cơ do kém hấp thu dinh dưỡng, nên tập luyện nhẹ nhàng có thể giúp duy trì thể trạng.

- Cải thiện tâm lý: Tập thể dục giúp giảm căng thẳng, lo âu - yếu tố có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa.

Mắc hội chứng quai mù nên tập luyện thế nào?- Ảnh 1.

Người mắc hội chứng quai mù nên lựa chọn các hình thức tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền...

2. Một số bài tập phù hợp với người mắc hội chứng quai mù

Người mắc hội chứng quai mù có thể tập:

- Đi bộ: Đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột và giảm triệu chứng chướng bụng. Khi đi bộ, người bệnh nên lựa chọn những cung đường vắng xe cộ qua lại và có không khí trong lành.

- Tập yoga: Các tư thế yoga cơ bản như tư thế em bé, tư thế vặn mình, tư thế gập người, tư thế xác chết... có tác dụng giúp thư giãn, giảm căng thẳng và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Bơi lội: Bơi lội là một môn thể thao có tác động thấp, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ lưu thông máu mà không tạo áp lực lớn lên vùng bụng. Ngoài ra, bơi lội còn giúp thư giãn, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn.

- Đạp xe chậm: Vận động nhẹ nhàng như đạp xe có thể kích thích nhu động ruột, giúp giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

- Bài tập thở sâu và thiền: Thực hành hít thở sâu và thiền định sẽ giúp giảm căng thẳng, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Các bài tập mà người mắc hội chứng quai mù nên tránh bao gồm:

- Chạy bộ tốc độ cao, nhảy dây: Có thể gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa...

- Tập gym nặng (gánh tạ, ép bụng, squat quá sức): Tăng áp lực ổ bụng, có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng.

- Các bài tập HIIT (cường độ cao): Dễ gây căng thẳng cho hệ tiêu hóa, đặc biệt nếu cơ thể chưa thích nghi.

Mắc hội chứng quai mù nên tập luyện thế nào?- Ảnh 2.

Bơi lội có thể giúp giảm căng thẳng - yếu tố góp phần làm nặng thêm triệu chứng tiêu hóa ở người mắc hội chứng quai mù.

3. Lưu ý khi tập thể dục đối với người mắc hội chứng quai mù

Để đảm bảo tập luyện đúng cách, người bệnh cần lưu ý:

- Thời gian tập: Nên tập vào buổi sáng hoặc chiều, tránh tập ngay sau bữa ăn (nên cách ít nhất 1–2 giờ).

- Cường độ tập: Bắt đầu từ cường độ nhẹ, khoảng 20–30 phút/lần, 3–5 ngày/tuần; có thể tăng dần thời gian nếu cơ thể thích nghi tốt. Không nên tập khi các triệu chứng diễn ra ồ ạt, nghiêm trọng.

- Giữ nhịp độ ổn định: Tránh các bài tập có sự thay đổi nhịp độ đột ngột, nên tập với cường độ ổn định để không gây kích thích tiêu hóa quá mức.

- Uống đủ nước: Tiêu chảy do hội chứng quai mù có thể gây mất nước, vì vậy cần đảm bảo bù nước đầy đủ trước, trong và sau khi tập.

- Lắng nghe cơ thể: Nếu cảm thấy mệt mỏi, đau bụng hoặc khó chịu sau khi tập, nên điều chỉnh cường độ hoặc thời gian tập luyện.

Mời bạn đọc xem thêm:

Bài tập cho người bệnh tiêu chảy cấpBài tập cho người bệnh tiêu chảy cấp

SKĐS - Tiêu chảy cấp có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Thông thường, tình trạng tiêu chảy vẫn có thể kiểm soát và điều trị khỏi cho bệnh nhân, nhưng người bệnh vẫn có thể thử các phương pháp như tập thể dục nhẹ nhàng để tăng tốc độ hồi phục.


BSCKI Phạm Thị Việt Anh
Ý kiến của bạn