Virus cúm A lây qua đường nào?
Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh cúm A bao gồm trẻ em, người lớn tuổi trên 65 tuổi và phụ nữ mang thai. Những nhóm người này cần được chú ý đặc biệt, theo dõi kỹ triệu chứng và điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A. Bởi vì cúm A có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong trong một số trường hợp.
Virus cúm A có tính lây nhiễm cao, chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiếp xúc. Cụ thể:
- Virus cúm A lây qua đường hô hấp
Người bệnh lây nhiễm cho người lành thông qua các giọt bắn chứa virus cúm A trong quá trình giao tiếp, ho, hắt hơi, sổ mũi, khạc nhổ… Trong phạm vi khoảng 2 mét, virus cúm A có trong không khí sẽ lây lan nhanh chóng, xâm nhập vào cơ thể người lành và bắt đầu gây bệnh.
- Virus cúm A lây qua tiếp xúc
Bên cạnh đó, khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi hay khạc nhổ, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng sẽ bắn ra ngoài không khí và bám dính lên các đồ vật xung quanh. Người khỏe mạnh cầm nắm các đồ vật này và vô tình đưa tay lên chạm lên mặt, mũi, miệng hoặc dụi mắt... sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Nghiên cứu cho thấy các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại nhiều ngày trong môi trường bên ngoài, tùy thuộc vào từng loại bề mặt. Cụ thể chúng có thể tồn tại tới 24 giờ trên các bề mặt cứng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bề mặt bàn ghế, tồn tại lên đến 12 giờ nếu dính trên khăn giấy hoặc vải và vài tuần trên tờ tiền giấy. Có khoảng 23 - 59% đồ vật trong nhà và cơ sở y tế được chứng minh là có chứa RNA của virus cúm.
Diễn biến của cúm A
Thời gian ủ bệnh của cúm A dài hơn bệnh cúm mùa thông thường. Thông thường thời gian ủ bệnh của cúm A từ 2 - 8 ngày và có thể kéo dài lên đến 17 ngày. Tuy nhiên, phơi nhiễm nhiều lần với virus có thể dẫn đến việc khó xác định chính xác thời gian ủ bệnh của bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới thời kỳ ủ bệnh 7 ngày áp dụng cho việc điều tra và theo dõi những người đã từng có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A.
Biểu hiện của bệnh cúm A bao gồm: chảy nước mũi, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, và đau cơ. Bên cạnh đó, triệu chứng của bệnh cúm A còn có nhiều điểm riêng biệt sau:
- Ho và đau đầu.
- Sưng hạch ở vùng họng, viêm họng, đau vùng họng.
- Sốt cao kéo dài vượt qua ngưỡng 38,5 độ C. Nhìn chung cúm A thường sốt cao trong 2 - 3 ngày, có thể kéo dài cơn sốt trong 5 - 7 ngày.
- Cơ thể uể oải, đau nhức cơ xương khớp, cảm giác tê bì ở chân và tay.
- Buồn nôn và nôn mửa đối với bệnh nhân là trẻ em.
- Trong trường hợp nặng, người mắc cúm A có thể bị khó thở và viêm phổi.
Người mắc bệnh cúm A thường đào thải virus trong khoảng thời gian từ 1 - 2 ngày trước khi khởi phát và 3 - 5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng. Trong một số trường hợp có thể dài hơn từ 7 - 10 ngày.
Nếu được phát hiện và kịp thời điều trị, người mắc bệnh cúm A có thể khỏi bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Sau 5 ngày bệnh nhân thường hết sốt, sổ mũi và đau đầu, nhưng ho và mệt mỏi có thể còn tiếp tục kéo dài. Tất cả các triệu chứng của bệnh thường biến mất hoàn toàn sau khoảng 1 - 2 tuần.
Hầu hết các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, từ đó tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
Tóm lại: Cúm A là vấn đề hay gặp, để phòng ngừa bệnh cúm A hiệu quả người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh cá nhân cẩn thận: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần tránh tiếp xúc với với bệnh nhân mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.
- Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của cúm như sốt, ho, sổ mũi… nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xác định bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách tập thể dục, chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.
- Tiêm vaccine phòng cúm đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao cần được tiêm phòng đầy đủ trước mùa dịch.
Lào Cai phát hiện 13 ca mắc cúm A
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, Lào Cai vừa phát hiện có 13 ca bệnh cúm A.
Ngày 1/10/2024 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên qua giám sát cũng đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với cúm A, 5 trường hợp dương tính với cúm B.
Hiện tại các ca bệnh đang được theo dõi, điều trị, cách ly, diễn biến ổn định, không ghi nhận các trường hợp có diễn biến nặng.
Các đơn vị y tế huyện Bắc Hà và Bảo Yên cũng đang tiến hành điều tra yếu tố dịch tễ nơi bệnh nhân sinh sống và làm việc, phát hiện sớm chùm ca bệnh, ổ dịch nếu có.