Báo Dân trí dẫn tin từ Independent cho hay, mới đây một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon (OSHU - Mỹ) cho biết, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine mà vẫn mắc COVID-19 có thể hình thành siêu kháng thể chống lại SARS-CoV-2.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí y học JAMA, khẳng định nhiễm xuyên miễn dịch, hay còn gọi là "nhiễm đột phá" trong bệnh COVID-19 sẽ giúp bệnh nhân có được "siêu miễn dịch".
Theo TTXVN, nghiên cứu mới đã so sánh 26 nhân viên nhiễm đột phá tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon với những người đã được tiêm phòng nhưng chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học nhận thấy những người nhiễm đột phá có lượng kháng thể tăng đáng kinh ngạc.
Ông Fikadu Tafesse, Giáo sư miễn dịch học và vi sinh học phân tử tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon, tác giả nghiên cứu cho biết: “Mức tăng kháng thể là đáng kể, lên đến 1.000% và có người lên đến 2.000%. Vì vậy khả năng miễn dịch trong các ca nhiễm đột phá thực sự cao. Nó gần như là ‘siêu miễn dịch’”.
Đồng quan điểm, Giáo sư Shane Crotty (Viện Miễn dịch học La Jolla) nhận định, phát hiện này cho thấy hệ miễn dịch hoạt động tốt như thế nào. Mỗi khi tiếp xúc với vaccine hoặc virus, hệ miễn dịch học hỏi nhiều hơn và tốt hơn để có thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Tiến sĩ Monica Gandhi (Đại học California tại San Francisco) cũng cho biết: “Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy các ca nhiễm đột phá sau khi tiêm vaccine tạo ra khả năng miễn dịch mạnh hơn so với việc chỉ mắc bệnh trước đó hoặc chỉ tiêm vaccine”. Tuy nhiên, Tiến sĩ Monica cũng cảnh báo, mọi người không nên cố tình tìm cách mắc COVID-19 vì không thể dự đoán được người nào sẽ mắc bệnh nặng khi nhiễm virus.
Các nhà khoa học nhấn mạnh thêm rằng, họ chưa thử nghiệm trên biến chủng Omicron mới, trong bối cảnh một số nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng chủng này có thể làm giảm hiệu quả của một số vaccine nếu so với Delta. Khả năng miễn dịch cơ bản từ việc tiêm chủng vẫn là một phần thiết yếu để bảo vệ bản thân chống lại mầm bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các hậu quả tồi tệ nhất của COVID-19, như mắc bệnh nặng và tử vong. Cơ quan này cho biết, Omicron có khả năng sẽ lây lan nhanh hơn so với các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó. “Với các biến thể khác như Delta, vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Sự xuất hiện gần đây của Omicron càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine và tiêm mũi tăng cường”, CDC cho hay.
Theo ghi nhận, tính đến ngày 22/12, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 276.518.951 ca, trong đó có 5.384.060 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với tổng số ca nhiễm là 52.181.439 người, trong đó có 830.378 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới với tổng số ca mắc 34.758.078 ca, trong đó 478.061 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 22.219.477 ca và 617.948 ca tử vong.
Báo cáo tuần mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến thể Omicron đã được xác nhận ở 106 quốc gia trên thế giới, với số ca nhiễm đang tăng nhanh.
Vai trò của các đột biến đối với sức mạnh của Omicron