Các vấn đề thần kinh thường gặp hơn ở người mắc COVID-19
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích hồ sơ sức khỏe của 154.000 cựu chiến binh Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 từ ngày 01/3/2020 đến ngày 15/01/2021, sau đó so sánh kết quả với hồ sơ sức khỏe của 5,6 triệu người không mắc COVID-19 trong cùng giai đoạn đó và hồ sơ sức khỏe của 5,8 triệu người ở giai đoạn trước khi COVID-19 xâm nhập vào Mỹ.
Nhóm nghiên cứu cũng đã xem xét 44 tình trạng rối loạn não, bao gồm cả "sương mù não" và lo âu, ở cả những bệnh nhân không nhập viện và nhập viện. Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là điểm mới vì hầu hết các nghiên cứu trước đây về COVID-19 kéo dài thường chỉ tập trung vào nhóm bệnh nhân nhập viện.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các vấn đề về thần kinh xảy ra ở những người mắc COVID-19 nhiều hơn 7% so với những người không mắc COVID-19. Theo thông tin nghiên cứu từ Đại học Washington (Mỹ), điều này có thể liên quan tới khoảng 6,6 triệu người ở Mỹ đã và đang gặp các vấn đề về não do virus.
Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy, các vấn đề về não có thể gặp ở mọi đối tượng, không phụ thuộc vào độ tuổi già hay trẻ, nam hay nữ, chủng tộc của bệnh nhân, cũng như không phụ thuộc vào có hay không tình trạng hút thuốc lá hay các thói quen, hành vi không lành mạnh khác.
Vẫn cần quan tâm tới những ảnh hưởng sức khỏe của COVID-19
Tác giả nghiên cứu, bác sĩ Ziyad Al-Aly, chuyên gia dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington, cho biết: "Kết quả nghiên cứu đã cho thấy ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của COVID-19. Đây là một phần của tình trạng COVID-19 kéo dài và càng chứng tỏ rằng virus SARS-CoV-2 không hoàn toàn "lành tính" như một số người từng nghĩ".
Một số ít người trong nghiên cứu đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 vì vaccine chưa được phê duyệt sử dụng ở Mỹ vào giai đoạn trước tháng 12/2020. Theo nhóm nghiên cứu, nghiên cứu trước đây của họ đã cho thấy vaccine phòng COVID-19 có thể giúp làm giảm khoảng 20% nguy cơ mắc các vấn đề về não lâu dài.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Bé 4 tay 4 chân phẫu thuật loại bỏ thai ký sinh - VnExpress Sức khỏe