Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc (dung dịch) dùng để súc họng với mục đích sát khuẩn miệng họng, loại bỏ mảng bám vi khuẩn, khử mùi hôi do các vi khuẩn gây ra, đặc biệt dùng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn tại chỗ vùng mũi họng, răng miệng và chăm sóc vùng họng trước và sau phẫu thuật… Các loại nước súc họng này có rất sẵn trong các nhà thuốc và trên thực tế nhiều người dùng đã lạm dụng thuốc súc họng (như dùng kéo dài) hoặc dùng nước súc họng không đúng cách đã gây nên tổn thương niêm mạc vùng họng.
Một số loại thuốc súc họng thường dùng như bétadine, BBM, T-B, Colgate-Plax, listerin, nước muối sinh lý 0,9%... Và trong thành phần các thuốc súc họng thường phối hợp thêm một số chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng tại chỗ… Thuốc có loại pha chế dùng ngay (thường sử dụng trong bệnh viện) hoặc sản xuất theo công nghệ (thường bán trong các nhà thuốc). Có loại được pha chế thành dung dịch đậm đặc, khi dùng cần pha loãng theo một tỷ lệ quy định (có hướng dẫn ở nhãn thuốc) và thậm chí thuốc súc họng có cả dạng bột (dùng để pha trước khi sử dụng để súc họng).
Các thuốc súc họng thường được sử dụng sau khi đánh răng để thuốc có tác dụng lâu dài hơn ở niêm mạc họng. Khi súc họng, bệnh nhân ngậm thuốc trong ít phút rồi nhổ đi, không được nuốt. Tuy nhiên có một số thuốc sử dụng với thời gian ngắn hơn như Listerin chỉ ngậm trong miệng 30 giây. Thường súc họng trên hai lần một ngày. Mỗi lần sử dụng từ 15-30ml dung dịch.
Tuy nhiên cần lưu ý, trừ nước muối sinh lý 0,9% thì các thuốc súc họng không nên sử dụng quá 10 ngày. Vì, nếu sử dụng quá dài ngày cũng gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Hơn nữa, thuốc súc họng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, ban đỏ, ngứa miệng, họng, phồng rộp môi, mặt đỏ, toát mồ hôi, thậm chí có thể sốc phản vệ và gây tử vong. Vì vậy, không được sử dụng thuốc súc họng ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc súc họng, nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, phải dừng ngay việc súc họng và báo cho bác sĩ biết để kịp thời xử trí.
Lưu ý khi súc họng bằng nước muối sinh lý, nên mua nước muối ở hiệu thuốc. Trường hợp tự pha nước muối để súc họng chỉ nên pha nhạt như nước canh, nếu pha nhạt quá nước muối sẽ ít tác dụng sát khuẩn và trung hòa pH, nếu mặn quá lại gây tổn thương niêm mạc vùng họng.
Dược sĩ Thu An