Hà Nội

Mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối sống được bao lâu?

09-03-2024 11:45 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh suy thận mạn diễn biến qua 5 giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng bệnh ở giai đoạn sớm rất kín đáo, dễ bị bỏ qua. Khi đã có biểu hiện lâm sàng thì bệnh đã ở giai đoạn cuối rất khó xử lý và tốn kém.

Suy thận mạn hay còn gọi là bệnh thận mạn tính là một bệnh lý nghiêm trọng dẫn đến suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường khi thận không thể loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này khiến các chất thải tồn đọng, gây hại cho người bệnh.

Các giai đoạn suy thận mạn tính

Theo Hội Thận học quốc tế (ISN = International Society of Nephrology) và Hội Thận học quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) đã chia bệnh thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) gồm:

  • Giai đoạn 1: GFR bình thường hay cao, GFR > 90 mL/phút
  • Giai đoạn 2: GFR khoảng 60 – 89 mL/phút
  • Giai đoạn 3: Suy thận độ 3A (GFR khoảng 45 – 59 mL/phút), suy thận độ 3B (GFR khoảng 30 – 44 mL/phút)
  • Giai đoạn 4: GFR khoảng 15 – 29 mL/phút
  • Giai đoạn 5: GFR < 15 mL/phút
Mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối sống được bao lâu?- Ảnh 1.

Người bệnh suy thận mạn cảm thấy chán ăn, thiếu máu nhẹ, tiểu đêm nhiều, đau tức hai bên thắt lưng.

Suy thận mạn tính giai đoạn 1 và 2

Tổn thương thận ở giai đoạn này thường chưa nghiêm trọng. Đặc điểm chung của hai giai đoạn này là triệu chứng bệnh chưa rõ ràng, chỉ khởi phát theo đợt. Vì thế, người bệnh rất khó nhận ra bệnh. Trong các đợt khởi phát cấp tính của suy thận mạn, người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, thiếu máu nhẹ, tiểu đêm nhiều, cảm giác mệt mỏi, đau tức hai bên thắt lưng.

Suy thận mạn giai đoạn 3

Trong giai đoạn này, chức năng của thận đã bị suy giảm rõ. Triệu chứng có thể chưa rõ ràng, nhiều trường hợp vẫn không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc khá mơ hồ, khiến người bệnh nghĩ mình mắc bệnh nào đó "nhẹ nhàng" hơn như mệt mỏi, ăn kém,… Một số người bệnh ở đợt khởi phát cấp có thể xuất hiện các triệu chứng như đau lưng, phù mí mắt, sưng chân và tay, đi tiểu với lượng nhiều hay ít hơn bình thường.

Bác sĩ thường chia bệnh suy thận mạn ở giai đoạn 3 thành 2 mốc là 3A và 3B. Trong giai đoạn 3A, khả năng lọc cầu thận giảm sâu so với độ 2.

Suy thận mạn giai đoạn 4

Trong giai đoạn 4, biểu hiện lâm sàng đã xuất hiện rõ ràng. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng do suy giảm chức năng lọc máu của thận như da xanh xao, tăng huyết áp, xuất huyết đường tiêu hóa, chán ăn, tiểu đêm nhiều, buồn nôn, phù nề và ngứa toàn thân, thường xuyên đau nhức đầu, đau nhức xương khớp…

Suy thận mạn tính giai đoạn 5

Đây là giai đoạn bệnh suy thận nghiêm trọng nhất. Thận đã tổn thương vô cùng nghiêm trọng với mức lọc cầu giảm thấp (< 15 mL/phút). Người bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng lâm sàng do nhiều cơ quan đã bị nhiễm độc, nhất là tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp da và máu.

Người bệnh suy thận giai đoạn 5 cần phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng thường xuyên nhằm duy trì sự sống và cải thiện tình trạng bệnh. Ghép thận ở giai đoạn này sẽ là phương pháp điều trị hiệu quả, mang lại hy vọng sống lâu dài cho người bệnh.

Các vấn đề sức khỏe khác khi suy thận kéo dài

Người bệnh suy thận có thể đối diện các vấn đề sau:

-Thiếu máu hoặc số lượng hồng cầu thấp (có thể gây ra mệt mỏi và yếu).

-Nồng độ canxi thấp và nồng độ phốt pho cao trong máu (có thể gây ra các vấn đề về xương).

-Nồng độ kali cao trong máu (có thể gây ra nhịp tim không đều hoặc bất thường).

-Chán ăn hoặc buồn nôn.

-Chất lỏng dư thừa trong cơ thể (có thể gây ra huyết áp cao, phù chân hoặc khó thở).

-Nhiễm trùng hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu.

-Phiền muộn.

Mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối sống được bao lâu?- Ảnh 2.

Chạy thận nhân tạo gây tốn kém chi phí cho người bệnh.

Suy thận giai đoạn cuối sống được bao lâu? 

Suy thận giai đoạn cuối sống được bao lâu là thắc mắc chung của nhiều người hiện nay. Các bác sĩ cho rằng với những người bị suy thận ở giai đoạn cuối thì thời gian sống được sẽ tùy thuộc vào mức độ phát triển của bệnh.

Trên thực tế, bệnh nhân suy thận ở giai đoạn cuối có thể tiến hành lọc máu từ 2 – 4 lần trong một tuần sống thêm được từ 5 đến 10 năm, có nhiều trường hợp kéo dài từ 20 đến 30 năm. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể thực hiện ghép thận thì sẽ tăng khả năng sống sót hơn. Theo khảo sát thì sau khi tiến hành ghép thận, người bệnh có thể sống thêm khoảng từ 5 – 20 năm.

Tóm lại: Suy thận mạn tiến triển thầm lặng, không có dấu hiệu báo trước nên xét nghiệm cơ bản, xét tổng quát định kỳ là cần thiết để tầm soát và có hướng xử trí kịp thời. Nhận biết, hiểu rõ những giai đoạn và triệu chứng bệnh suy thận sẽ giúp người bệnh ổn định tâm lý để an tâm điều trị, mang lại kết quả khả quan hơn. Dù ở giai đoạn suy thận mạn nào, người bệnh cũng cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời để làm chậm tiến trình của bệnh, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Người bị suy thận nên ăn uống thế nào để tránh bệnh nặng thêm?Người bị suy thận nên ăn uống thế nào để tránh bệnh nặng thêm?

SKĐS - Bệnh suy thận ngày càng có xu hướng trẻ hóa, thậm chí có rất nhiều người trẻ đi khám đã mắc suy thận nặng. Điển hình là trường hợp hot Tiktoker Thiều Thanh Yến, mới đây cho biết cô hoàn toàn bất ngờ khi được chẩn đoán bị suy thận độ 3.

BSCKI. Nguyễn Thị Thúy
Ý kiến của bạn