Hà Nội

Mắc bệnh nan y vì... viêm lợi

11-07-2012 13:07 | Thông tin dược học
google news

Bấy lâu nay, người ta vẫn coi thường căn bệnh viêm lợi vì cho rằng đó là bệnh thường gặp, chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, viêm lợi có thể là khởi nguồn dẫn đến một loạt các căn bệnh nan y nguy hiểm khác như đau tim, đột quỵ, viêm tắc thành mạch, viêm phổi, tiểu đường, thiểu năng não, thậm chí cả ung thư!

(SKDS) -  Bấy lâu nay, người ta vẫn coi thường căn bệnh viêm lợi vì cho rằng đó là bệnh thường gặp, chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, viêm lợi có thể là khởi nguồn dẫn đến một loạt các căn bệnh nan y nguy hiểm khác như đau tim, đột quỵ, viêm tắc thành mạch, viêm phổi, tiểu đường, thiểu năng não, thậm chí cả ung thư!

Không thể coi thường các bệnh về lợi - đó là khẳng định của nhiều bác sĩ và nha sĩ giàu kinh nghiệm. Các nghiên cứu được tiến hành trong vòng 5 năm gần đây đã chỉ ra rằng, sự viêm nhiễm phần miệng cũng có thể làm gia tăng rủi ro cho những người chuẩn bị lên bàn phẫu thuật như ghép thận, thay van tim. Bởi, “vi khuẩn ở các ổ viêm lợi hoàn toàn có thể theo máu đi tới các bộ phận khác của cơ thể để gây tai họa, phá hỏng hiệu quả của các ca phẫu thuật, khiến các vết thương phẫu thuật lâu liền...” - TS. Salomon Amar - tiến sĩ nha khoa thuộc ĐH Boston (Mỹ) lý giải. Theo khảo cứu của nhóm bác sĩ Đại học Boston thì có khoảng 20% các ca ghép tạng không thành công có liên quan đến virut Cytomegalia, mà ổ của virut này là viêm lợi mạn tính. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã lưu ý các bác sĩ rằng, trước khi tiến hành ghép tạng cần yêu cầu bệnh nhân đi khám nha khoa và điều trị dứt điểm viêm lợi nếu có.

Trong một diễn biến khác, tạp chí Journal of Periodontology mới đây vừa công bố 2 nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học thuộc Đại học Nam California (Mỹ) cho thấy: đã phát hiện các vi khuẩn gây viêm lợi nằm trong động mạch của những bệnh nhân đau tim và trong nhau thai ở những phụ nữ bị huyết áp cao lúc mang thai. Ngoài ra, các khảo cứu tại Italia vài năm trước đây và tại Chile gần đây còn chỉ ra rằng: ở những người bị bệnh tiểu đường nếu có mắc thêm viêm lợi mạn tính thì rất khó chữa trị tiểu đường. Các chỉ số đường huyết gần như không đáp ứng với phác đồ điều trị. Và chỉ khi bệnh viêm lợi được điều trị dứt điểm thì bệnh tiểu đường mới thấy thuyên giảm.

 Cần lấy cao răng ít nhất 6 tháng một lần để phòng viêm lợi.

Ngọn nguồn của nhiều bệnh

Theo số liệu của TS. Salomon Amar, có tới 50 - 70% người dân Mỹ bị viêm lợi mạn tính. Trong số đó, khoảng trên 10% bị viêm lợi ở mức độ nghiêm trọng, làm thay đổi các cấu trúc của lợi. Tuy nhiên, mọi người thường coi nhẹ và bỏ qua căn bệnh này. “Ngoài việc thường thấy hiện tượng chảy máu chân răng, viêm lợi không gây đau đớn, ít khi có những biểu hiện khác và không đe dọa tính mạng con người. Chính vì thế, nó không được coi là một bệnh có tác động tiêu cực tới sức khỏe - đó là một sai lầm của y học” - TS. Amar phát biểu. Ngày nay, nhiều nhà khoa học đã phải thừa nhận rằng, viêm lợi mạn tính có tác động khá lớn, có thể làm tổn thương các bộ phận khác của cơ thể và gây ra nhiều bệnh nan y nguy hiểm.

Các khảo cứu tiến hành tại Anh với sự tham gia của nhiều nhóm bệnh nhân còn cho thấy, những người bị viêm lợi mạn tính thường xuyên bị bệnh tim mạch hơn 68% so với những người không bị viêm lợi. Nguyên nhân được xác định là những chất xuất tiết từ vi khuẩn viêm lợi đã nhiễm vào đường máu, gây tắc động mạch và huyết khối, dẫn đến đau tim và đột quỵ. Theo các nhà khảo cứu, các độc tố từ viêm nhiễm lợi - ngoài ảnh hưởng tiêu cực tới thành mạch, còn có thể vào gan qua đường lưu thông máu, khiến gan giải phóng loại protein creactiv, mà đây là tác nhân gây lên tình trạng viêm động mạch.

Vì sao viêm lợi dẫn đến các bệnh nan y nguy hiểm? Đó là do các vi khuẩn xuất phát từ viêm lợi đã giải phóng độc tố, khiến hệ miễn dịch của cơ thể đối phó bằng cách tiết ra hợp chất cytokina. Hàm lượng cytokina quá cao trong cơ thể sẽ làm gia tăng khả năng viêm nhiễm và làm tổn thương các mô trong toàn bộ cơ thể. Hiện tượng này, cho đến nay - được coi là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, thiểu năng não, một số bệnh ung thư... và các rắc rối khi mang thai ở phụ nữ. “Viêm lợi mạn tính là ngọn nguồn sinh ra những hợp chất gây tổn thương các mô” - ông Preston D.Miller, Chủ tịch Viện Nha khoa Mỹ khẳng định.

Để phòng ngừa có hiệu quả bệnh viêm lợi, các bác sĩ Viện Răng hàm mặt Ba Lan khuyên rằng: Cần đánh răng thường xuyên với thuốc đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Nên thường xuyên bổ sung nguồn vitamin C và PP vì 2 loại vitamin này có tác dụng quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm lợi. Cứ 6 tháng một lần, nên đến nha sĩ để lấy cao răng.

Minh Giang(Theo The Family doctor)


Ý kiến của bạn