Hà Nội

Mắc bệnh để... phòng vệ và tiến hóa

28-03-2012 07:11 | Thông tin dược học
google news

Đối phó với bệnh tật, chúng ta hay đặt câu hỏi: Tại sao mắc bệnh? Chữa bằng cách nào? Câu trả lời thường thấy trong sách giáo khoa trường y, mô tả những cơ chế bệnh nguyên,

Đối phó với bệnh tật, chúng ta hay đặt câu hỏi: Tại sao mắc bệnh? Chữa bằng cách nào? Câu trả lời thường thấy trong sách giáo khoa trường y, mô tả những cơ chế bệnh nguyên, bệnh sinh đưa đến bệnh tật mà khoa học biết được. Tuy nhiên, đây chỉ là những căn nguyên trực tiếp. Còn sâu sa hơn - theo trường phái y học tiến hóa (Darwinian Medicine) thì bệnh tật là một trong những “chiến lược, chiến thuật” để loài người tồn tại và tiến hóa.

Mắc bệnh để… phòng vệ

Sự thật là không ít bệnh tật được tạo ra bởi các cơ chế phòng vệ của cơ thể và các cơ chế này được hoàn thiện trong quá trình tiến hóa nhằm bảo vệ con người trước một mối hiểm nguy, chẳng hạn như ho, sốt, đau đớn, ói mửa, tiêu chảy... Một cơn sốt, không chỉ đơn giản gia tăng tỉ lệ nội tiết, huy động kháng thể mà chính nhiệt độ cơ thể tăng đã làm thay đổi môi trường sống tối ưu của vi khuẩn, làm cho chúng chóng chết hơn. Đau đớn cũng vậy, dù làm cho nhiều người khốn đốn, nhưng đây lại là một tín hiệu báo động cho cơ thể biết các mô và tế bào đang trong tình trạng nguy hiểm hay đang bị tổn thương. Tín hiệu này điều khiển lí trí của chúng ta phải dừng hoạt động các bộ phận đó lại để cho chúng có thời gian hồi phục.

Tại sao chúng ta hay mắc các chứng ho, sổ mũi, hắt hơi? Câu trả lời của y học tiến hóa là bởi vì các chứng bệnh này cho chúng ta một cơ chế phòng vệ hữu hiệu nhất, nó giúp tẩy rửa vi trùng, tống xuất những độc chất và mầm bệnh ra ngoài cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người không có khả năng thải các dị vật trong đường hô hấp và phổi ra ngoài theo cách ho, sổ mũi hay hắt hơi thường hay bị viêm phổi. Trong các trường hợp bị viêm phổi giai đoạn cấp tính, nếu bệnh nhân không ho được hoặc dùng thuốc cắt cơn ho, tiến trình bệnh sẽ kéo dài hơn và nhiều trường hợp chết vì ứ đọng đờm dãi gây tắc nghẽn thông khí. Việc sử dụng các loại thuốc giảm ho, chống sổ mũi đôi khi lợi bất cập hại vì như thế là chúng ta đã giam hãm mầm bệnh lại trong cơ thể mình, khi ấy tiến trình bệnh lý có nguy cơ kéo dài hơn.

 
 Phản ứng ho giúp tống xuất những độc chất và mầm bệnh ra ngoài cơ thể.

Hệ quả của cuộc cạnh tranh sinh tồn

Một phần lớn bệnh tật mà chúng ta hay mắc là hệ quả của sự cạnh tranh sinh tồn giữa con người với các sinh vật gây bệnh. Quá trình chọn lọc tự nhiên không thể cung cấp cho chúng ta một cơ chế phòng vệ toàn năng chống lại tất cả những độc tố và tác nhân gây bệnh, bởi vì những độc tố và tác nhân gây bệnh này nhiều khi tiến hóa nhanh hơn cơ thể con người! Chẳng hạn như vi khuẩn E. coli, với tỉ lệ tái sản sinh cực nhanh (một ngày tiến hóa của chúng bằng thời gian tiến hóa của con người khoảng 1.000 năm), chúng có thừa thời gian để tồn tại và tấn công con người, trong khi hệ thống phòng vệ của cơ thể, dù là tự nhiên (nội lực) hay do sử dụng thuốc, cũng không có đủ thời gian để đối phó với những kẻ thù mới.

Con người nói chung đã chinh phục được nhiều tác nhân gây bệnh bằng thuốc kháng sinh và vaccin. Thế nhưng, thực tế phũ phàng là các tác nhân gây bệnh, với sức mạnh của chọn lọc tự nhiên, đã có khả năng thích nghi với bất cứ hóa chất nào mà con người dùng để tiêu diệt chúng. Giới khoa học cho đến nay đã phải chua chát thừa nhận: "Cuộc chiến đấu với bệnh truyền nhiễm đã kết thúc, nhưng kẻ thắng trận là kẻ thù của chúng ta". Vì thế mà, cho đến nay chúng ta vẫn phải chấp nhận sống chung với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Để cân bằng lợi - hại…

Hầu như mỗi cơ phận của cơ thể con người đều được “thiết kế” để phòng chống bệnh tật, nhưng với một cái giá. Với hội chứng rối loạn thần kinh (manic depressive) chẳng hạn. Chứng bệnh này có nguồn gốc từ đột biến gen và ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Hệ quả của chứng rối loạn thần kinh cực kì nguy hiểm: 20% người mắc chứng này tự tử và 20% thì có nguy cơ chết vì các bệnh khác. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỉ người ta biết rằng những người mắc chứng rối loạn thần kinh thường là những người có óc sáng tạo rất cao. Do đó, việc các gen gây chứng rối loạn thần kinh tồn tại chắc chắn phải có một lợi ích gì đó, có lẽ chính các gen này đã giúp con người ngày càng phát triển về mặt tư duy, sáng tạo.

Qua đây, có thể thấy y học tiến hóa đã cung cấp cho chúng ta một góc nhìn rộng hơn, một viễn cảnh lớn hơn về bệnh tật và sức khỏe của con người. Điều này có thể giúp ích cho các bác sĩ rất nhiều trong việc khám chữa và điều trị bệnh tật.

       Trung Kiên(Theo Hebdo Sciences)


Ý kiến của bạn