Trần An (Nghệ An)
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị để giảm thiểu triệu chứng và cải thiện chức năng tiêu hoá của dạ dày.
Ngoài việc tuân thủ chỉ định bác sĩ anh nên nấu thức ăn chín kỹ, mềm, chế biến luộc, hấp hay om giúp cho người đau dạ dày dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn các món xào, rán. Ăn chậm và nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa đọc sách, báo, xem phim. Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Không để bụng quá đói làm dạ dày rỗng, co bóp mạnh hơn gây đau; hoặc ăn quá no khiến dạ dày dạ dày căng to, co bóp yếu ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn thức ăn, tăng cọ xát làm gia tăng cơn đau. Tránh ăn quá đặc làm dịch vị khó thấm vào giữa khối thức ăn, hoặc ăn quá lỏng và nhiều nước quá làm pha loãng dịch vị, giảm khả năng tiêu hóa. Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh đều làm dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau.
Khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng, hãy tránh: rượu, bia, cà phê, trà đặc; các loại rau đậu già, củ cải già, rễ cây...; các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng khô...; món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, món nướng tẩm nhiều gia vị, đồ ăn chế biến sẵn có các chất bảo quản, các loại thức ăn như xương băm nhỏ, sụn, tôm cua, cổ cánh, chân gà, vịt, đầu cá... Thực phẩm gây tăng acid dạ dày: trái cây chua (cam, chanh, quýt, xoài, khế...); thực phẩm chua (dấm, mẻ); Thực phẩm sinh hơi, trướng bụng như: giá đỗ, dưa cà muối, hành,... các loại nước ngọt, nước trái cây có ga....
BS. Phương Anh