Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin khiến glucose trong máu tăng cao. Nếu đường máu tăng cao kéo dài không được kiểm soát cùng một số yếu tố nguy cơ khác sẽ gây biến chứng ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Căn bệnh này thường gặp ở những người thừa cân, béo phì, người ít vận động thể lực hoặc do chế độ ăn nhiều chất béo, lượng glucid phức hợp giảm và đường ngọt tăng.
Do vậy, bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, thì việc duy trì đường huyết an toàn thông qua chế độ ăn uống là biện pháp cần thiết và hiệu quả.
1. Mối liên quan giữa thực phẩm và lượng đường trong máu
Cơ thể chúng ta tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, nơi carbohydrate (tinh bột) trong thức ăn sẽ phân hủy thành glucose. Sau đó, dạ dày và ruột non sẽ hấp thụ glucose và giải phóng nó vào máu. Khi vào máu, glucose có thể được sử dụng ngay lập tức để làm năng lượng hoặc được lưu trữ trong cơ thể chúng ta để sử dụng sau này.
Insulin giúp cơ thể sử dụng hoặc lưu trữ glucose để tạo năng lượng. Khi cơ thể bạn không tạo đủ hormone thiết yếu này hoặc không thể sử dụng nó một cách hiệu quả, như trong trường hợp mắc bệnh đái tháo đường glucose sẽ ở trong máu và giữ cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao.
Lượng đường trong máu có mối quan hệ phức tạp với carbohydrate hấp thụ vào cơ thể. So với protein và chất béo, carbohydrate có tác động lớn nhất đến lượng đường trong máu, đó là lý do tại sao việc theo dõi lượng carbohydrate nạp vào cơ thể lại rất quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên người bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn thực phẩm tinh chế, chế biến có chứa nhiều carbohydrate và thực phẩm chứa nhiều đường như như: bánh kẹo, nước ngọt, nước ép trái cây, trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...), ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng và ngũ cốc có đường, đồ ngọt và đồ ăn nhanh như bánh ngọt, bánh quy… vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết.
2. Bệnh nhân đái tháo đường có phải kiêng thực phẩm chứa đường tuyệt đối không?
Theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, theo dõi cẩn thận lượng carbohydrate và đường là rất quan trọng khi kiểm soát bệnh đái tháo đường vì tác động tiềm tàng của nó đối với lượng đường trong máu.
Sẽ không có vấn đề gì khi thỉnh thoảng ăn thực phẩm có chứa nhiều đường. Và đối với một số người mắc bệnh đái tháo đường, đồ uống có đường hoặc viên nén glucose là điều cần thiết để điều trị tình trạng hạ đường huyết khi mức đường huyết quá thấp.
Mặc dù chúng ta biết đái tháo đường type 2 do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng không nên ăn quá nhiều vì chúng sẽ khiến cho bệnh khó kiểm soát hơn và làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Khi chúng ta ăn quá nhiều đường cũng sẽ gây hại cho sức khỏe. Thừa cân, béo phì sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Vì vậy, khi lựa chọn bất kỳ loại thực phẩm nào, điều cần thiết là người bị đái tháo đường phải hiểu nó có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết của họ như thế nào.
3. Thực phẩm nào giúp kiểm soát đường huyết tốt cho người bệnh đái tháo đường?
3.1. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
Người bệnh đái tháo đường nên dựa vào chỉ số đường huyết của thực phẩm (Gl) để lựa chọn thực phẩm phù hợp.
Nên ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI<55) như: Ngũ cốc nguyên hạt; các loại khoai củ: khoai lang, sắn, củ từ…; Các loại rau không chứa tinh bột, cà chua, cà rốt…; Các loại trái cây như: táo, chuối, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi…
3.2. Ngũ cốc nguyên hạt
Trong khi việc tiêu thụ nhiều ngũ cốc tinh chế có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như béo phì và viêm nhiễm, thì ngũ cốc nguyên hạt lại mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có lợi ích giảm nguy cơ mắc tim và bệnh đái tháo đường.
Nghiên cứu đã chứng minh, ăn ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp và bệnh tim. Chúng cũng là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột giúp giảm viêm trong cơ thể.
Thực phẩm giàu chất xơ như các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch… ) có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu cao bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa. Điều này giúp ngăn ngừa sự tăng vọt của lượng đường trong máu và có thể cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin, hormone loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi máu để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
3.3. Rau xanh và trái cây tươi
Các loại rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt giàu chất xơ. Mỗi ngày người bệnh đái tháo đường nên ăn ít nhất 400g rau xanh và trái cây tươi để cung cấp chất xơ và vitamin cho cơ thể.
Nên ăn trái cây cả miếng, cả múi để có chất xơ. Không nên ép lấy nước uống vì chất xơ ở rau quả là thành phần quan trọng làm chậm hấp thu đường và đỡ tăng đường sau khi ăn. Không nên ăn hoặc chỉ ăn rất ít các loại trái cây ngọt nhiều như: nho, xoài, na, vải, nhãn, sầu riêng…
Xem thêm video đang được quan tâm
5 thực phẩm nên có trong thực đơn phòng bệnh đường hô hấp khi giao mùa - SKĐS