Tôn vinh áo dài Việt Nam
Tuần Áo dài diễn ra từ ngày 2/3 đến 8/3/2020 là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 110 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Áo dài 14 tà của nhà thiết kế David Minh Đức
Sự hưởng ứng của cộng đồng mạng cho thấy tình yêu của người Việt Nam với tà áo dài.
Không chỉ đến bây giờ người Việt Nam mới thể hiện sự trân trọng đối với trang phục dân tộc. Tại TPHCM, lễ hội Áo dài là lễ hội văn hoá lớn thường được tổ chức trong dịp tháng 3. Mỗi kỳ tổ chức, lễ hội đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham gia các hoạt động. Năm 2019, Lễ hội đã được đánh giá là một trong 10 sự kiện tiêu biểu tại TPHCM. Năm nay do dịch cúm COVID - 19 nên lễ hội tạm dời sang tháng 4.
Áo dài giữa sóng biển Trường Sa (chị Hà Lê up lên trang Tự hào áo dài Việt Nam)
Văn hóa chỉ được bảo tồn chắc chắn, phát huy được giá trị khi được sống trong lòng đời sống hằng ngày. Dĩ nhiên là phải phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, để người mặc không cảm thấy bị áo dài… hành. Rất cần một ý thức coi áo dài là văn hóa mặc của người Việt Nam, thậm chí là trách nhiệm của mỗi công dân. Mặc áo dài là yêu nước. Điều này có ý nghĩa khi chúng ta nhớ lại một sự kiện làm xôn xao cư dân mạng Việt những ngày cuối tháng 11 năm ngoái.
Sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm, như một dạng "đường lưỡi bò" trong văn hóa
Thời điểm đó, cư dân mạng Việt chia sẻ rất nhiều thông tin về BST của Ne.Tiger đến từ Trung Quốc, với tâm điểm là hình ảnh của tà Áo dài Việt Nam dưới tựa báo "Chinese Style Delights China S/S Fashion Week" trên trang China Daily, trong đó dưới phần tựa của các bức ảnh có dòng chú thích: "Người mẫu trình diễn một sáng tạo mới của Ne.Tiger tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân/Hè 2019", không có thêm chú thích gì về cái tên Áo dài hay xuất xứ nguồn gốc từ Việt Nam.
Áo dài Việt Nam thăm cánh đồng muối Uyuni (Salar de Uyuni ) nằm ở phía tây nam của Bolivia, gần dãy núi Andes ở độ cao 3.650m so với mực nước biển (chị Quách Mỹ Dung)
Sau đó, Ne.Tiger chia sẻ rằng họ đã tập hợp trang phục truyền thống của các nước Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Lào, Myanmar, Campuchia và cả Việt Nam, rồi kết hợp với mẫu sườn xám của Trung Quốc để tạo thành một BST chung. Dù nguồn cơn của câu chuyện có thế nào thì với đại bộ phận cư dân mạng Việt Nam, đây vẫn là một sự việc chạm vào lòng tự tôn dân tộc.
Nhà thiết kế Minh Hạnh đã chia sẻ ý kiến về sự kiện này : Việc thương hiệu thời trang Ne-Tiger của Trung Quốc giới thiệu bộ sưu tập giống hệt các mẫu áo dài của Việt Nam là sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm, như một dạng "đường lưỡi bò" trong văn hóa.
Áo dài chào mùa hoa loa kèn mới (nữ doanh nhân Trần Thị Định)
Còn nhà thiết kế Sỹ Hoàng thì kể một chi tiết khá … giật mình, vào dịp anh tham gia chương trình giao lưu kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt - Nhật và đến tham quan Bảo tàng Kimono tại Tokyo: Lúc đó, bảo tàng có cuộc triển lãm Lịch sử 5.000 năm trang phục Trung Quốc. Xem đến tủ kính cuối cùng, cả tôi và chị Thế Thanh đều sửng sốt khi thấy bên trong trưng bày bộ áo dài lụa Việt Nam màu xanh ngọc, có cả nón lá và đôi guốc gỗ. Họ ghi rất rõ "Trang phục hiện đại Trung Quốc".
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh up ảnh lên trang Tự hào áo dài Việt Nam
Do bảo tàng không cho chụp hình nên tôi đã không ghi lại được. Nhìn hình ảnh trưng bày đó, chúng tôi vừa giận vừa lo. Khi về Việt Nam, tuy không đủ kinh phí, tôi vẫn gấp rút bắt tay vào xây dựng Bảo tàng Áo dài (Q.9, TP.HCM) để 4 năm sau bảo tàng được khánh thành.
Nghệ nhân áo dài Lan Hương và những mẫu thiết kế của chị
Người mẫu Bảo Thái. Ảnh : Đinh Văn Linh (up trên trang Tự hào áo dài Việt Nam)
Chuyên trị áo dài nhẽ nào không khoe (ảnh của DzungArt Nguyễn, họa sĩ nổi tiếng chụp áo dài nhiều và đẹp, đã ra sách ảnh Mùa nắng phai với 100% hình ảnh áo dài)
Nhà báo Nguyễn Điệp Anh, cựu phóng viên VOV, chụp áo dài tại Huế
Cô giáo Thu Hồng, trường mầm non Phương Liệt, một người rất chăm mặc áo dài và up Facebook
Nghệ nhân áo dài Lan Hương thì chia sẻ: Gần 20 năm lựa chọn một con đường áo dài lụa Việt thêu tay và miệt mài quảng bá hình ảnh và các BST áo dài Việt Nam ra khắp thế giới. Tôi trông chờ chiến dịch phát động này đã 10 năm. Ước mong lớn nhất của tôi là áo dài Việt Nam được tôn vinh là di sản. Hãy cho ý kiến của các bạn về ngày thích hợp nhất để chọn ra ngày Áo Dài Việt Nam nhé.