“Ma xó” trên đất Việt sắp thành Lê An Na

01-03-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vừa trở lại Việt Nam từ đất nước Fiji xa lắc, Anasenni là ngoại binh duy nhất của bóng chuyền Việt Nam, càng đặc biệt hơn lại là người da màu và theo đạo Hồi

Vừa trở lại Việt Nam từ đất nước Fiji xa lắc, Anasenni là ngoại binh duy nhất của bóng chuyền Việt Nam, càng đặc biệt hơn lại là người da màu và theo đạo Hồi. Qua 6 năm gắn bó, người phụ nữ lực lưỡng đang là đội trưởng kiêm HLV của ĐTQG xứ đảo quốc vừa viết đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam với một cái tên rất dễ thương: Lê An Na.

Khởi đầu nan

Theo cựu HLV trưởng đội nữ Bình Điền Long An Lương Khương Thượng, việc thuê Anasenni từ mùa 2007 thực sự chỉ là phương án chữa cháy. Do các tuyển thủ Thái Lan đều bận du đấu châu Âu nên HLV trưởng Kiatipon - bạn của ông Thương - đã giới thiệu chủ công Jiji lúc ấy đang lang thang tìm việc trên đất Thái sang thế chỗ.

VĐV bóng chuyền nữ A. Seniloli xin nhập quốc tịch Việt Nam để được gắn bó lâu dài với bóng chuyền.

Cả đội nữ đất Long An đã choáng ngợp thực sự khi ngoại binh rất được chờ đợi xuất hiện. Đầu tiên là vẻ ngoài hoàn toàn khác biệt của chị hệt như một chú gấu, cao tới 1m91, nặng trên 80kg, cộng thêm nước da đen. Song họ càng sốc hơn vì trình độ của Anasenni yếu quá, thậm chí phát một quả bóng còn không qua nổi lưới. Ngay ngày đầu, đồng đội còn thấy Anasenni kiêng ăn thịt rồi làm lễ cầu nguyện của một người theo đạo Hồi.

Ông Thượng đã định trả chủ công sinh năm 1988 về quê, song nể và thương nên đành phải giữ lại để cố gắng đào tạo lại từ đầu, rồi mới quyết định cho Anasenni “đi hay ở”. Suốt cả nửa mùa, Anasenni chỉ thực hiện mỗi nhiệm vụ vào sân tận dụng chiều cao để chắn bóng, còn lại tập trung vào học và tập. Nhờ sự khổ luyện không ngừng dựa trên thể lực phi phàm cùng tầm bóng cực cao nên chị đã tiến bộ vượt bậc. Đến lượt về mùa giải, Anasenni đã trở thành một tay đạp tay chiêu hàng đầu làm khiếp đảm mọi hàng chắn, góp công lớn giúp Bình Điền Long An vô địch quốc gia. Kể từ đó, chị đều đặn mỗi năm hai lần sang Việt Nam đầu quân với một điểm rất đặc biệt chưa từng đòi hỏi về mức lương mà luôn để đội bóng tự trả.

So với ngay những Bùi Huệ, Phạm Yến thì Anasenni cũng chưa hơn nhưng ngoại binh này lại đang là một cầu thủ bóng chuyền quốc tế thực thụ. Sau cú lột xác ngoạn mục tại Việt Nam vươn tới một đẳng cấp tương đối làm vốn, chị bắt đầu sự nghiệp du mục để đấu thuê quanh năm suốt tháng. Điều này có được tất nhiên còn nhờ vào sự nhanh nhạy chịu khó của cô gái Fiji có xuất thân nghèo khi chị sẵn sàng đi khắp nơi, chủ động tìm kiếm những đội bóng phù hợp.

Đến những bước ngoặt đầy vinh quang

Hiện tại, hàng năm, ngoài Fiji, Anasenni còn xuất ngoại đấu thuê ở ít nhất 4 nước gồm Việt Nam, Indonesia, Úc và Newzeland.  Riêng 2012, sự nghiệp của chị đã lên tới đỉnh cao khi ngoài 3 điểm đến quen thuộc kể trên còn được CLB GS Caltex Seoul Kixx của nền bóng chuyền hạng 10 thế giới Hàn Quốc mời sang thi đấu. Hành trình của chị tới đây có thể còn bổ sung thêm một cái tên của cường quốc Thái Lan nữa.

Rất bình thường với bóng chuyền Việt Nam nhưng ở Fiji, Anasenni được coi như một Idol - một biểu tượng cho nỗ lực vượt khó và quảng bá hình ảnh của người dân đảo quốc này. Các chủ đề về chị là nội dung ăn khách của các chương trình truyền hình và các tờ báo nơi đây. Nhờ nghiệp bóng, mỗi năm, chị cũng bỏ ra được khoảng 20-30 nghìn USD đủ để nuôi cả nhà và tích góp xây được nhà khang trang, sắm được ôtô.

Ngoài mẫu hình thành đạt, tại quốc đảo Fiji, sở dĩ Anasenni được coi như một “Idol” còn bởi chị đã góp công lớn thay đổi bộ mặt của ĐTQG bóng chuyền nữ, phần nào đó còn thúc đẩy cả nền bóng chuyền tại đây vốn chỉ mang tính phong trào. Từ nhiều năm nay, chị là đội trưởng kiêm HLV và nhà tài trợ của ĐTQG.

Chủ công “du mục” này đều đặn trích kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của đội, giúp các đồng đội phải làm đủ thứ việc vất vả để duy trì đam mê chơi bóng. Chính chị bằng quan hệ, uy tín của mình đã kết nối cho đội xuất ngoại tập huấn thi đấu mà chuyến đi xa nhất và oách nhất là 15 ngày tại Việt Nam hồi 2009 do Bình Điền Long An tài trợ. Với một ĐTQG mà trình độ chỉ ở mức thua đậm cả đội năng khiếu của Bình Điền Long An mới thấy nỗ lực vươn lên của chị ghê gớm đến mức nào.

Sắp trở thành “made in Việt Nam - Lê An Na”

Kết thúc mùa giải năm ngoái, Anasenni sốc khi nghe tin bóng chuyền quyết định “nói không” với ngoại binh tại giải vô địch quốc gia. Không chỉ đơn giải là việc mất một chỗ làm, một nguồn thu nhập mà chị đã coi Long An và Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình với 6 năm ròng gắn bó cùng những người bạn, người thầy thân thiết. Không phải ngẫu nhiên mà chị có biệt danh “ma xó” đất Long An vì cái gì cũng thông thạo, từ các địa danh, món ăn, lối sống. Đặc biệt, Anasenni đã nói giỏi tiếng Việt gần như một người bản địa, cỡ khoảng 70%, với chất giọng lơ lớ của những cô gái Đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, chị còn biết và sử dụng được hàng loạt từ “lóng” đủ để không ai qua mặt được.

Tưởng như phải chia xa mãi, đầu năm, Anasenni đã vui đến phát khóc vì lại nhận được lời mời của Bình Điền Long An sang dự giải đấu quốc tế do công ty mẹ đăng cai. Giải này như để bù đắp lại khoảng thời gian mấy tháng phải rời xa sân đấu, chủ công đến từ đảo quốc châu Đại Dương đã chơi cực hay, nhất là trong trận chung kết để giúp cho đội nhà thi đấu hoàn toàn ngang ngửa với “đại gia” quá mạnh Thông tin và chỉ chịu thua ngược sát nút 2/3 do thiếu may mắn.

Sau giải, chính người Fiji duy nhất tại Việt Nam đã chủ động đề xuất với Bình Điền Long An về việc xin nhập quốc tịch để được sống và gắn bó lâu dài với bóng chuyền. Chị cũng chủ động chọn cho mình một cái tên rất nữ tính, thuần Việt, lại có dấu ấn của mình là Lê An Na.

Hoàn toàn đủ mọi tiêu chuẩn nên “ma xó” Anasenni chỉ còn chờ thủ tục để trở thành công dân Việt và có thể tập luyện, thi đấu như một cầu thủ nội từ mùa giải năm nay.

Xuyến Chi

 

 


Ý kiến của bạn