Trong thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự xã hội trên đường thủy đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm trộm cắp, buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo, buôn bán hàng cấm, khai thác cát trái phép… đang xảy ra ngày một nhiều với tính chất tinh vi và manh động hơn.
Nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động
Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết, cuối tháng 6/2014, nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty TNHH Minh Huy, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh về việc bị lừa đảo khi cho thuê sà lan chở cát, cơ quan này đã điều tra và bắt giữ đối tượng Lê Ngọc Thảo (SN 1972, quê Tiền Giang). Cụ thể, ông Sang nhận được thông tin có 2 người khách muốn thuê sà lan chở cát từ Vĩnh Long về TP.HCM với tỷ lệ ăn chia: Minh Huy hưởng 30%, bên thuê sà lan hưởng 70%... Thời buổi khó khăn, ông Sang đồng ý ngay và tiến hành các thủ tục hợp đồng. Minh và Sựng - 2 người thuê sà lan cung cấp các giấy tờ liên quan và ông Sang giao cho họ sà lan trị giá 4 tỷ đồng... Một tháng trôi qua, đến hạn phải trả sà lan vẫn không thấy các vị khách liên lạc, ông Sang điện thoại hỏi thì được biết do tàu kéo hỏng, đang sửa chữa, chưa kéo sà lan về được. 10 ngày sau, ông Sang tiếp tục gọi điện thì Minh, Sựng... bặt vô âm tín. Tại cơ quan công an, Thảo khai nhận, thấy việc thuê sà lan dễ dàng, đã sử dụng CMND nhặt được, làm giả bằng thuyền trưởng, chủ sở hữu tàu kéo để lừa đảo Công ty Minh Huy, sau đó kéo sà lan về huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu thuê người cắt chiếc sà lan bán sắt phế liệu lấy 1 tỷ đồng.

Một vụ vận chuyển hàng lậu trên đường thủy bị lực lượng chức năng phanh phui.
Cùng với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo người dân tại ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp trên tàu viễn dương, các phương tiện, công trình và nhà ven sông lại gia tăng. Nhiều đối tượng trộm cắp dùng xuồng, ghe máy đi dọc tuyến kênh rạch, sông Chợ Đệm chờ lúc vắng người dùng kìm cộng lực cắt khóa để trộm bình ắc-quy. Hoặc dùng xuồng máy công suất lớn rảo dọc sông Sài Gòn, nhìn ngó nhà nào vắng người, tài sản để sơ hở là nhanh chóng ập lên trộm cắp. Đặc biệt, nạn cắt trộm dây cáp tàu biển dẫn đến các phao tiêu không hoạt động được làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy đang là hiện tượng rất đáng báo động.
Còn diễn biến phức tạp
Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết, trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm trên đường thủy vừa triển khai mới đây, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện, bắt giữ 140 vụ việc với 159 đối tượng, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 19 vụ với 39 bị can. Tang vật thu giữ được bao gồm trên 20.000 tấn than, 1.840 tấn quặng, 150 tấn titan, 1kg ma túy đá, 133kg thuốc nổ, 14 quả mìn tự tạo, trên 200 kíp nổ và nhiều tài sản khác, ước tính trị giá trên 143 tỷ đồng. Trong số này, lực lượng của Cục đã xác lập và đấu tranh thắng lợi 6 chuyên án trinh sát, bắt giữ 4 vụ vận chuyển than, quặng, xăng dầu trái phép, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 3 vụ, 17 bị can. Lực lượng Cảnh sát đường thủy các địa phương đã phát hiện, bắt giữ 130 vụ việc với 134 đối tượng, 16 vụ, 22 đối tượng bị chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố. Điển hình như vụ đấu tranh triệt phá đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trên tuyến đường thủy từ Hải Phòng sang Trung Quốc, các lực lượng chức năng đã bắt giữ tàu HN1045 vận chuyển 1.840 tấn quặng sắt ron không có hóa đơn chứng từ trị giá khoảng 3 tỷ đồng.

Lực lượng công an bắt quả tang một tàu khai thác cát trái phép.
Nhận định trong thời gian tới, tình hình trật tự xã hội trên đường thủy còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động buôn lậu, buôn bán và vận chuyển than, quặng, pháo nổ trái phép qua biên giới trên tuyến ven biển Đông Bắc; buôn lậu xăng, dầu, thuốc lá, rượu, hàng điện tử... trên tuyến đường thủy biên giới Tây Nam Bộ.
Liên quan đến tính chất manh động của các đối tượng tội phạm đường thủy, Trung tá Trần Văn Thành - Đội trưởng Đội Phòng ngừa Đấu tranh chống tội phạm trên đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, các băng nhóm tội phạm còn móc nối với các phương tiện thủy vận chuyển hàng ngoại, hàng lậu, trốn thuế bằng cách thả hàng xuống đoạn sông vắng để đồng bọn vớt lên tiêu thụ. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá ngoại nhập trên một số tuyến kênh rạch giáp ranh giữa Long An và TP.HCM liên kết thành băng nhóm, hoạt động có tổ chức và sẵn sàng sử dụng hung khí chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các đối tượng lợi dụng tàu viễn dương để vận chuyển ma túy, chất gây nghiện từ nước ngoài về TP.HCM và ngược lại.
Tội phạm đường thủy đang là vấn đề nóng. Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song do đặc thù địa hình sông nước, lực lượng chức năng mỏng, phương tiện kỹ thuật tàu thuyền còn hạn chế nên cuộc chiến chống tội phạm trên tuyến đường thủy vẫn còn nhiều cam go và thách thức.
Tuấn Dũng