Mã thầy rất được ưa chuộng nhờ vị ngọt mát, thanh thanh khiến người thưởng thức có cảm giác tiêu khoái, nhất là trong tiết se se lạnh, hanh háo. Cắn một miếng mã thầy không chỉ sướng khoái vì ngon mắt, ngon miệng mà còn ngon tai vì cái sự giòn sừn sựt của loại củ này. Nếu chấm thêm chút muối ớt thì càng khoái miệng hơn nữa. Do các đặc điểm trên, mã thầy là món ăn vặt phổ biến của các bạn trẻ.
Đông y cho rằng , củ mã thầy có vị ngọt, tính hàn, có công năng ích khí, an trung, khai vị, tiết thực, chữa được nhiều bệnh do nhiệt, vàng da hay tỳ vị hư hàn. Người ta sử dụng mã thầy dưới dạng thức ăn- vị thuốc trị đau bụng khó tiêu, giải rượu…
Tại chùa Hương, mã thầy được bày bán rất nhiều, người mua cũng khá đông. Mua ăn trên đường vào chùa, mua mang về làm quà … Giá cả cũng không hề đắt so với nơi khác. Khoảng 20-25 nghìn đồng /kg.
Khi được hỏi nguồn gốc của loại củ này, người bán ậm ờ: “Ở đây chứ ở đâu!”. Có người “thật thà” hơn thì lắc đầu: “Không biết”.
Sự thật thì mã thầy được bày bán tại chùa Hương đều nhập từ Trung Quốc. Mã thầy được đóng trong bao tải lớn, có nhãn mác tiếng Trung “đàng hoàng”.
Điều đáng nói hơn là, để mã thầy không bị khô, luôn luôn no mọng, bắt mắt đảm bảo độ giòn, mát, nhiều nước khoái khẩu, người bán ở chùa Hương thường ngâm mã thầy trong nước. Người ta ngâm cả bao tải củ mã thầy dưới suối Yến, ngay tại bến, chỗ cập thuyền, lên bến của du khách.
Theo nghiên cứu, trong mã thầy có 68,52% nước; 18,75% tinh bột; 2,25% protein, 0,19% lipid; đường; pectin; các muối calci, phospho, sắt; các vitamin A, B1, B2, C... và một hoạt chất gọi là puchiin có tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp và phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Tuy nhiên, với cách bảo quản, bổ sung nước và “dưỡng chất” kiểu này của người bán ở chùa Hương, khó có thể nói trong củ mã thầy đến tay người dùng còn có những chất gì khác.