“Ma mới” bắt nạt “ma cũ”?

14-05-2013 10:17 | Văn hóa – Giải trí
google news

Không chỉ khán giả mà ngay cả các nhà làm phim kinh dị cũng mong muốn làm phong phú hơn các đề tài họ lựa chọn.

Không chỉ khán giả mà ngay cả các nhà làm phim kinh dị cũng mong muốn làm phong phú hơn các đề tài họ lựa chọn. Hình ảnh và ý tưởng của thể loại xác sống đã rất thành công ở thị trường phim kinh dị quốc tế nên việc thâm nhập vào thị trường phim Việt chỉ là vấn đề sớm hay muộn.

Vài năm trở lại đây, phim kinh dị khai thác đề tài xác sống (zombie) rất thu hút khán giả, tuy nhiên, đó là những sản phẩm của nước ngoài. Các nhà làm phim Việt chưa bao giờ trải nghiệm với xác sống để thay đổi “gia vị” cho thể loại kinh dị. Trong khi đó, những bộ phim kinh dị “made in Vietnam” được sản xuất gần đây liên tục cho khán giả thấy điểm yếu của mình: thất bại trong việc... dọa khán giả. Thậm chí, khi truyền thông vào cuộc, họ còn có hẳn những cuộc bình chọn nhằm chế giễu các nhà làm phim, ví dụ như, “Điểm mặt phim kinh dị Việt Nam dọa được... khán giả”, tất nhiên, những đầu phim được “liệt” vào danh sách này cũng chỉ lác đác.

Đã đến lúc các nhà làm phim cần thay đổi cách khai thác, cách nhìn về dòng phim đặc biệt này. Nhưng cái giá của sự thay đổi không đơn giản chút nào, khi mà cứ nhắc đến “cải tổ” là vấn đề khó khăn kinh phí lại “lộ diện”. Thay vì mất công sáng tạo và đầu tư từ đầu, các nhà làm phim Việt đã nghĩ ra một “công nghệ” vừa nhanh vừa hiệu quả mà lại đáp ứng được mong mỏi của khán giả.

“Ma mới” bắt nạt “ma cũ”? 1
 Cảnh trong phim Xác sống.

Chuyển thể... cho nhanh!

Ngay từ lúc này, khán giả đã có thể ngóng những sản phẩm phim kinh dị về đề tài xác sống do các nhà làm phim Việt Nam sản xuất. Sáng kiến chuyển thể phim kinh dị xem ra khá hợp lý trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, không những đuổi kịp trào lưu quốc tế mà còn có khả năng thay đổi hoàn toàn cái nhìn của khán giả về phim kinh dị Việt trước đây, các nhà làm phim còn hy vọng, “ma mới” sẽ bắt nạt được “ma cũ” khi mà công nghệ sản xuất thay đổi hoàn toàn, từ hù dọa khán giả bằng những “con ma” rách rưới bình thường chuyển sang hình ảnh những “xác sống” vô cùng sinh động.

Một trong những sản phẩm phim kinh dị chuyển thể được khán giả chú ý gần đây chính là dự án của đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức. Anh từng du học điện ảnh tại Mỹ. Năm 2012, anh trở về Việt Nam và thực hiện phim ngắn Một ngày để thử nghiệm việc hóa trang xác sống và đoạt giải sản xuất trong tiệc phim YxineFF. Tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 2 (2012), Xác sống đã giành được giải Dự án và gây ấn tượng lớn với nhiều nhà làm phim. Đây cũng chính là sự động viên tinh thần để Nguyễn Vũ Minh Đức thêm một lần nữa trải nghiệm đề tài xác sống mà anh cùng êkíp đang thực hiện.

Bối cảnh của bộ phim diễn ra tại Sài Gòn, 3 tháng sau một trận dịch bệnh kỳ lạ bùng nổ, thành phố với hơn 8 triệu dân nay chỉ là bãi hoang địa của những thây ma và sự chết chóc. Số ít người còn lại trong thành phố, nếu không biến chất thì cũng đã mất hết mục đích sống. Trong đó có Phong, một thanh niên trẻ đầy đam mê, nay chỉ sống dật dờ, sống chỉ để chờ ngày chết. Cho tới khi Phong gặp Mai, một cô gái có vẻ ngoài yếu đuối nhưng tràn đầy sức sống mãnh liệt, mọi thứ đã thay đổi. Cô gái mang trong người một gen hiếm, có khả năng chống lại virut xác sống. Cả hai bắt đầu cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm trong thành phố hoang tàn, đối đầu với xác sống man rợ và những con người biến chất...

Chia sẻ cảm giác khi đóng phim cùng những zombie Việt, một nữ diễn viên cho biết cô đã xem phim Xác sống của Mỹ. Nhưng khi chạm trán với một zombie trên phim trường, ban đầu cô đã rất sợ hãi và... bỏ chạy thục mạng. Hiện tại, dự án Xác sống đang trong giai đoạn thử nghiệm ghi hình, hóa trang và tiếp tục kêu gọi đầu tư. Nếu thành công, đây sẽ là bộ phim điện ảnh với đề tài thây ma đầu tiên tại Việt Nam.

Dễ hút khán giả, nhưng...

Dự án phim Xác sống chưa trở thành một sản phẩm tròn trịa để khán giả bình phẩm, có lẽ quá sớm để nói rằng nó sẽ thành công hay thất bại, nhưng nếu nhìn vào thực tế của thị trường phim Việt hiện nay, khi mà người ta luôn có thói quen vồ vập những yếu tố mới mẻ nhưng cũng nhanh chán nếu sản phẩm đó thiếu sự đầu tư về chiều sâu. Ngay cả một số bộ phim Hollywood khi du nhập vào các rạp chiếu phim Việt Nam cũng nhận nhiều phản hồi tiêu cực vì kịch bản hời hợt và thiếu sáng tạo. Trong khi đó, phim của ta không thể “đọ” với Hollywood về công nghệ và rất nhiều yếu tố khác. Việc “canh chừng” thất bại thảm hại là điều mà các nhà làm phim Việt nên để ý, nhất là khi họ quyết định trải nghiệm với đề tài mới.

Hạnh Mai


Ý kiến của bạn