Hà Nội

Mã độc điện thoại âm thầm “móc túi” người dùng

27-11-2015 01:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Dư luận xã hội đang giật mình trước thông tin những chiếc điện thoại di động giá rẻ “Made in China” có thể khiến người dùng bị mất tiền trong tài khoản mà không hay biết.

Dư luận xã hội đang giật mình trước thông tin những chiếc điện thoại di động giá rẻ “Made in China” có thể khiến người dùng bị mất tiền trong tài khoản mà không hay biết. Mới đây nhất, hãng bảo mật toàn cầu Cheetah Mobile (CM) đã đưa một thông tin gây hoang mang cho người dùng khi có tới 17.200 thiết bị Android giá rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc vừa bị phát hiện đã cài sẵn mã độc, ảnh hưởng đến người dùng tại hơn 153 quốc gia, trong đó có Việt Nam.  

Tài khoản cứ âm thầm mất tiền

Theo CM, các thiết bị Android bị phát hiện có mã độc lần này chủ yếu của các nhà sản xuất chưa có tên tuổi, thương hiệu (chỉ có một số ít các nhà sản xuất đã từng được người tiêu dùng Việt Nam biết đến như: SoftWinners, Advance, Rockchip, Jointnet, SW, Wondermedia, MID-1013D...). CM cũng liệt kê tên một vài mẫu máy cụ thể như: JYJ 7 pollici, JEJA 7 zoll, Tagital T10, Yuntab SZ ware...

Mã độc điện thoại âm thầm “móc túi” người dùng

Người tiêu dùng cần cảnh giác với những tin nhắn từ đầu số lạ để tránh bị mất tiền.

Liên quan đến vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm này, mới đây, Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã phát hiện và xử lý Công ty TNHH đầu tư Vinamob câu kết với 3 công ty tại Trung Quốc, cung cấp dịch vụ nội dung thông qua việc cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin đến đầu số 8x61 trên các máy điện thoại của Trung Quốc. Theo Thanh tra Sở TT&TT, sau khi Vinamob ký kết hợp đồng, đối tác của công ty này đã thiết lập hệ thống thiết bị máy chủ đặt tại Trung Quốc để kết nối với hệ thống máy chủ của Công ty Vinamob (đặt tại Việt Nam) phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ. Với phương thức cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin trên máy điện thoại sản xuất ở Trung Quốc và ẩn toàn bộ thông tin mà người dùng có thể nhận biết được (không lưu lại tin nhắn đi-đến), máy điện thoại của người dùng sẽ tự động nhắn tin đến đầu số 8x61 mà chủ thuê bao không hề hay biết. Sau đó, hệ thống của các nhà mạng sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của người dùng.

Theo số liệu ban đầu, trong 1 năm, từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2015, điện thoại của những nạn nhân của Vinamob đã tự động gửi hơn 673.000 tin nhắn đến đầu số tính phí, đem về cho công ty này lợi nhuận bất chính tới 2,67 tỷ đồng, một số tiền quá lớn so với giá bán chiếc điện thoại. Điều đáng nói là, hầu hết đối tượng sử dụng chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp, công nhân... Người mua vốn eo hẹp tiền bạc, chỉ nhìn thấy điện thoại “đẹp mã”, nhiều tính năng, giá rẻ là mua, chẳng cần biết xuất xứ từ đâu, được cài đặt những gì bên trong.

Hết sức cảnh giác

Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội cho hay, hầu hết khách hàng sử dụng dịch vụ của đầu số 8x61 đều ở vùng sâu, vùng xa. Khách hàng khi được hỏi đều cho biết không sử dụng dịch vụ của đầu số 8x61 nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản. Những khách hàng này đã bị mất khoản tiền không nhỏ do điện thoại bị cài sẵn mã độc. Hoạt động cài đặt sẵn mã lệnh nhắn tin, tự động trừ tiền trong tài khoản người dùng được thực hiện với thủ đoạn tinh vi, gây mất niềm tin đối với dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển của Công ty CP Bkav cho biết, các dòng điện thoại vừa bị phát hiện cài mã độc chủ yếu là điện thoại thế hệ cũ, phần mềm an ninh mạng không có sẵn nên khó phát hiện. Mặc dù vậy, việc cài đặt mã độc thao tác đơn giản như cài phần mềm, không tốn chi phí nên nếu nhà sản xuất cố tình cài mã độc đối với các dòng máy cũ này, người dùng phải kiểm tra tài khoản mới phát hiện được.

Ghi nhận thị trường cho thấy, những dòng điện thoại giá rẻ bị dính mã độc như CM nêu trên được đưa vào thị trường Việt Nam chủ yếu qua đường xách tay. Những nhà bán lẻ uy tín tại Hà Nội không kinh doanh sản phẩm này. Mặc dù vậy, vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ lộ, lọt thông tin, mất cắp dữ liệu, tiền trong tài khoản từ các thiết bị di động xuất xứ từ Trung Quốc. Cách đây hơn 1 năm, điện thoại Ciao Mi của Trung Quốc cũng bị phát hiện cài đặt phần mềm gián điệp và được bán rộng rãi tại thị trường Việt Nam.

Hiểm họa từ mã độc đã được minh chứng bằng con số 2,67 tỷ đồng mà Công ty TNHH đầu tư Vinamob (Hà Nội) âm thầm ăn trộm từ người dùng điện thoại giá rẻ tại Việt Nam thời gian vừa qua. Trước thực trạng này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng phải nhanh chóng vào cuộc trong việc giám định mã nguồn phần điện thoại di động nhập vào Việt Nam, bảo vệ cho người tiêu dùng không phải “tiền mất, tật mang”. 

Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính Công ty Vinamob tổng số tiền xử phạt là 50 triệu đồng; đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua đầu số 8x61 trong thời gian 2 tháng; buộc hoàn trả lại số tiền đã thu của người dùng đối với mã lệnh người dùng không nhận được dịch vụ.

  Linh Anh

 


Ý kiến của bạn