Lý Sơn biển hát

05-10-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Lý Sơn xưa có những dấu chân cha ông từ nghìn xưa đi mở cõi, nay có những lớp người thay nhau giữ đảo, bám biển.

 Là huyện đảo nhưng Lý Sơn giống như mọi làng quê của nông thôn Việt Nam, dù thiếu những rặng tre, ngọn đa nhưng thay vào đó là những cây bàng vuông, những cây bồ đề xanh mướt bình yên khắp đảo. Tôi chậm rãi cảm nhận tình yêu của mình với hòn đảo thanh bình này qua những người mà tôi đã gặp, qua những bình minh trên biển và mỗi hoàng hôn trên từng ruộng tỏi.

Những khúc ca của biển

Cách đất liền khoảng 15 hải lý, Lý Sơn (cù lao Ré xưa) là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc luôn thanh bình, yên ả dẫu những con sóng dữ ngoài đảo xa không nguôi dọa dẫm. Từ đảo Lý Sơn lớn đến Lý Sơn bé, tên các xã hành chính đều gợi lên sự an yên: An Vĩnh, An Hải và An Bình. Người Lý Sơn bám đảo, bám biển, người đến Lý Sơn vì mến yêu mà ở lại gắn bó. Lớp lớp ngư dân vươn khơi bám biển bởi biển ấy là biển bạc cho cuộc sống đủ đầy, là máu thịt quê hương luôn da diết trong mỗi lồng ngực vạm vỡ, căng tràn.

Người dân Lý Sơn chờ đón km cáp ngầm cuối cùng được kéo vào đảo.

Người dân Lý Sơn chờ đón km cáp ngầm cuối cùng được kéo vào đảo.

Đến Lý Sơn vào một ngày thu, cảm nhận hòn đảo như một làng quê thanh bình của nông thôn Việt Nam. Được ngồi ăn bữa cơm tối trong sân nhà ngan ngát hương hoa, ngắm ánh trăng rằm Trung thu đầy đặn, hòa mình vào điệu múa lân của bọn trẻ, trò chuyện cùng những người mình yêu mến trong hơi mát dịu lạnh của biển, thấy mình như đang mơ. Những câu chuyện bám biển, bám đảo của bà con, của những ngư dân đầy quả cảm là minh chứng cho những khúc tráng ca của biển rất đời thường, không triết lý, không sách vở.

Không có vẻ ồn ào mà cũng không mang vẻ cô quạnh, thâm trầm, Lý Sơn có một dòng chảy nhộn nhịp. Hòn đảo được hình thành cách đây khoảng 25 - 30 triệu năm mà vẫn mang dáng vẻ của những chàng trai, cô gái căng tràn sức sống. Người dân sống trên hòn đảo, quanh năm đón nắng, đón gió biển nhưng có một điều rất khác lạ là không mang đặc trưng ăn sóng nói gió của người miền biển nói chung. Người Lý Sơn điềm đạm, khiêm tốn, chân thành, vẻ đẹp mặn mòi toát lên từ ánh mắt trong veo, đen láy của trẻ thơ, của nét dịu dàng thiếu nữ đến nước da người trai biển sậm màu nắng. Cảnh đẹp nơi đây được thiên nhiên ban tặng, bốn bề là biển bao la với những ngọn núi là chứng tích núi lửa phun trào, là những ngôi chùa cổ kính, những con tàu chờ ngày ra khơi, những chiếc thuyền thúng lơ đễnh trong ráng hoàng hôn, những ruộng tỏi trải dài dường như không biết đến sự hiện diện của cuộc sống đô thị...

Xa xưa, những hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải, dưới thời chúa Nguyễn và tiếp sau đó là triều đại nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Và nay, trong huyết quản của các thế hệ ngư dân cũng mang một sứ mệnh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Sóng gió, bão tố không làm những người dân biển nao núng, sợ hãi. Sinh ra từ biển đảo, cớ gì mà những lớp trai tráng lại không đi về phía biển. Trong những người mà tôi đã gặp trên đảo có ngư dân Dương Văn Giàu, 39 tuổi nhưng anh đã có 23 năm bám biển, 21 năm kinh nghiệm làm tài công. Tàu của anh đã không ít lần bị tàu hải giám Trung Quốc đe dọa, xua đuổi và mới đây nhất khi anh cùng các thuyền viên đang ở ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam khai thác hải sản thì bị tàu Trung Quốc khống chế, đập phá các thiết bị trên tàu và cướp đi khoảng 400 con hải sâm. Nguy hiểm vậy, anh có ngại đi biển nữa không? Người thuyền trưởng có nét điển trai như một nghệ sĩ hơn là một ngư dân điềm đạm trả lời, có chứ, biển cũng như là nhà của mình vậy. Chuyến này ở nhà lâu thấy nhớ biển lắm rồi. Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng mình và anh em phải đi chứ, đó là vì cuộc sống của gia đình, vợ con và vì lòng tự hào dân tộc nữa.

Trong câu chuyện, anh kể nhiều về gia đình, đặc biệt là cô con gái nhỏ, được gọi bằng cái tên trìu mến là cô bé Biển Đông. Trước mỗi chuyến cha đi biển, cô bé nghẹn ngào kêu nhớ cha, anh bảo: Nhớ làm chi, cha đi biển còn lâu mới về, nhớ cha thì ráng học giỏi. Nói vậy thôi nhưng ngoài tình yêu biển thì vợ con luôn là nỗi nhớ thương mỗi chuyến biển xa. Được biết anh Dương Văn Giàu là một trong những tài công giỏi, tàu của anh thường đạt sản lượng khai thác hải sản cao nhất nhì đảo, sau mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng một tháng, mỗi thành viên thu nhập khoảng 15 triệu đồng.

Tôi cũng may mắn được gặp những người con Lý Sơn như Phó Chủ tịch huyện đảo Phạm Thị Hương, nhà báo Văn Mịnh, các anh chị đều đã đi học ở Thủ đô, ở TP. Hồ Chí Minh, đi qua nhiều tỉnh thành nhưng vẫn chọn trở về đảo quê hương để chung tay, góp phần xây dựng một Lý Sơn ngày càng phát triển. Tôi đã gặp ở đó những người chiến sĩ hải quân xa nhà, xa vợ con để gắn bó với đảo, với mắt biển của Tổ quốc như Trạm trưởng Trạm Rada C18 - Thiếu tá Nguyễn Xuân Long; Trạm phó Trường hay Trung úy Dũng đưa vợ con từ quê nhà ra đảo sinh sống, bọn trẻ con giờ là những công dân chính thức của huyện đảo Lý Sơn này.

Cứ thế, cùng mỗi bình minh thanh khiết trên biển, đất và người Lý Sơn dạt dào sức sống cùng viết nên những khúc ca không lời.

Bến cảng ở đảo Bé.

Bến cảng ở đảo Bé.

Đất liền với biển đảo

Trong những ngày ở Lý Sơn, tôi được vui chung niềm vui của cán bộ, nhân dân trên đảo khi km cáp ngầm cuối cùng đã được kéo vào đảo. Bao đời nay, người dân Lý Sơn mong chờ nguồn điện lưới quốc gia và giờ, niềm mong mỏi ấy đã thành hiện thực, Lý Sơn đã bừng sáng lung linh.

Mới đây, Tổng biên tập Báo Sức khỏe&Đời sống đã trao cho Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Lý Sơn món quà của báo SK&ĐS và Công ty Ajinomoto Việt Nam bộ trang thiết bị y tế là đèn mổ di động và các máy ôxy tạo khí trời. Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn rất xúc động trước những nỗ lực khắc phục khó khăn, thiếu thốn của đội ngũ y bác sĩ nơi đây và mong rằng trang thiết bị được trao tặng này sẽ góp một phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho quân, dân trên đảo và những ngư dân, những cột mốc sống trên biển. Nhiều món quà đã đến với hòn đảo tiền tiêu như tấm lòng của đất liền với biển đảo mà trong đó món quà đặc biệt đã đến với người dân Lý Sơn vào ngày 28/9 tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các bộ, ban ngành đã chính thức bật cầu dao, đóng điện bằng hệ thống cáp ngầm cho đảo Lý Sơn trong niềm hân hoan vui sướng của nhân dân trên đảo.

Điện về, Lý Sơn sẽ phát triển nhanh và bền vững nhưng người Lý Sơn cũng có những trăn trở sợ sau này vắng dần những lớp ngư dân vươn khơi bám biển khi mà nhiều gia đình trên đảo có tâm lý đầu tư cho con em học hành để sau này khỏi vất vả đi biển.

Với chủ trương phát triển khai thác, đánh bắt hải sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn thì việc đầu tư quy mô, hiện đại hóa tàu cá, tổ chức sản xuất cũng như bảo vệ quyền lợi cho những người bám biển sẽ thu hút nhiều người gắn bó với nghề. Khuyến khích và có chế độ đãi ngộ con em trên đảo học các ngành nghề như nuôi trồng thủy sản, kỹ sư hàng hải, du lịch và mang những kiến thức ấy về xây dựng huyện đảo.

Có điện lưới quốc gia, huyện đảo sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là về tiềm năng du lịch chắc chắn sẽ trở thành ngành mũi nhọn trong một tương lai rất gần. Một Lý Sơn được thiên nhiên ưu đãi về cảnh vật, sản vật, con người hiền hòa ngày càng được lôi cuốn du khách đến tham quan. Việc xây dựng một đề án du lịch cho nơi đây cần thực sự bài bản, thu hút đầu tư đón khách nhưng cũng phải nhanh chóng có kế hoạch bảo vệ và giữ gìn cảnh quan hòn đảo. Có vẻ đẹp nào mà bền lâu mãi khi con người không có ý thức bảo vệ, giữ gìn. Du khách đến sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nếu ngay từ đầu chính quyền địa phương không quyết liệt trong bảo vệ môi trường. Nhiều người lo lắng sợ một ngày dòng nước trong xanh ngăn ngắt kia phải kéo theo những rều rác mà con người thải ra. Họ cũng sợ một ngày Lý Sơn hòa mình lẫn vào giữa những khu du lịch ồn ào, giữa những ánh đèn nhấp nháy xanh đỏ mà làm mất đi vẻ đẹp quyến rũ của riêng mình. Vì thế, người đất liền hãy chung tay giữ vẻ đẹp biển đảo quê hương để biển xanh mãi hát những lời yêu thương, để biển luôn hát tình ca và kể chuyện quê hương mình...

Bài và ảnh: Vân Chi

 


Ý kiến của bạn