Hà Nội

Kiết lỵ: Nguyên nhân, triệu chứng và đường lây truyền

20-03-2024 06:39 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lỵ hay kiết lỵ là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây tổn thương ruột già và đoạn cuối ruột non. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa hè và mùa mưa lũ. Bệnh có nguy cơ lây cao ở những vùng không được dùng nguồn nước sạch và trẻ em do chưa có ý thức về vệ sinh.

  1. Nguyên nhân gây bệnh lỵ

Do vi khuẩn shigella, có 4 chủng:

- Chủng Shigella dysenterias - nhóm A,

- Chủng S.flexneri - nhóm B,

- Chủng S.boydii - nhóm C,

- Chủng S.sonnei - nhóm D,

Vi khuẩn dài, hình que ngắn (nên gọi trực trùng), gram (-), không di động. Dễ nuôi trong môi trường thạch ở nhiệt độ 37 độ. Trực khuẩn lỵ có thể sống ở đất được vài tháng, ở ruồi nhặng 2 - 3 ngày, ở đồ chơi, đồ dùng, giường chiếu được vài ngày, ở sữa và chế phẩm của sữa còn có khả năng phát triển mạnh hơn.

Vi khuẩn gây bệnh kiết lỵ dễ bị chết nếu phơi ở ánh nắng mặt trời, nếu đun sôi sẽ chết trong 10 phút. Vi khuẩn lỵ có khả năng sinh sôi và gây bệnh rất mạnh. Chỉ cần 10 - 100 trực khuẩn là có thể gây bệnh ở người.

Tất cả các chủng lỵ đều có nội độc tố, riêng Sh. Dysenteriae có thêm ngoại độc tố. Shigella Dysenterriae có 10 type huyết thanh, trong Shgella Dysenteriae type 1 (còn gọi là trực khuẩn Shiga) là type cần được chú ý nhất vì:

+ Sh. Shiga thường gây nên những vụ dịch lớn và kéo dài.

+ Sh. Shiga kháng thuốc phổ biến hơn các chủng khác.

+ Sh. Shiga thường gây bệnh nặng hơn, kéo dài hơn tỷ lệ tử vong cao hơn các type khác.

- Trực khuẩn Shgella tồn tại trong nước ngọt, rau sống, thức ăn từ 7 -10 ngày ở nhiệt độ phòng, ở đồ vải bẩn trong đất tới 6 -7 tuần. Tuy vậy, lại bị tiêu diệt nhanh trong nước sôi, ánh sáng mặt trời và các dung dịch sát khuẩn thông thường.

Kiết lỵ:  Nguyên nhân, triệu chứng và đường lây truyền- Ảnh 1.

Shigella Dysenterriae gây bệnh lỵ

Do vệ sinh kém như:

- Thực phẩm bị ô nhiễm;

- Nước bị ô nhiễm và đồ uống khác;

- Người bị nhiễm bệnh không rửa tay hoặc chưa sạch;

- Bơi trong nước bị ô nhiễm, chẳng hạn như hồ hoặc bể bơi;

- Tiếp xúc cơ thể với người bị bệnh.

2. Bệnh kiết lỵ lây như thế nào?

Ai cũng có thể mắc bệnh lỵ, ở mọi lứa tuổi, bệnh dễ dàng lây lan qua tiếp xúc giữa người với người và qua đồ ăn thức uống bị ô nhiễm. Shigellosis chủ yếu lây lan ở những người tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.

Trực khuẩn lỵ từ miệng qua dạ dày, tại đây một số bị diệt bởi dịch vị, số còn lại qua ruột non đến ruột già bám dính vào niêm mạc, xâm nhập qua niêm mạc và gây bệnh. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh. Trẻ em nhất là trẻ suy dinh dưỡng nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Thông thường, có 2 phương thức lây truyền:

Lây trực tiếp: là lây từ người bị bệnh sang người lành hoặc do tay bị nhiễm khuẩn. Những người có nguy cơ lây cao như không rửa tay sau khi đi ngoài, để móng tay dài, không rửa tay trước khi ăn.

Lay truyền gián tiếp: Yếu tố lây nhiễm qua trung gian như đồ dùng chung, thực phẩm, nước uống (hay tắm ao hồ nhiễm trực khuẩn), ruồi nhặng...

3. Biểu hiện triệu chứng của bệnh kiết lỵ

Sau thời kỳ ủ bệnh từ 12 đến 96 giờ, bệnh lỵ thường có các triệu chứng sau:

- Nếu nhẹ, đau bụng từng cơn, buồn đi đại tiện (lúc đầu phân lỏng về sau nhớt nhầy, mủ) 10 - 15 lần/ngày. Nặng thì có biểu hiện đau quặn bụng từng cơn, mót rặn dữ dội. Nếu ở trẻ thì sẽ khóc từng cơn khi đi đại tiện, phân lỏng, đi nhiều lần, số lượng ít, phân có nhầy, có khi phân toàn máu "như nước rửa thịt" hoặc màu "máu cá". Có trường hợp đại tiện khi phân nhầy như mủ và rất tanh.

- Có sốt, nhẹ thì 38 - 39 độ C, nặng thì 40 - 41độ C, có khi sốt cao gây co giật.

Biểu hiện khác: tăng urê huyết, hạ natri và đường huyết, bất thường ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tri giác, tư thế bất thường...).

Ít phổ biến hơn có thể gặp viêm khớp phản ứng, đau nhức toàn thân, nước tiểu có albumin. Có thể có sốc, hôn mê (đặc biệt trong thể lỵ nhiễm độc do S. shigae).

Kiết lỵ:  Nguyên nhân, triệu chứng và đường lây truyền- Ảnh 2.

Rửa tay đúng cách và thường xuyên để phòng bệnh kiết lỵ.

4. Phòng ngừa bệnh kiết lỵ

Để phòng ngừa bệnh kiết lỵ cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng, tập thói quen sinh hoạt lành mạnh.

- Xử lý phân và chất thải hợp vệ sinh.

- Diệt ruồi nhặng, giữ cho môi trường sống luôn sạch sẽ.

- Cẩn thận khi thay tã cho trẻ nhiễm khuẩn kiết lỵ.

- Hạn chế hoặc không ăn các thực phẩm hàng rong.

- Uống nước đóng chai, nước máy đã được đun sôi để nguội.

Nên cẩn thận về những gì ăn và uống khi đến thăm một khu vực mà bệnh này thường xảy ra. Khi đến những khu vực này nên tránh:

  • Đồ uống với đá viên;
  • Đồ uống không đóng chai và niêm phong;
  • Thực phẩm và đồ uống được bán bởi những người bán hàng rong;
  • Trái cây hoặc rau gọt vỏ, trừ khi bạn tự gọt vỏ;
  • Sữa chưa tiệt trùng.

5. Điều trị bệnh kiết lỵ

Điều trị lỵ trực khuẩn phải toàn diện, kết hợp điều trị kháng sinh với điều trị triệu chứng, điều trị biến chứng, chế độ dinh dưỡng và khử trùng, tẩy uế chất thải của bệnh nhân.

Điều trị triệu chứng kiết lỵ

  • Chống mất nước người bệnh cần uống bù điện giải:

+ Mất nước nhẹ: uống ORESOL hoặc nước cháo muối, nước sữa chua…

+ Mất nước vừa và nặng: Kết hợp uống ORESOL( nếu không nôn ) và truyền tĩnh mạch các dung dịch đẳng trương.

  • Hạ sốt, chống co giật: bằng chườm ấm, uống Paracetmol, Seduxen.
  • Chống đau bụng:

+ Chườm ấm vùng đau.

+ Uống Benladon hoặc tiêm Atropin.

+ Không nên dùng các thuốc có chế phẩm thuốc phiện (như viên rửa, Opiroic…) để cầm đi ngoài và chống đau vì làm chậm thải trừ vi trùng nên kéo dài thời gian bị bệnh.

- Ngoài ra có thể dùng vitamin nhóm B, vitamin C.

Thuốc kháng sinh

Những năm gần đây, trực trùng lỵ nói chung và đặc biệt là chủng Sh. Shiga nói riêng đã kháng với hầu hết các kháng sinh dùng trước đây. Do vậy việc lựa chọn kháng sinh thích hợp phải dựa vào kết quả kháng sinh đồ với chủng lỵ phân lập được tại nơi dịch xảy ra hoặc kết quả mới nhất về tính nhạy cảm của các chủng lỵ.

Những thuốc khuyên nên dùng để điều trị lỵ trực khuẩn hiện nay của Tổ chức Y tế thế giới là:

+ Ampixilin.

+ Cotrimoxazon.

+ Ciprofloxacin (không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi).

- Các thuốc đông y có thể dùng để điều trị cá thể lỵ trực khuẩn nhẹ và vừa như: Becberin, hoàng đằng, lá mơ tam thể + trứng gà.

Thức ăn nên tránh khi bị kiết lỵThức ăn nên tránh khi bị kiết lỵ

SKĐS - Tôi 39 tuổi, gần đây thỉnh thoảng rất hay bị đau bụng, đi ngoài, phân có dính máu. Đi khám bác sĩ bảo tôi bị kiết lỵ và cho đơn thuốc uống. Xin quý báo tư vấn thêm cho tôi chế độ ăn đối với người bị bệnh kiết lỵ.


BS. Nguyễn Thị Phương Anh
Ý kiến của bạn