Anh làm thơ rất sớm nhưng mãi đến năm 1966 mới xuất hiện trên văn đàn với chùm thơ hai bài Mẹ và Sư đoàn in đĩnh đạc trên báo Văn Nghệ. Chùm thơ hai bài này của anh được in tuyển trong “Thơ ba năm chống Mỹ cứu nước” do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, đã khẳng định vị thế của anh trong lớp nhà thơ chống Mỹ cứu nước, với những phong cách mới mẻ.
Những năm tháng đó, ròng rã mặt trận này mặt trận kia, khi ở hầm khi lên chốt, lúc vào trọng điểm, nhà thơ say mê viết hò, viết lý để anh em diễn viên trong đoàn văn công kịp thời phục vụ các chiến sĩ và đã cho anh bài thơ trữ tình đáng yêu mà nhiều độc giả đón nhận, bài thơ Lý ngựa ô ở hai miền đất.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (ngoài cùng, bên trái) cùng các cán bộ, BTV Tạp chí VNQĐ.
Năm 1972, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thuyên chuyển về biên tập thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hơn 10 năm biên tập, anh còn gìn giữ nhiều kỷ niệm buồn vui. Đấy là thời kỳ đất nước tưng bừng chuyển biến, đổi thay. Chiến tranh súng đạn ùng oàng đã yên ở các mặt trận. Người chiến sĩ lại lao vào xây dựng kiến thiết Tổ quốc, đời sống tinh thần được mở ra nhiều hướng đa dạng khác nhau. Biên tập viên còn có trách nhiệm phát hiện và cổ vũ các khuynh hướng sáng tác tích cực và hướng dẫn thẩm mỹ người đọc. Đấy là giai đoạn nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thấy mình rất vui khi nhận được bài vở anh em sáng tác khắp miền đất nước gửi về tạp chí. Tạp chí VNQĐ dạo đó mạnh dạn in giới thiệu các chùm thơ của các tác giả. Đấy là các chùm thơ của Xuân Quỳnh có bài Mẹ của anh..., chùm thơ của Nguyễn Duy có bài Tiếng tắc kè trong thành phố, và chùm thơ của Thanh Tùng với các bài Thời hoa đỏ, Viên gạch ở Hàng Thao, Ở nhà của mẹ...
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh còn nhớ như in việc đưa chùm thơ Thanh Tùng lên tạp chí. Ngày đó, anh đáp tàu hỏa xuống Hải Phòng, buổi tối ở nhà Thanh Tùng, nghe nhà thơ đọc hàng chục bài thơ mới sáng tác, Phạm Ngọc Cảnh phải thốt lên “Bài thơ Thời hoa đỏ của ông hay quá. Nhưng có lẽ chưa in được, ông chép cho tôi cầm về một chùm thơ khác đi”. Trong khi chờ chuyến tàu chuyển bánh, anh lại phân vân: Tại sao bài thơ hay thế mình lại không dám cầm về. Có xót xa, có mất mát đấy, nhưng vẫn là niềm tin yêu vào cuộc sống? Anh bỏ lỡ chuyến tàu đó, vội cuốc bộ trở về nhà Thanh Tùng, trước con mắt ngỡ ngàng của vợ chồng nhà thơ đất cảng. Nhờ cách đặt vấn đề khéo léo của anh, nhờ tầm nhìn thoáng và rộng của ban biên tập, chùm thơ Thanh Tùng xuất hiện trên tạp chí với bài thơ Thời hoa đỏ ngày đó, đã gây tiếng vang lớn trong công chúng. Nhiều chiến sĩ ở hải đảo xa xôi cũng gửi thư về tạp chí khen ngợi bài thơ này. Rồi bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, tiếp sức lan tỏa của bài thơ tới công chúng. Đến nay, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm sự ra đời của bài thơ này, bạn bè và nhà thơ Thanh Tùng lại rưng rưng cảm động trước tấm lòng chân tình của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.
Năm 1967, Nhà xuất bản Văn học xuất bản tập thơ “Gió vào trận bão” của ba nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú, Hoài Anh, gây xôn xao không khí thơ ca giai đoạn đầu chống Mỹ cứu nước. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh vẫn còn giữ mãi cảm xúc thiêng liêng khó tả khi anh nhận được tập sách mới in đó ở Dốc Chè (Trị Thiên Huế). Đấy là tập thơ mới in còn chưa kịp đóng chỉ và chưa có bìa sách do nhà thơ Chế Lan Viên nhờ đường dây giao liên từ Hà Nội gửi vào. Mặt trận còn nghi ngút lửa khói. Nhưng tâm hồn anh khi ấy thật thơ thới, bay bổng và nghẹn ngào. Tập thơ đầu tay, đứa con tinh thần của đời anh, chấn động đời anh và dắt anh đi suốt chặng đường sáng tạo đầy hạnh phúc và đầy khổ đau.
Sau này, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã là tác giả của 15 tập thơ, 3 tập bút ký và 600 lời bình cho phim. Còn phải kể nữa, anh cùng anh em đoàn văn công đã viết hàng nghìn lời bài hò, bài lý để phục vụ kịp thời cho các chiến sĩ trong chiến trường. Những con số không nhỏ, chứa đầy mồ hôi, nước mắt, nụ cười và cả máu của anh, của đồng đội anh.
Trong bài thơ Lý ngựa ô ở hai miền đất của anh, có câu thơ như vận vào đời anh “Lý ngựa ô hát đến mê người”. Niềm đam mê cái đẹp của thi ca đã nâng cao tâm hồn thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh.