10 năm về trước, cũng tại nơi này (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Hội nghị lý luận, phê bình văn học (LLPBVH) lần thứ I do Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) tổ chức đã diễn ra. Tiếp đến, năm 2006, Hội nghị lần thứ II đã tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng. So với 2 lần trước, Hội nghị lần III vừa diễn ra trong 2 ngày 4-5/6 với lượng đại biểu và khách mời đông hơn, 170 người, có 60 tham luận và 50 ý kiến phát biểu tại chỗ. Quan sát phần định lượng thấy dường như công tác LLPBVH càng ngày đông đúc và rầm rộ hơn. Nhưng xét về khía cạnh định tính, có nhiều vấn đề mới đã được đặt ra và cũng có những vấn đề cũ từ các lần Hội nghị trước vẫn còn tồn đọng.
Lực lượng đội ngũ làm LLPBVH
Hội nghị lần này với chủ đề: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận, phê bình trong tình hình hiện nay, không khí dân chủ, thẳng thắn là một trong những nét nổi bật. Giáo sư Phong Lê đã nhiều lần kêu gọi cần nhanh chóng, khẩn trương “chuyển giao thế hệ” giữa các nhà phê bình. Ở các Hội nghị của Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương (HĐLLPBVHNTTƯ) cũng như của Hội Nhà văn VN diễn ra cách đây nhiều năm, vấn đề này đã được ông đặt ra một cách riết róng. Thế nhưng, đã 10 năm trôi qua, mọi người vẫn thấy ông ngồi đấy và đăng đàn nhiều hơn. Có người bảo rằng, chính ông là người sợ phải chuyển giao nhất. Còn việc chuyển giao mà ông kêu gọi chỉ dành cho người khác.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN, trong bài phát biểu của mình đã nêu rõ, không nên phân chia thế hệ, trẻ hay già, nam hay nữ, vùng miền... mà nên hướng sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả của các công trình LLPBVH. Trước đó, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã đề cập vấn đề này theo hướng cần phải có đội ngũ làm LLPBVH chuyên nghiệp, chứ không thể dừng lại ở mức độ của những người làm LLPBVH “tay ngang”. Theo giáo sư, để phân biệt được đâu là chuyên nghiệp, đâu là “tay ngang” thì phải căn cứ vào sản phẩm anh ta làm ra chứ không căn cứ vào học hàm, học vị, tuổi tác, giới tính... Ông đưa ra một dẫn chứng khá thú vị và thuyết phục rằng có một vị giáo sư, tiến sĩ tham gia biên soạn sách giáo khoa có những cái “sai lè”, ông Đại gọi đó là người “tay ngang”. Vị giáo sư nọ gặp ông Đại nói: “Sao ông lại bảo tôi là “tay ngang”, tôi là giáo sư, tiến sĩ của một trường đại học lớn, nhiều năm làm công tác biên soạn sách giáo khoa cho bậc học phổ thông và đại học”. Ông Đại trả lời thẳng thắn: “Anh là ai tôi không quan tâm, chỉ biết những cuốn sách mà anh biên soạn như vậy đích thị là sản phẩm của những người “tay ngang”, còn những người chuyên nghiệp không bao giờ người ta làm như thế”.
Nói về chuyện thế hệ trẻ - già, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Phê bình là một khoa học và phê bình văn học dịch cũng là một khoa học. Đã có những bước tiến mới trong công việc nghiên cứu LLPB của lớp trẻ hôm nay. Hiện nay, chúng ta đã có một đội ngũ phê bình mới và khác, trẻ và sung sức với những kiến thức được trang bị một cách hệ thống, có những cách suy nghĩ, cách hiểu và cách viết của thế hệ mình, nhưng họ không có diễn đàn, không được lắng nghe và quan tâm.
Ngay sau đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN không ngần ngại giải đáp thắc mắc của ông Phạm Xuân Nguyên: “Sự hiện diện của các nhà phê bình trẻ trong Hội nghị này được trân trọng và đánh giá cao, vì thế, ban tổ chức dành một khoảng thời gian hợp lý để họ trình bày, nêu ý kiến của mình. Thời gian sẽ trôi đi và sắp xếp lại trật tự của nó, lớp trẻ sẽ thay thế lớp trước như một tất yếu, đó chính là thời gian tính. Và chúng ta vẫn đang lắng nghe, công nhận và trân trọng mọi ý kiến của lớp trẻ”.
Chất lượng và hiệu quả của LLPBVH
Đây dường như là vấn đề muôn thuở, khi mà LLPBVH đã có xu hướng ngày càng cách xa đời sống văn chương. Một số nhà LLPBVH gạo cội thì có thể vì lý do sức khỏe hoặc thấy viết cũng chẳng đem lại ích lợi gì cho mình và cho cộng đồng nên dần rút lui vào hậu trường. Một số khác lại chỉ quen viết theo lối áp đặt những cái mà mình biết cách đây nửa thế kỷ hoặc đem các chủ trương chính sách về văn hóa, văn nghệ, bắt bạn đọc chấp nhận một cách miễn cưỡng. Lối phê bình mang tính chất quan phương như thế, không chỉ các nhà sáng tác, mà ngay cả công chúng cũng rất khó chấp nhận.
Có thể nói, hiện tại, LLPBVH đang thiếu vắng trầm trọng những gương mặt dũng cảm dám xông thẳng vào những vấn đề gai góc mà đời sống văn chương đang đặt ra đối với cả những nhà sáng tác và công chúng tiếp nhận.
Còn các nhà phê bình trẻ tuy có lợi thế về ngoại ngữ, nhưng dường như họ lại bê nguyên xi các lý thuyết văn chương của nước ngoài vào điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam một cách vồ vập, trong khi căn nguyên, nguồn cội và bản sắc văn hóa Việt thì họ không mấy quan tâm. Bàn về vấn đề này, giáo sư Trần Đình Sử khẳng định: “Các lý thuyết văn học nước ngoài viết ra để cho người nước họ và thời của họ nên khi tiếp thu ta phải có cách làm sao cho phù hợp với điều kiện văn hóa Việt Nam. Ví dụ như việc tiếp thu các lý thuyết văn học hậu thực dân, chủ nghĩa hậu hiện đại, văn chương diễn trình, văn chương kỳ ảo, lý thuyết văn học nữ quyền... đều là của nước ngoài cả về môi trường xã hội cũng như những người sản sinh ra chúng. Đương nhiên ông cũng mạnh dạn đề xuất vấn đề có giải phóng cho văn học thì phê bình mới phát triển được. Người Việt Nam muốn dùng những tiến bộ của phương Tây phải qua cái đầu của chúng ta. Làm lý luận, phê bình của Việt Nam để nói về chính những vấn đề văn học Việt Nam. Làm được điều đó phải có một tinh thần mở, tiến bộ, phải giải phóng cho chính mình.
Đối với văn chương, tư tưởng thẩm mỹ có vai trò to lớn trong quá trình tạo nên những tác phẩm hay và có giá trị. Đã qua rồi cái thời người ta thường quan niệm rằng tư tưởng chỉ bó hẹp ở lĩnh vực chính trị hay đạo đức xã hội. Giáo sư Hạnh cho rằng: “… Trong văn chương, tư tưởng rất quan trọng, sáng tạo về tư tưởng là điều cực kỳ khó. Chức năng và nhiệm vụ của LLPBVH phải tham gia, xử lý những vấn đề văn học. Văn chương phải chú ý đến những vấn đề phức tạp, khác biệt và phong phú chứ không chỉ là sự thống nhất và ổn định. Làm LLPBVH theo thói quen nhắm vào hiện đại, vào phương Tây là chưa đủ và không ổn. Hãy chú ý đến những vấn đề văn hóa, lịch sử Việt Nam. Nên lập Hội những người làm LLPBVH như một phân hội nằm trong Hội Nhà văn”.
Trong phát biểu tổng kết, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định một số việc làm được như xét trao giải thưởng cho các nhà văn trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm: Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan...; “giải oan” cho Nguyễn Ngọc Tư (Đồng Tháp), Nguyễn Việt Chiến (Hà Nội), Đàm Chu Văn (Đồng Nai) khi có một số tổ chức, cá nhân đem mệnh lệnh hành chính ra để giải quyết những vấn riêng của văn chương. Điều ấy thể hiện tinh thần đúng đắn, kiên định của Hội Nhà văn VN.
Bên cạnh đó còn có những hạn chế như hiện nay, chúng ta đang thiếu bàn tay của một “nhạc trưởng” để hoạch định, điều hành các cơ quan chủ quản về công tác LLPBVH; phê bình không bao quát hết thực tiễn sáng tác; có một số ý kiến lạc chuẩn, lệch chuẩn chưa bị phê phán đúng mức. Lý luận được tiếp thu đa chiều nhưng chưa được thảo luận, tiếp thu đến nơi đến chốn; cơ chế chính sách đầu tư chưa xứng đáng; bồi dưỡng lực lượng phê bình trẻ chưa có chiến lược. Quan niệm phê bình không đi vào thực chất...
Đỗ Ngọc Yên