Ngày xửa ngày xưa, khi còn là một đứa bé con lúc nào cũng kỳ nèo bám chân mẹ, tôi đã biết đọc đồng dao theo lối dạy truyền miệng của bà nội. Chiều hè, bà bắc ghế ngồi hóng gió dưới giàn thiên ly, miệng bập chưa đỏ môi trầu, bà đã bắt đầu cất tiếng vè “Trên lưng cõng gạch/ Là họ nhà cua/ Nghiến răng gọi mưa/ Ấy là cụ cóc/ Thích ngồi cắn chắt/ Chuột nhắt, chuột đồng/ Rền rĩ kéo đàn/ Ðúng là anh dế/ ...” . Cứ thế, tôi lớn dần lên, và bao hiện tượng, sự vật kỳ thú của thiên nhiên đã ghi sâu trong ký ức tuổi thơ tôi qua những lời đồng dao ngộ nghĩnh ấy.
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh lo ngại về định hướng nhân cách cho con cái mình. Họ tham vấn chuyên gia, đọc sách về tâm lý giáo dục hoặc xin cho con được học tại trường tốt nhất. Nhưng có lẽ các vị phụ huynh trẻ đã quên mất một phương pháp giáo dục đầy hiệu quả mà bản thân họ cũng như tôi đã từng được ông bà, cha mẹ áp dụng: Ấy chính là những khúc đồng dao, phong dao hồn nhiên, phù hợp với tính cách và thế giới quan của tuổi thơ.
Chỉ cần mỗi người nỗ lực thêm một chút thôi, thì những đêm hè trăng sáng, tiếng trẻ nô đùa ríu ran hát đồng dao sẽ luôn tràn ngập trong mỗi con ngõ nhỏ…
Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài vè, các câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi,... Cả kho tàng phong phú ấy là phương tiện giáo dục trí, đức, thể, mỹ cho các em. Người xưa đã nhận thức được rằng, những khúc đồng dao mang tình cảm mến thương giữa ông bà, cha mẹ với con cái, rồi đến những con vật gần gũi với con người sẽ thông qua lời hát theo lối văn vần kiểu móc câu dễ thuộc mà truyền cho con trẻ tình yêu gia đình, tình yêu thiên nhiên nồng ấm. Nói đến tình cảm mẹ con thì có: Một ổ trứng tròn/ Nở đủ mười con/ Gà mẹ cục tác/ Gà con chạy về/ Diều hâu trên kia/ Đừng hòng bắt nạt... Với những em nhỏ yêu thích các loại chim thì đây, sẵn đã có lời để góp vào buổi chiều hè của em thêm rộn ràng: Chim ăn xó hè là chim lảnh lót/ Cầm sào mà vọt là con chim công/ Đỏ mỏ xanh long là con chim trĩ/ Đánh nhau binh vị là chim bò sau/ Có sách cầm màu là chim thầy bói... Điều thú vị ở bài đồng dao này là có những đặc điểm rất đúng, rất trúng với hình dáng, tính cách của từng loài chim, nhưng cũng có những ví von chỉ mang tính ước lệ kiểu như: Không ai cưới hỏi là con chim lông bông/ Ở góa không chồng là le te, hoành hoạch/ Dạ bền tơ sắt là con chim chìa vôi...
Ngày trước, mỗi khi theo ông vác cuốc thăm đồng, mấy đứa trẻ chúng tôi ngồi nhênh nhang trên bờ thửa, chụm đầu thi cào cào giã gạo. Miệng đứa nào đứa nấy giục giã: Cào cào giã gạo tao xem, tao may áo đỏ, áo đen cho mày. Lớn thêm chút nữa, vừa giúp mẹ chăn trâu cắt cỏ, chúng tôi được dạy cho các bài gọi nghé, gọi trâu của trẻ mục đồng,... tất cả đều toát lên một tình cảm yêu thiên nhiên, yêu lao động.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, mỗi lần đọc lại đồng dao, tôi vẫn thấy ở đó có một kho tàng tri thức ở dạng sơ khởi được trình bày liệt kê, dừng lại ở những nét bề ngoài dễ nhớ, dễ phân biệt, kích động trí tò mò ở trẻ. Với loài vật thì: Suốt đời chậm trễ/ Ấy họ nhà sên/ Đêm thắp đèn lên/ Là cô đom đóm/ Gọi người dậy sớm/ Chú gà trống choai/ Đánh hơi rất tài/ Anh em chú chó/ Mặt mày nhăn nhó/ Là khỉ trên rừng... Nói đến công dụng của đồ vật đã có: Cái chổi quét nhà/ Cái ca múc nước/ Muốn đo dùng thước/ Ra ruộng dùng cày... Những kiến thức về nghề nghiệp cũng được ghi nhớ một cách giản dị: Ông thầy có sách, thợ ngạnh có dao, thợ rèn có búa hay: Ai cày ruộng nuôi trâu, ai trồng dâu nuôi tằm.
Khi các bé gái chơi chuyền, ta sẽ thấy những bài toán cộng trừ vỡ lòng sẽ trở nên thật dễ dàng trên đôi tay tung bóng, bắt que chuyền: Một chuyền đôi, đôi chuyền bốn, ba chuyền sáu, bốn chuyền tám, năm chuyền mười. Trò chơi ô ăn quan dạy trẻ em tính nhẩm về chia, trừ, quan sát chiều ngược, chiều xuôi và động não tư duy làm sao đi quân cho khéo, vừa ăn được quân của đối phương mà vẫn kín kẽ không để trống cửa ô bên mình. Ngay cả trò chơi đố vè, vốn chỉ cần thuộc lòng nhưng ưu thế vẫn luôn thuộc về phe nào nhanh ứng đối, ra được vế đố hiểm cho đội bạn, qua đó, các em cũng học được cách nói vần, nói chữ từ tên gọi đa nghĩa của các loài: No lòng phỉ dạ - Là con cá cơm; Liệng bay thoăn thoắt - Là con cá chim; Hụt cằng chết chìm - Là con cá đuối... Rồi: Ăn ở bụi lùm - Là con tôm cỏ; Gánh gồng lấp đường - Là con tôm đất; Vào chùa lạy Phật - Là con tôm tu... hay: Đi mà đụng vách - Là hoa mù u; Cạo đầu đi tu - Là bông hoa Bụt; Khói lên nghi ngút - Là hoa hoắc hương;...
Ở nhiều vùng nông thôn, đồng dao thường được trẻ em hát phụ hoạ cho các trò chơi dân gian như thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây, xỉa cá mè, đè cá chép... Nhiều khi lời đồng dao không ăn nhập với trò chơi, ý nghĩa lộn xộn chỉ cốt sao cho vần, dễ nhớ. Các trò chơi cứ lặp đi, lặp lại và trong quá trình chơi cũng có thêm những xê dịch về luật chơi và cả những câu hát “ngẫu hứng” sáng tác thêm. Điều đó phù hợp với trí lực của trẻ, giúp các em tiếp thu bằng ấn tượng về ngoại vật chứ không phải bằng lý luận. Ở một khía cạnh khác qua các khúc đồng dao và trò chơi, các em được dịp rèn luyện phát âm, vốn từ vựng hay đơn giản là giữ nhịp điệu cho các thao tác trong trò chơi. Về thể lực, các em được luyện mắt, chân tay, luyện thính giác, khứu giác... Hơn thế nữa, đồng dao và trò chơi còn là chất keo nối kết những tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa các em mà những trò chơi hiện đại ngày nay khó lòng có được.
Dẫu có cả một kho tàng phong phú, song những khúc đồng dao nhiều năm nay dường như đang dần bị lãng quên. Những bài đồng dao được giảng dạy trên ghế nhà trường cũng thật ít ỏi và sơ lược. Giá như nhưng bậc phụ huynh có thể bớt chút thời giờ để gieo vào tâm hồn tinh khiết của trẻ những câu ca sinh động, giá như chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến tiểu học có nhiều hơn các tiết học đồng dao, giá như... Chỉ cần mỗi người chăm chút, nỗ lực thêm một chút thôi, thì những đêm hè trăng sáng, tiếng trẻ nô đùa ríu ran hát đồng dao sẽ luôn tràn ngập trong mỗi con ngõ nhỏ, trong những khoảng sân bát ngát gió lành.