Hà Nội

Ly kỳ chuyện săn “cá ma” trên sông Gâm

12-05-2012 07:36 | Xã hội
google news

Ở hai bên bờ sông Gâm, đoạn chạy qua thị trấn Pác Miều thuộc huyện miền núi Bảo Lâm, Cao Bằng, ngày xưa người ta gọi con cá chiên là “cá ma”, không ai dám đánh bắt, ăn thịt.

Ở hai bên bờ sông Gâm, đoạn chạy qua thị trấn Pác Miều thuộc huyện miền núi Bảo Lâm, Cao Bằng, ngày xưa người ta gọi con cá chiên là “cá ma”, không ai dám đánh bắt, ăn thịt. Thế nhưng mươi năm trở lại đây, những con cá chiên khổng lồ hình thù kỳ quái với cái đầu to đùng, bè ra, mốc thếch như một phiến đá đã trở thành “đặc sản” của những người lắm tiền nhiều của. Và theo một “logic đương nhiên” thời kinh tế thị trường, ở đây đã hình thành một “đội quân” chuyên săn “cá ma”.

Thực hư huyền thoại

Trong căn lán tuềnh toàng hướng ra dòng sông Gâm mênh mông sóng nước, ông Nông Văn Mon (67 tuổi), người dân tộc Tày kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết “cá ma”: Cá chiên sinh sống trên dòng sông Gâm là giống cá lớn, tính tình tuy không hung dữ nhưng nhiều tay cao thủ nổi tiếng “sát cá” vẫn khiếp vía với nó vì trọng lượng khổng lồ cùng với “trí óc” khôn ranh như quái vật thành tinh.
 
Trước kia, không ai dám bắt cá chiên, mà nếu muốn bắt cũng khó vì loài cá này chuyên sống trong những hang sâu dưới lòng sông. Do chả có ai dám động đến nên cá chiên cứ ung dung sống đến lúc “chầu trời”, khi thân hình kỳ quái của nó đã “phình” ra bằng con lợn nhỡ…
 
Theo lời ông Mon, từ thời xưa, nghe cha ông kể rằng đây thuộc giống cá thiêng, là phương tiện đi lại của hà bá. Ở vùng Pác Miếu đã lưu truyền nhiều câu chuyện có màu sắc thần bí xung quanh con cá chiên. Chẳng hạn như có người dám bước qua truyền thuyết mà cả gan săn “cá ma” nên bị tan hoang cửa nhà, con cái đau ốm triền miên. Nhiều người khác, khi dong thuyền trên sông Gâm, gặp “cá ma” nằm ngửa bụng (cá chết), vì tò mò nên khều lại xem, ngay sau đó nhẹ thì bị lật thuyền, nặng thì người nhà chết… “Ấy là nghe kể thế, chứ thực hư chẳng biết thế nào.
 
Chỉ biết rằng, bao nhiêu năm làm nghề săn bắt cá chiên, tôi và nhiều thợ săn vào hàng cự phách ở Pác Miếu vẫn chẳng hề hấn gì. Nhưng có một sự thật là ở hai bên bờ sông Gâm, cá chiên thường sống dưới các miếu thờ hay cột cờ phướn mà người ta dựng lên để thờ thần, cầu nguyện điều may mắn. Không biết vì sao nhưng có lẽ chính vì “bí ẩn” này đã khiến nhiều người không dám đụng đến “cá ma” khi “ngài” xuất hiện” - ông Mon khẳng định.
 
Cũng theo ông Mon, thời các cụ xưa, sự kì bí mà con người tô vẽ cho giống cá chiên khiến người ta chẳng những không dám đánh bắt chúng mà chỉ thấy bóng dáng cá từ xa đã vội quay mũi thuyền. Tuy nhiên, với ông Mon nói riêng và các thợ săn cá ở vùng Pác Miếu nói chung, vốn “vô sư vô sách”, “dọc ngang chẳng biết trên đầu có ai” thì đó chỉ là chuyện… bịa đặt.
 
Bằng chứng là từ lúc mới tròn hai mươi, ông đã cùng nhiều trai làng “chinh chiến” trên sông Gâm, xem mặt sông là nhà, nền thuyền là giường, mặc dù người nhà không ít lần can ngăn. “Thế ông giải thích như thế nào mỗi khi bà nhà cùng “ra nghị quyết” ngăn cản việc ông đi săn “cá ma”? - chúng tôi hỏi, ông Mon trả lời giọng sang sảng: “Thì tôi bảo, làm gì có ma tà, quỷ quái gì? Cá nào chả là cá! Dù có to lớn đến đâu thì cũng chẳng nên sợ một giống cá!...”.

“Bí kíp” săn “cá ma”

“Bí kíp” đầu tiên khi săn loài cá này, theo anh Nông Văn Nam, một “đệ tử ruột” của ông Mon, không có gì ghê gớm như người ta đồn thổi. Bình thường, các thợ săn chỉ dùng mấy tấm lưới chắc chắn để bủa vây hang cá. Ngoài ra, còn có nhiều cách khác như phóng lao hoặc dùng súng tự tạo bắn mũi tên sắt để bắn cá chết hẳn hoặc kiệt sức rồi buộc dây, lôi ra khỏi hang.
 
Với phương pháp phóng lao, khi đầu nhọn cây lao cắm phập vào thân cá, phải thả lỏng dây cước dậu được cột ở đuôi cây lao cho cá chạy đến khi mệt nhừ và nằm im, rồi mới bơi theo dây cước đến bắt cá. Còn nếu bắn bằng súng thì mũi tên phải được cột dây cước dậu, khi cá trúng tên bỏ chạy, thợ săn phải bơi lần theo dây để bắt. So với các “chiêu” phóng lao, bắn tên sắt, “chiêu” bắt cá chiên bằng lưới quây tròn cần nhiều người với nhiều công sức hơn, nhưng bù lại, “độ ăn chắc” cao hơn.
 
“Cá chiên rất khôn lanh nên phải biết kỹ thuật đánh bắt một cách thuần thục. Cứ mỗi khi trở trời, chúng thường vào nằm lì trong hang ở gần các gộp đá có nước chảy. Do vậy, người săn cá phải lặn dưới nước nhằm phát hiện chính xác vị trí hang cá, sau đó, xác định địa hình xung quanh để chuẩn bị “trận địa” quây bắt hoặc “pháo kích” cá…” - anh Nam giải thích.
 
 Cả đời gắn bó với nghề săn bắt cá nhưng giờ đây, ông Mon nhận thấy cá ở sông Gâm ngày càng ít đi.
Như muốn để chúng tôi rõ thêm về một kiểu đánh bắt phổ thông nhất, anh Nam tả thêm: “Sau khi phát hiện có hang cá chiên, chúng tôi đeo bình lặn, chuẩn bị dụng cụ đâu đấy, rồi “tùm” xuống nước ém lưới xung quanh rồi xua cá vào bẫy. Lúc con cá lồng lộn tìm cách tung người ra ngoài, phải nhanh như chớp chụp lấy đầu cá rồi quật ngửa con cá trên tay, sau đó dùng dây buộc chặt”.
 
Trả lời câu hỏi từ trước đến nay từng đánh bắt bao nhiêu con “cá ma”, anh Nam cười: “Không nhớ hết đâu. Nghe đơn giản thế nhưng săn cá chiên khó lắm, phải nhanh nhẹn mới không để nó lừa. Giống cá này tinh khôn, thấy lưới bủa có khi nó nằm lì trong hang, nếu không có kinh nghiệm mà bỏ đi coi như sổng con mồi”. Rồi như nhớ ra điều gì đó, giọng anh bỗng chùng xuống: “Hồi tôi còn nhỏ, mỗi tối, thanh niên ở vùng Pác Miếu đều “dô hò” kéo từ lòng sông lên ít nhất một con chiên khổng lồ, con nào con nấy dài đến 1,5-2m, nặng 40-50kg.
 
Thời ấy, khi săn được cá chiên, người săn được đều xẻ thịt chia đều cho các gia đình. Khi tôi lớn lên, cá chiên vẫn còn sẵn lắm, còn bây giờ càng ngày càng hiếm. Việc săn được con cá chiên cỡ dăm ba chục cân là rất khó khăn, có khi cả năm chỉ kiếm được vài con. Để có tiền sinh sống, những người chuyên săn cá chiên trước đây phải “kiêm” thêm nhiều việc hoặc đánh bắt mớ tôm, mớ cá như bao người khác…”.

Sẽ chỉ còn trong kí ức?

Trong lúc chúng tôi và anh Nam nói chuyện thì ông Mon tuyệt nhiên không một câu góp chuyện. Nét mặt đượm buồn, ông thở dài khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm vui buồn trong nghề săn “cá ma”: “Tôi già rồi, phần lớn chỉ ngồi trên thuyền hướng dẫn thôi, nhưng chắc cũng không truyền nghề cho ai nữa vì sẽ chẳng còn cá để mà săn. Cả đời người gắn bó với con sông Gâm, đến bây giờ, tôi nhận ra cái nghề này không còn vượng vì cá mỗi ngày một ít. Dăm năm nay, chưa gặp con nào dài quá 5 gang tay…”.

 Súng tự chế dùng để bắn cá.
Theo ông Mon, câu chuyện không ai dám đánh bắt, ăn thịt cá chiên chỉ còn trong quá khứ, bởi giờ đây, giống cá này trở thành đặc sản với giá hàng triệu đồng một kg. Trước đây, không kể cá chiên, các loại cá quý như cá anh vũ, dầm xanh, lăng và cá bỗng… ở sông Gâm nhiều vô kể. Người dân sống hai bên bờ sông mỗi chiều đi làm về, ra sông tắm giặt chỉ cần vác theo cái chài, quăng bừa hai phát cũng đủ cá ăn. Mùa đánh cá, người ta phơi cá trắng cả mái bếp, trắng cả bờ rào. Cá chiên nhiều, con to, đánh về ăn không hết thì muối chua hoặc treo trên gác bếp để dành.
 
Thế nhưng, mươi năm trở lại đây, cá sông Gâm bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt. Hiện nay, có rất nhiều người buôn cá ngày nào cũng đi dọc bờ sông tìm mua cá, chở về tận Hà Giang, xuôi Tuyên Quang, thậm chí xuống đến TP. Việt Trì rồi về Hà Nội. Thấy giá cao, người ta đua nhau đi đánh bắt cá, tìm mọi biện pháp kể cả dùng xung điện… “Nhiều người săn lùng quá! Các anh cứ thử hình dung xem, hàng trăm người suốt ngày đêm cứ mai phục bên dòng sông Gâm để săn bắt các loài cá quý khiến cá ngày càng ít đi thì có gì là lạ? Cứ đà này thì tôi cũng sớm giải nghệ thôi…” - ông Mon tâm sự.  

  Bài và ảnh: Bình Hưng


Ý kiến của bạn