Ly kỳ chuyện ăn uống của VÐV thể hình Việt Nam

04-09-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều người đã kinh ngạc với chuyện ăn quá lạ và quá khủng khi tập huấn tại Mỹ của kình ngư vừa đoạt HCV Olympic trẻ Ánh Viên.

Nhiều người đã kinh ngạc với chuyện ăn quá lạ và quá khủng khi tập huấn tại Mỹ của kình ngư vừa đoạt HCV Olympic trẻ Ánh Viên. Thế nhưng, xem ra nó cũng chưa thấm gì so với thực tế các lực sĩ thể hình phải gồng lên để ăn, trong điều kiện khó khăn ngay tại Việt Nam. Mỗi ngày ăn 7 bữa cả chính phụ, với một thực đơn đảm bảo “7 không” mà tất cả tiền công, tiền ăn dồn hết vào cũng không đủ - đó là “nền tảng” tạo nên thể hình đẹp và hoành tráng trên sàn đấu của những Lý Ðức, Văn Mách, Mỹ Linh, Kim Loan.

Với họ, dinh dưỡng chính là “mẹ đẻ” của thành công, cũng như “ông bố” cho thất bại và từ đó nảy sinh vô khối chuyện kỳ lạ, dở khóc dở cười.

Chế độ dinh dưỡng cho người tập thể hình không chỉ giàu về chất mà còn “phong phú” về lượng.

Chế độ dinh dưỡng cho người tập thể hình không chỉ giàu về chất mà còn “phong phú” về lượng.

Nguyên tắc “7 không” nghiệt ngã

Ngoài những tố chất đặc thù về hình thể, nhất là hệ thống cơ, tiêu chuẩn quyết định để một người có thể tập luyện thi đấu rồi tiến xa trong nghiệp thể hình hay không lại chính là xem có thể... ăn uống như thế nào. Đơn giản vì khi đã dấn thân, bất cứ VĐV thể hình nào cũng phải đảm bảo tuyệt đối nguyên tắc ăn uống gồm 7 điểm: không chua, không cay, không ngọt, không mặn, không béo, không bia rượu và không thuốc lá. Chưa kể, họ còn phải hạn chế uống nước tối đa, có uống cũng phải đúng cách và đúng thời điểm.

Người bình thường chắc phải lắc đầu lè lưỡi khi nhìn lịch trình ăn uống chặt chẽ đến mức phức tạp của dân thể thao, với 4 bữa chính ngày nào cũng như ngày nào  vào 7 giờ 30 phút, 12 giờ 30 phút, 15 giờ và 19 giờ, rồi thêm 3 bữa phụ. Càng “khiếp” hơn với những món ăn lạ có gì đó thật nghịch lý, nào thịt bò xào nước lạnh, lòng trắng trứng gà không chấm muối, sữa không đường...

Khi tập trung đấu giải hay quá bận rộn chẳng theo được đúng số bữa và số món, họ thay thế bằng những viên dinh dưỡng protein, với cách thức chẳng giống ai: nuốt thẳng chứ không phải uống do phải tránh dùng nước.

Chính vì chuyện ăn uống quá “khủng”, đúng nghĩa hành xác liên tục trong nhiều năm ròng rã nên thể hình vô cùng kén người, chính xác hơn là cực khó tuyển người. Hàng loạt VĐV trẻ lúc đầu rất hăm hở song chỉ sau một thời gian ngắn, thậm chí chỉ vài ngày đã “chạy mất dép” cũng bởi không qua “cửa” ăn uống. Nhiều nhân tố triển vọng ngời ngời rồi cũng chẳng đi đến đâu vì thỉnh thoảng lại chịu hết nổi, vi phạm vào  nguyên tắc “7 không”.

Nói như huyền thoại Lý Đức, với thể hình, việc ăn uống chính là “mẹ đẻ” của thành công, mà ở đó VĐV phải vượt lên chiến thắng chính mình. Ngay chính anh cũng phải mất tới 2 năm mới thực sự đưa mình vào khuôn khổ. Mấy tháng đầu kiêng khem, lúc nào cơ thể cũng rã rời, phong thái lờ đờ, mồm miệng nhạt phếch, đầu óc lúc nào cũng luẩn quẩn với cảm giác thèm ngọt, thèm mặn...

Bán cả  xe máy để... ăn

Chuyện ăn của thể hình đã quá mệt mỏi rồi, nhưng với VĐV Việt Nam lại càng nan giản khi gắn với sự đầu tư thấp cùng điều kiện kinh tế hạn hẹp. Cũng chỉ có tiền ăn, tiền công như tất cả các môn khác, song họ mặc nhiên vẫn phải ăn theo chế độ riêng đặc biệt nếu muốn có thể hình đẹp, phong độ tốt.

Tính ra, như mỗi tuyển thủ thể hình quốc gia, để thực hiện được đúng chế độ ăn, dù chưa ở mức cao nhất cũng đã phải mất khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Còn người mới vào nghề kiểu gì cũng tốn ít nhất 3 triệu. Tức là, tất cả chế độ nhận được cũng chưa đủ để... ăn.

Hầu hết các VĐV, đặc biệt trong thời kỳ đầu đều phải tự lo thêm một khoản đáng kể. Cực chẳng đã, họ phải xin gia đình và tranh thủ làm thêm. Thậm chí từng có một số lực sĩ của TP.HCM hiện đã thành danh từng chấp nhận bán cả xe máy rồi vay ngân hàng để có “vốn” nuôi nghiệp thể hình.

Từ đó mới có những cách “tiết kiệm” bi hài rất thể hình, kiểu như thay vì mua trứng gà quả, một số VĐV chịu khó mỗi ngày tìm đến các nhà hàng nài nỉ họ bán riêng cho một “mớ” lòng trắng. Như thế, họ vừa đỡ hẳn được chi phí vừa đỡ xót ruột vì kể cả có mua trứng gà quả về cũng chỉ dùng lòng trắng còn lòng đỏ vẫn bỏ. Rồi món thịt bò hay ức gà, đa số cũng phải chịu khó ra tận chợ tìm mua loại rẻ nhất, dù rằng có thể chỉ loại 2 hay loại 3.

Đúng là nỗi niềm không biết tỏ cùng ai của con nhà nghèo phải ăn như người giàu. Khổ nỗi, nói như lực sĩ Văn Mách, kiểu gì cũng phải có và cố mà ăn, vì khác với các môn khác có thể lấy tập luyện bù lại được, riêng thể hình chỉ ăn ít hay ăn chưa đúng thôi coi như... hỏng.

8,2% VÐV Việt Nam bị rối loạn hành vi ăn uống

Con số đáng giật mình này là  kết quả nghiên cứu chính thức do Viện KHTDTT phối hợp cùng một số địa phương thực hiện mới đây, với đối tượng là gần 500 VÐV của 30 môn, trọng điểm là tại TP.HCM. Có tới 8,2% số VÐV, tức là chiếm tới gần 1/10 bị rối loạn các hành vi ăn uống ở các mức độ khác nhau.

Trong đó có 5,3% bị chứng ăn uống vô độ, chủ yếu ở các VÐV nhóm môn võ thuật, cử tạ, thể hình. Còn 2,9% nữa là các VÐV bị chứng chán ăn tâm lý, tuy không cao nhưng lại phổ biến ở nhiều môn, có phần nhỉnh hơn  ở cờ vua, thể dục dụng cụ. Ðáng chú ý, 73% số lượng các VÐV bị chứng chán ăn tâm lý này rơi vào các đối tượng ở độ tuổi từ 9-18.

Rất tiếc vì sau khi cho ra kết quả điều tra hữu ích, phần nào đó rất đáng báo động này đã không thấy ngành thể thao triển khai gì tiếp để điều chỉnh hành vi ăn uống ngày càng tự phát của các VÐV, kể cả các tuyển thủ quốc gia.

Xuyến Chi

 


Ý kiến của bạn