Ly kỳ ca chửa ngoài tử cung suýt chẩn đoán nhầm xơ gan cổ trướng

01-09-2023 08:36 | Y tế
google news

SKĐS - Chị Khúc Thị Ken, 31 tuổi, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đến hôm nay mới thở phào nhẽ nhõm, sau ca phẫu thuật của bác sĩ BV Sản Nhi Bắc Giang. Chị Ken có bệnh lý phức tạp, đi nhiều cơ sở y tế nhưng khó tìm chính xác bệnh.

BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang thăm khám chị Khúc Thị Ken sau phẫu thuật. Video: Hiền Chúc

Theo bác sĩ BV Sản Nhi Bắc Giang, chị Ken có bệnh lý xơ gan và suy giáp, triệu chứng của chửa ngoài tử cung không điển hình nên chẩn đoán đúng bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp không phải dễ dàng.

Chửa trong hay ngoài tử cung?

"Hành trình" đến BV Sản Nhi Bắc Giang của chị Ken là cả quá trình dài đằng đẵng. Khi chị đến BV đang ở tình trạng mỏi mệt, da xanh xao và đau tức bụng.

Chị Ken kể lại, thời gian gần đây, thỉnh thoảng tôi đau bụng, uống thuốc giảm đau đỡ được vài hôm thì lại bị đau tiếp. 

Đi khám tại cơ sở y tế gần nhà, bác sĩ chẩn đoán là xơ gan cổ trướng và kê đơn thuốc về uống. Tuy nhiên bệnh tình không thuyên giảm, bụng lại thấy đau hơn nên tôi ra Hà Nội để khám. 

Tại đó tôi được xét nghiệm máu, siêu âm, chọc hút dịch tủy xương để làm xét nghiệm tủy đồ. Bác sĩ hẹn tôi 2 ngày sau có kết quả chính xác thì sẽ thông báo. 

Ly kỳ ca chửa ngoài tử cung suýt chẩn đoán "nhầm " xơ gan cổ trướng - Ảnh 2.

Theo BSCKII Lê Công Tước, trường hợp của chị Ken để chẩn đoán đúng bệnh lý là không dễ.

Về nhà đợi kết quả, bụng tiếp tục đau, hoa mắt chóng mặt, tháng này tôi lại bị chậm kinh nên gia đình đưa tới BV Sản Nhi Bắc Giang.

Đến BV Sản Nhi Bắc Giang, bệnh nhân Khúc Thị Ken được bác sĩ thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết và tham khảo kết quả bệnh nhân từng khám trên Hà Nội, nhận thấy có một số triệu chứng chính như sau:

- Bệnh nhân mệt mỏi, da niêm mạc nhợt, đau tức bụng, có tiền sử thiếu máu chưa rõ nguyên nhân phải truyền máu.

- Bệnh nhân có kết quả siêu âm tại bệnh viện ngoài Hà Nội và các bệnh viện khác là xơ gan cổ trướng, không có thai trong buồng tử cung.

- Bệnh nhân có tình trạng thiếu máu: số lượng hồng cầu HC 2,68T/L;  lượng huyết sắc tố Hb 84g/L;

- Chị Ken có kết quả xét nghiệm beta HCG 105 IU/L.

Với các triệu chứng trên, các bác sĩ đều hướng tới bệnh cảnh của bệnh nhân Khúc Thị Ken là xơ gan, dịch tự do trong ổ bụng là dịch cổ trướng do xơ gan và bệnh nhân bị thiếu máu là thiếu máu mãn tính, có thể hậu quả do xơ gan hoặc bệnh về máu (đây là lý do mà bệnh viện trên Hà Nội đã cho bệnh nhân làm xét nghiệm tuỷ đồ). 

Còn nồng độ beta HCG trong máu rất thấp chỉ 105 IU/L (tiêu chuẩn chẩn đoán chửa ngoài tử cung là > 1.000 IU/L kết hợp với siêu âm không có thai trong buồng tử cung) khiến các bác sĩ nghĩ tới tình huống là bệnh nhân mới có thai hoặc thai thoái triển. 

Chính vì những lý do này  mà các bác sĩ Khoa Phụ - BV Sản Nhi Bắc Giang rất băn khoăn giữa việc nên chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên để điều trị xơ gan và theo dõi tình trạng thai của bệnh nhân hay giữ bệnh nhân ở lại BV để tiếp tục theo dõi tình trạng thai nghén của bệnh nhân cho đến khi xác định rõ ràng chửa trong hay chửa ngoài tử cung. 

Và để đưa ra hướng xử trí thích hợp đối với tình trạng của bệnh nhân Khúc Thị Ken, bác sĩ Khoa Phụ đã mời TTƯT.BS CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện chủ trì hội chẩn và đưa ra quyết định cuối cùng.

"Trường hợp của chị Ken để chẩn đoán đúng bệnh lý là không dễ" - BSCKII Lê Công Tước nói. 

Phân tích kỹ lâm sàng và xét nghiệm tìm ra "nút thắt"

Sau thăm khám, hỏi bệnh, phân tích các dữ kiện và các kết quả xét nghiệm, BSCKII Lê Công Tước đã phát hiện ra các điểm mấu chốt để chẩn đoán xác định bệnh nhân Khúc Thị Ken bị chửa ngoài tử cung chứ không phải xơ gan cổ trướng bởi lý do sau: 

Về lâm sàng bệnh nhân không có tuần hoàn bàng hệ (là mạch máu nổi to dưới da bụng do xơ gan làm mất các tĩnh mạch trung tâm tiểu thuỳ, làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa và máu sẽ theo vòng nối cửa -  chủ qua hệ thống tĩnh mạch dưới da bụng). 

Hơn nữa, kết quả xét nghiệm sinh hoá tỷ lệ Albumin/Globulin >1 nên có thể loại trừ đây là dịch cổ trướng do xơ gan (mặc dù trên hình ảnh siêu âm là xơ gan điển hình). 

Về phân tích kết quả xét nghiệm máu: bệnh nhân thiếu máu đẳng sắc (số lượng hồng cầu HC 2,68T/L; lượng huyết sắc tố Hb 84g/L; thể tích trung bình hồng cầu MCV 94,8 fl; lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu MCH 31,3 pg) và xét nghiệm huyết đồ của cơ sở y tế trên Hà Nội có tăng tỷ lệ hồng cầu lưới cho nên đây là tình trạng thiếu máu do mất máu. 

Như vậy, qua phân tích về lâm sàng và kết quả xét nghiệm có thể khẳng định rằng dịch tự do trong ổ bụng là máu và nguyên nhân do bệnh nhân chửa ngoài tử cung (Beta HCG 105 IU/L).

Việc phân tích chính xác kết quả xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán đúng bệnh và quyết định phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung có ý nghĩa rất lớn đối với tính mạng bệnh nhân bởi nếu chẩn đoán sai bệnh và điều trị nội khoa xơ gan cổ trướng, bệnh nhân vẫn sẽ tiếp tục bị chảy máu trong ổ bụng và chết vì mất máu.

Xử trí chửa ngoài tử cung phức tạp

Được biết, phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân chửa ngoài tử cung bị chảy máu trong ổ bụng kèm theo bệnh lý xơ gan và tiền sử từng có 2 lần mổ mở thật không dễ dàng (01 mổ đẻ và 01 lần mổ u nang buồng trứng). 

Ngoài vấn đề kỹ thuật, phẫu thuật viên còn phải đối diện với các nguy cơ khác. "Phẫu thuật trên bệnh nhân xơ gan rất nguy hiểm vì chức năng gan kém có thể dẫn tới 2 nguy cơ đó là bệnh nhân không tỉnh lại sau gây mê và rối loạn đông máu. 

Chính vì vậy mà kíp gây mê phải rất lưu ý trong vấn đề gây mê hồi sức, sử dụng các thuốc ít độc nhất với gan, duy trì huyết động bệnh nhân luôn ổn định, đồng thời trong quá trình mổ, phẫu thuật viên cũng phải đốt cầm máu thận trọng để bệnh nhân không bị chảy máu trong và sau mổ. 

Hơn nữa, quá trình điều trị, chăm sóc sau mổ cũng phải đặc biệt chú trọng, bệnh nhân luôn được theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, dự phòng nhiễm khuẩn, duy trì tốt chức năng gan, thận và phòng ngừa các biến chứng khác cũng được lưu tâm" - BCCKII Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang - Trưởng kíp mổ nói thêm. 

Mang thai ngoài tử cung (hay chửa ngoài tử cung) là tình trạng trứng sau khi thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác bên ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở vòi trứng (95 - 98%)…

Thai ngoài tử cung không được buồng tử cung bảo vệ, túi thai vỡ sẽ khiến chảy máu ồ ạt vào ổ bụng và đe dọa tính mạng thai phụ nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời. Nguyên nhân mang thai ngoài tử cung là do viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu, do dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng hoặc cũng có thể không rõ nguyên nhân.

Qua đây, BSCKII Lê Công Tước khuyến cáo: Phụ nữ khi thấy có triệu chứng đau bụng và chậm kinh, trước tiên cần phải đi khám chuyên khoa Phụ - Sản để xem có phải nguyên nhân do thai nghén hay không vì đó có thể là dấu hiệu của chửa ngoài tử cung.

Khi loại trừ nguyên nhân do thai nghén , mới nên đi khám các chuyên khoa khác. Mang thai ngoài tử cung là điều mà không ai mong muốn xảy ra.

Vì vậy, phụ nữ khi có bất kì dấu hiệu mang thai nào cũng nên tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.



Hiền Chúc
Ý kiến của bạn