Hà Nội

Lý giải về thuyết âm dương

01-11-2010 07:10 | Thời sự
google news

Tại các vùng có sự thay đổi và phân biệt các mùa rõ rệt, thời gian giao mùa luôn là thời điểm có tác động không nhỏ tới quá trình sống của con người nói riêng và các loài động vật nói chung. Sự tác động đó có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của chúng ta? đó là điều khoa học đã và đang đi tìm lời lý giải.

Tại các vùng có sự thay đổi và phân biệt các mùa rõ rệt, thời gian giao mùa luôn là thời điểm có tác động không nhỏ tới quá trình sống của con người nói riêng và các loài động vật nói chung. Sự tác động đó có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của chúng ta? đó là điều khoa học đã và đang đi tìm lời lý giải.

Thời điểm giao mùa đáng chú ý nhất trong năm bắt đầu được tính từ thời điểm thu phân. Khi đó, ánh nắng mặt trời bắt đầu có sự thay đổi rất rõ rệt, nắng không còn gay gắt như mùa hè và thời gian ban ngày bắt đầu ngắn lại, đêm trở nên dài hơn ở Bắc bán cầu. Và đây chính là khoảng thời gian diễn ra nhiều tác động đối với các loài động vật và thực vật tại khu vực vĩ độ cao hơn đường xích đạo.

Nghiên cứu của các nhà sinh lý học thuộc trường đại học Virginia - Mỹ vừa công bố kết quả cho hay: sự giao mùa cùng với sự thay đổi về thời tiết và các yếu tố thiên nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến con người, đặc biệt là tới tình trạng sức khoẻ và tâm sinh lý. Theo họ, đây là quãng thời gian, mà số ca mắc chứng trầm cảm và số vụ tự sát ở con người thường đạt tới mức cao nhất trong năm, trái lại với mùa hè và mùa xuân - mùa sinh sôi, nảy nở của mọi vật.

 Trong thuyết âm dương, ánh sáng và bóng tối là yếu tố quan trọng.

Những lý giải của khoa học phương Đông

Đi tìm câu trả lời cho hiện tượng vì sao mọi vật có những chu kỳ thay đổi phụ thuộc vào tác động của các mùa. Theo lý giải của khoa học phương Đông, mà chủ yếu là thuyết âm dương của người Trung Hoa, thì mùa xuân là mùa dương khí trong trời đất bắt đầu hội tụ và tăng lên, mọi vật bắt đầu đâm trồi, nảy lộc. Khi bước sang mùa hè, dương khí ở mức cực đại, âm khí yếu, đó là lúc cỏ cây và các loài vật phát triển mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, giống như một chu kỳ, bước vào mùa thu, là thời điểm âm khí trong trời đất và trong cơ thể con người bắt đầu có sự thay đổi lên cao dần, trong khi đó mức dương khí thấp dần. Âm khí cao dần lên khi tiết trời chuyển dần từ thu sang đông và ở mức cực đại khi bước sang mùa đông. Sự thay đổi của âm khí và dương khí trong trời đất và trong cơ thể con người lúc này bắt đầu gây ra những chuyển biến về mặt tâm, sinh lý của con người. Thời điểm giao mùa của thu và đông có thể khiến cho bệnh tật bắt đầu gia tăng và tình trạng sức khoẻ ở con người, đặc biệt là những người mang sẵn bệnh tật trong cơ thể trở nên yếu ớt hơn, bệnh dễ phát tác hơn.

Dưới cái nhìn của khoa học phương Tây

Nghiên cứu của các nhà khoa học phương Tây chủ yếu dựa vào kết quả thống kê từ thực tiễn và yếu tố nội tiết đã cho thấy: thời điểm chuyển giao mùa thu và đông là khoảng thời gian có các ca mắc bệnh do tác động theo mùa (SAD - seasonal affective disorder) gia tăng mạnh. Số trường hợp mắc các chứng trầm cảm cũng gia tăng vào mùa này, và đạt mức cực điểm vào mùa đông. Tuy nhiên, bước sang xuân và hè, thì con số này giảm đi rõ rệt. Năm 2001, một nghiên cứu của các chuyên gia tâm thần học người Mỹ đăng trên tạp chí the Journal Archives of General Psychiatry đã phát hiện ra rằng: ở những người bị mắc bệnh do tác động theo mùa, nồng độ hormon melatonin trong cơ thể họ tiết ra nhiều hơn và kéo dài hơn trong suốt những đêm mùa đông (trong cơ thể người, sự sản sinh hormon melatonin thường diễn ra vào ban đêm khi chúng ta chìm vào giấc ngủ). Và chính sự thay đổi của nồng độ hormon melatonin trong cơ thể này là nguyên nhân làm xuất hiện sự thay đổi các trạng thái tâm sinh lý của con người. Ngoài con người, các nghiên cứu trên nhiều loài động vật có vú khác cũng cho thấy sự thay đổi trong đời sống của chúng. Tại những vùng thuộc vĩ độ cao, trường hợp người dân bị các bệnh do tác động theo mùa chiếm khoảng 10% dân số.

Yếu tố giao mùa và đồng hồ sinh học

Theo giáo sư Provencio - người tham gia nhóm nghiên cứu tại trường đại học Virginia, Mỹ - cho biết: nhóm nghiên cứu của ông đặc biệt chú ý tới nhịp sinh học trong cơ thể con người và các loài động vật có vú nói chung.

Vào thời điểm có ánh sáng mặt trời chiếu sáng, các yếu tố tiếp nhận ánh sáng trong võng mạc của mắt cùng với các tế bào cảm quang ở trung tâm võng mạc cảm nhận rất rõ sự tồn tại của ban ngày. Thông tin đó được truyền về não và báo cho cơ thể biết để có sự điều chỉnh nhịp sinh học thích hợp với hoạt động của cơ thể chẳng hạn như: có sự điều chỉnh về nhịp tim, nồng độ sản sinh melatonin, sự tỉnh táo của đầu óc...

Chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể con người không hoạt động giống như một chiếc đồng hồ bình thường với 24 giờ chia đều. Mà nhịp sinh học xác định một ngày của con người nhìn chung thông qua sự điều hoà nhịp tim và được điều chỉnh bởi khu vực não bộ trung tâm. đồng hồ sinh học trong cơ thể trung bình của một người  kết thúc sau  24 giờ 11 phút, song cũng có thể dài hơn, hoặc ngắn hơn ở mỗi cá thể khác nhau. Và ánh sáng trong ngày chính là chiếc "nút" khởi động chiếc đồng hồ sinh học ở các loài động vật cũng như con người. Theo giáo sư Domien Beersma - người đứng đầu nhóm nghiên cứu về nhịp sinh học thuộc trường đại học Groningen - Hà Lan, thì ở các loài động vật và người có chu kỳ sinh học dài, cơ thể có xu hướng hoạt động giống như loài cú đêm, họ rất ít ngủ vào ban đêm và thường đi ngủ muộn. Ngược lại, với những người có chu kỳ nhịp sinh học ngắn, họ chủ yếu hoạt động trong ngày, dậy sớm và tỉnh táo một cách dễ dàng.

Ngoài ra, các yếu tố khác, chẳng hạn như đặc điểm vận động của mỗi loài cũng có những tác động đáng kể đến nhịp sinh học của loài đó. Ở con người, mọi hoạt động chủ yếu diễn ra vào ban ngày vì chúng ta phụ thuộc nhiều vào ánh sáng. Song đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho cơ thể chúng ta dễ dàng bị tác động bởi yếu tố giao mùa (thời điểm mà ánh sáng trong ngày bắt đầu có sự  thay đổi rõ dệt: ngắn hơn, hoặc dài hơn).

Minh Ngọc(Theo livesciene)


Ý kiến của bạn