Phần 4 của Xuân không màu vừa ra mắt và đã thu hút hàng triệu lượt xem, bởi câu chuyện giàu tính nhân văn được tiếp nối từ các phần trước đó.
Trong những bộ phim lên sóng vào thời điểm Tết đến xuân về, Xuân không màu được xem là điểm khác biệt, mới lạ so với nhiều tác phẩm khác. Thường thì những phim ngày xuân lấy nét chủ đạo là hài hước để tạo không khí vui tươi, thì Xuân không màu đã đến với khán giả lại nói về nỗi lòng của người phụ nữ sau khi lấy chồng, luôn mong mỏi, khát khao được về ngoại đón tết. Qua 3 mùa với cùng chủ đề, nhưng mỗi năm lại được khai thác dưới một góc cạnh khác nhau, Xuân không màu không lặp lại cái cũ để tạo sức hút với người xem.
Phần 4 của series phim Xuân không màu với chủ đề Một lần làm vợ vừa được nhà sản xuất phát hành trên mạng và ngay lập tức đã có hàng triệu lượt xem, nhiều bình luận tích cực. Phần 4 này do Diệp Tiên làm đạo diễn. Trong lần lên sóng này, đạo diễn Diệp Tiên đã “hô biến” những người chồng thành người vợ trong một giấc mơ. Vào những ngày Tết, anh chồng thử mặc váy, đi chợ, tay xách nách mang, lo toan việc nhà, chăm lo con cái. Những công việc mà thường ngày chồng nghĩ rằng là “việc đơn giản, việc của vợ” thì nay lại khiến chồng hoảng sợ, khóc thét. Khi thử đặt mình vào vị trí của vợ, người chồng mới dần nhận ra và thấu hiểu hết được những nỗi niềm mà vợ đã trải qua. Qua đó, Xuân không màu - Một lần làm vợ không chỉ là xoay quanh câu chuyện Tết nội - Tết ngoại, mà còn khắc họa rõ nét chân dung người phụ nữ Việt với bao sự hy sinh, vất vả mỗi khi Tết đến xuân về.
Cảnh trong phim ngắn Xuân không màu phần 4 .
Thành công của Xuân không màu vừa ra mắt cho thấy sức hút của chủ đề Tết nhà ngoại vẫn chưa bao giờ hết “nóng”, bởi nó luôn chạm đến được niềm khát khao sâu thẳm nhất trong trái tim của mỗi người phụ nữ. Với thông điệp nhân văn và kịch bản chỉn chu, tình tiết hấp dẫn, Xuân không màu năm nay đã vượt qua giá trị của một phim ngắn Tết thông thường, trở thành một tác phẩm nghệ thuật có sức ảnh hưởng, giúp truyền tải thông điệp có ý nghĩa xã hội, để mang đến hạnh phúc, niềm vui thực sự cho người phụ nữ Việt Nam.
Trước đó, các phần của Xuân không màu cũng tạo được cảm tình với người xem. Ở phần 3, Xuân không màu chủ đề Xuân của mẹ khai thác vấn đề từ một góc nhìn khác: suy nghĩ và cảm xúc của những người đang là mẹ chồng. Khi con trai xin phép mẹ về nhà vợ ăn Tết, người mẹ nhất quyết không cho về vì điều này trái với truyền thống. Nhưng khi chứng kiến câu chuyện của bà hàng xóm - một người mẹ vợ với nỗi mong ngóng con gái từng ngày từng giờ, người mẹ chồng đã chạnh lòng, nhớ lại thời tuổi trẻ khi đi làm dâu của mình. Người phụ nữ ấy đã dần hiểu ra và đồng cảm với mong muốn về ngoại đón Tết của con dâu. Không có sự xuất hiện của những cảnh quay hoành tráng, cũng không tập trung vào yếu tố kịch tính... nhưng Xuân không màu 3 chạm tới một tâm sự riêng của mọi phụ nữ - đặc biệt là những ai đã và đang làm dâu - trong ngày Tết: cảm giác thèm được sum họp và có một ngày Tết viên mãn với những người đã sinh thành ra mình.
Đối với Xuân không màu 2, bộ phim kể về một gia đình nhỏ, trong đó người chồng được cấp trên giao nhiệm vụ tìm kiếm ước mơ của những người phụ nữ khi Tết đang cận kệ. Tuy nhiên, vì mải mê với công việc anh lại quên đi nỗi niềm tâm sự của chính vợ mình. Rồi một ngày, người vợ được mời đến công ty của chồng để nói về ước mơ trong Tết cổ truyền. Chính lúc ấy, người chồng cũng đứng phía sau nghe lời tâm sự của vợ. Và ước mơ của cô rất đơn giản, được một lần về ăn Tết với bố mẹ đẻ. Như thấu hiểu được nỗi lòng của vợ, Tết ấy cặp đôi đã quyết định về quê ngoại ăn Tết. Ở phần đầu tiên của Xuân không màu, diễn viên Huỳnh Lập lại đem đến khán giả những thước phim như một bản nhạc của cảm xúc. Ngoài hình ảnh đẹp và cảm xúc thật của diễn viên, Xuân không màu phần đầu còn khiến người xem xúc động với những ca từ của lời bài hát, một sáng tác độc quyền của Tăng Nhật Tuệ dành cho phim ngắn này với sự thể hiện mượt mà, ấm áp của nữ ca sĩ Miu Lê.
Theo diễn viên Diệu Hương - người vào vai San phim truyền hình ăn khách Hoa hồng trên ngực trái, khi xem Xuân không màu - Một lần làm vợ vừa ra mắt, phim chạm đến cảm xúc của chính Diễm Hương. Nữ diễn viên này vừa định cư ở nước ngoài cùng nhà nội, nên khi câu hát “Đường về nhà xa quá mẹ ơi” trong phim vang lên mang đến cho Diễm Hương nhiều cảm xúc và cô cũng không thể kìm được nước mắt. Bởi vậy, dù thời lượng ngắn chỉ từ 10 - 30 phút, nhưng series phim Xuân không màu hiện tại và những năm qua đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, để thấy được nhu cầu đón giao thừa với nhà ngoại của người phụ nữ là hết sức chính đáng, cần được tôn trọng và đáp ứng. Và bản thân người phụ nữ cũng mạnh dạn hơn khi chia sẻ mong muốn của mình với người thân để mọi người có cái nhìn cởi mở và tiến bộ hơn về vấn đề này.