Đó là những yếu tố làm nên thành công cho không ít bộ phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây.
Theo kịp thị hiếu
Không hề quá lời khi nhận định những bộ phim mang thương hiệu VFC những năm gần đây chiếm trọn tình cảm khán giả, như Tuổi thanh xuân; Zippo, mù tạt và em; Chiều ngang qua phố cũ... Đặc biệt là 2 bộ phim Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử. Chỉ sau hơn 25 giờ trailer phim Sống chung với mẹ chồng được đăng tải, đã có 3,6 triệu lượt xem, hơn 56.000 lượt thích, gần 57.000 lượt chia sẻ, 32.000 lượt bình luận trên trang fanpage chính thức của phim. Chưa dừng lại ở đó, khi chính thức lên sóng truyền hình, những bộ phim này còn đạt lượt rating (chỉ số khảo sát khán giả theo dõi truyền hình) cao vượt trội.
Một nhược điểm thường thấy ở phim truyền hình Việt là cách xử lý những tình huống phim dễ và tầm thường đến vô lý, xem đoạn đầu đã biết kết cục. Sự nhàm chán vì thế mà khó tránh khỏi. Tuy nhiên gần đây, các nhà làm phim đã khắc phục nhược điểm này. Đạo diễn Khải Hưng của Người phán xử cho hay, anh và êkíp đã cố gắng làm hấp dẫn, mới lạ trong từng cảnh quay, tình tiết, làm sao để khán giả phải hồi hộp, khó đoán và tự tư duy về những diễn biến tiếp theo của phim. Thực tế, Người phán xử đã làm được việc này. Bên cạnh đó, VFC cũng không quên đầu tư sản xuất những dự án về đề tài tâm lý gia đình, đáng chú ý là 2 bộ phim lên sóng “giờ vàng” VTV năm 2019 là Nàng dâu order và Nước mắt của gà trống.
Trong đó, phim Nước mắt của gà trống (30 tập) xoay quanh câu chuyện cuộc sống của một người đàn ông góa vợ, nỗ lực vượt qua nỗi đau, những khó khăn để dạy 3 cô con gái nên người. Còn phim Nàng dâu order (28 tập), kể về cuộc sống gia đình của một cô dâu vừa bước chân về nhà chồng.Cô có sở thích mua sắm đồ qua mạng và điều này khiến cô gái bất đồng không chỉ với gia đình chồng mà ngay cả với chính cha mẹ đẻ.
Nhìn lại cách làm phim VFC trong thời gian qua, việc nắm bắt thị hiếu khán giả và phân khúc khán giả trẻ, khán giả đô thị... rất được quan tâm. Nhiều dòng phim, từ tâm lý xã hội, hình sự, hồ sơ trinh sát... được khai thác phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, việc dành những khung giờ vàng như 20 giờ 10, 21 giờ hằng ngày trên các kênh vàng: VTV1, VTV3 cũng cho thấy sự đầu tư của VTV dành cho phim truyền hình Việt. Với đề tài phong phú, mới mẻ với câu chuyện phim thú vị, phim truyền hình Việt hứa hẹn sẽ có thêm nhiều tác phẩm đáng để khán giả chờ đợi giai đoạn nửa cuối năm 2019.
Dàn diễn viên chính của phim Về nhà đi con ghi nhiều dấu ấn thể loại phim truyền hình năm 2019.
Sức hút từ những gương mặt mới
Không thể phủ nhận, một trong những yếu tố tạo sức hút cho phim truyền hình thời gian gần đây chính là sự tham gia của dàn diễn viên trẻ. Năm qua, một loạt diễn viên trẻ mà tên tuổi còn tương đối mới mẻ với số đông khán giả màn ảnh nhỏ trước đó, nhưng đã ghi được dấu ấn, được đánh giá cao về diễn xuất và có độ phủ sóng tốt như: Gin Tuấn Kiệt, Phát La, Thiên Nga (The Face), Thuý Ngân, Tuấn Trần, Song Luân, Khả Ngân, Đông Sương, Băng Di, Phát La, Vĩnh San, Emma Nguyễn, Phi Huyền Trang, Ngô Phương Anh...
Mạnh dạn giao vai lớn cho các diễn viên trẻ còn tương đối mới hay khuyến khích diễn viên trẻ vốn đã quen thuộc “thay đổi” cách diễn xuất là cách thức hiệu quả, góp phần tăng sức hút cho khá nhiều phim truyền hình Việt.Trong thời điểm, phim truyền hình Việt đang nỗ lực cải thiện về chất lượng và cả số lượng thì việc trẻ hóa và làm mới đội ngũ diễn viên để thu hút khán giả là một giải pháp thực sự cần thiết.
Nhiều dự án phim mới sắp ra mắt hoặc khởi quay, hay đang casting của năm mới 2019 vẫn đưa ra tiêu chí là trao vai diễn lớn cho diễn viên trẻ tên tuổi còn ít được biết đến, hay cho các diễn viên trẻ đã quen thuộc được đổi mới diễn xuất, với kỳ vọng họ sẽ góp phần đem lại sự hấp dẫn mới mẻ để thu hút đông đảo khán giả, trong đó có giới trẻ. Bởi lẽ, khi xem mãi những gương mặt cũ diễn xuất thì dù là câu chuyện mới, phim mới cũng sẽ khiến khán giả cảm thấy nhàm chán.
Một điều cần ghi nhận là những bộ phim mà diễn viên trẻ tham gia diễn xuất đều tạo được mức rating khá tốt, hay nhận được phản hồi tích cực từ đông đảo khán giả. Trong đó, Thúy Ngân đã nhận được giải thưởng Mai Vàng dành cho Nữ diễn viên truyền hình được yêu thích nhất với vai Hân trong phim Gạo nếp gạo tẻ. Trước vai diễn này, Thúy Ngân tuy đã tham gia diễn xuất ít nhiều nhưng chưa thật sự để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Với hình ảnh cô vợ đanh đá và tham của, Thúy Ngân đã thành công trong việc hóa thân thành “cô con dâu bị ghét nhất màn ảnh Việt” và ghi điểm trong lòng khán giả.
Sự trở lại thú vị của những diễn viên gạo cội
Đồng nghĩa với sự lên tay của phim Việt, là đội ngũ những diễn viên trẻ cũng được yêu thích thêm mỗi ngày qua các dự án “chắc tay”. Nhưng khán giả trong nước cũng vẫn dành sự ưu ái, sự tin tưởng cho các diễn viên... không còn trẻ. Nói cách khác, đội ngũ diễn viên gạo cội chính là bảo chứng chất lượng diễn xuất của phim truyền hình. Hiện tượng Người phán xử mấy năm trước cho thấy sức hút mạnh mẽ từ bộ phim chuyển thể khá hoàn hảo. Nhưng các diễn viên được chấm điểm cao nhất, có sức hút nhất phim không phải là những gương mặt ăn khách như: Hồng Đăng, Việt An hay Đan Lê, Bảo Thanh... Mà là 2 gương mặt khán giả đã quá quen mặt quen tên, ở cả sân khấu kịch nói lẫn địa hạt phim truyền hình: NSND Hoàng Dũng và NSƯT Trung Anh.
Ông trùm Phan Quân (nghệ sĩ Hoàng Dũng đóng) và nhân vật Lương Bổng (nghệ sĩ Trung Anh đảm nhiệm) trở thành bộ đôi ăn khách không chỉ trên mạng xã hội mà còn hút quảng cáo không kém một ca sĩ đang “hot” nào. Diễn xuất của các diễn viên gạo cội thực sự được đánh giá rất cao, nội tâm nhân vật và hành động được xử lý khéo léo đến mức không có gì để chê. Không những thế, những nghệ sĩ gạo cội luôn rất đa dạng vai, người ta không thể nghĩ được rằng có ngày nghệ sĩ Lan Hương lại vào vai một bà mẹ chồng bị “ghét nhất vịnh Bắc Bộ” với tất cả biểu cảm và thoại khiến ai xem cũng... “ức chế”.
Nghệ sĩ Trung Anh cũng là điển hình của gương mặt có thể đóng cả “chính” và “tà” - điều mà không phải diễn viên nào cũng làm được. Nếu ai đã yêu quý nhân vật Lương Bổng đàng hoàng, trung thành, có nghĩa khí thì cũng không ít lần “choáng” khi thấy nghệ sĩ Trung Anh vào vai phản diện, lúc mưu mẹo, lúc vũ phu, lúc hèn hạ... nói chung là đủ cả các trạng thái nhân vật. Gần đây, nghệ sĩ Trung Anh lại tạo được sức hút lớn với phim Về nhà đi con.
Bên cạnh 3 yếu tố trên, việc chuyên nghiệp hóa, đầu tư thỏa đáng chính là giải pháp sống còn của phim truyền hình Việt Nam trong thế “đấu đá” với phim chiếu rạp. Trên sân chơi phim ảnh hiện nay, những người giỏi nghề và muốn sống với nghề cần biết cách để tạo ra thế mạnh của mình và giữ khán giả của mình chứ không còn chỗ cho những người nghiệp dư, mong muốn đánh lừa khán giả bằng những kịch bản phù phiếm, xa rời thực tế.